Là thế hệ kế cận, hầu hết "ái nữ" của các đại gia Việt đều thuộc thế hệ 8-9X. Trong đó, ghi dấu ấn trên thương trường hiện nay là 7 CEO tài năng, xinh đẹp đang sở hữu khối tài sản nghìn tỉ thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ chốt.
Ngọc Mỹ sinh năm 1991, là con gái út của ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch HĐQT Alphanam. Sau khi du học ở Mỹ, "ái nữ" ông chủ Alphanam tham gia ngay vào việc kinh doanh của gia đình, cùng cha và anh trai là Nguyễn Minh Nhật.
Trong thời gian 4 năm làm việc tại Alphanam, cô đảm trách các công việc xây dựng kế hoạch, tìm kiếm đối tác, thiết kế dự án - giám sát tiến độ thi công - quản lí vận hành và khai thác kinh doanh các khách sạn.
Ngoài ra, Ngọc Mỹ còn giúp cha đưa doanh nghiệp mở rộng sang một số lĩnh vực mới. Cô được ông Nguyễn Tuấn Hải ủy quyền làm việc với Marriott International và Intercontinental Hotel Group, đối tác xây dựng và quản lí 3 khách sạn của công ty.
Thế mạnh của con gái ông chủ Alphanam là thiết kế dự án. Năm 2012, cô lập công ty tư vấn thiết kế riêng mang tên Salvador Perez Arroyo & Partner (SDesign), đây là đơn vị thiết kế bảo tàng thư viện Quảng Ninh.
Khi mới 24 tuổi, Nguyễn Ngọc Mỹ được Forbes Việt Nam bình chọn vào danh sách 30 Under 30. Năm 2017, Ngọc Mỹ cũng là người trẻ nhất trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam.
Lê Nữ Thùy Dương, một trong hai người con của doanh nhân Lê Văn Kiểm, đang kế nghiệp gia đình với vị trí Tổng giám đốc của Công ty CP Đầu tư và thương mại Golf Long Thành.
CEO thuộc thế hệ 7X này cũng đồng thời nắm giữ vị trí Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thiên Đức, đối tác của Capital Land trong các dự án bất động sản The Vista, Vista Verde, The Feliz en Vista tại quận 2, TP HCM.
Dấu ấn của con gái ông Lê Văn Kiểm còn đến từ việc điều hành dự án phát triển khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng có quy mô 800 ha tại khu vực Bãi Dài, Cam Ranh với sân golf 27 lỗ, chuỗi khách sạn 4-5 sao, trung tâm hội nghị, trung tâm vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, cùng các khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu nhà phố thương mại, khu căn hộ dịch vụ và khu dưỡng lão,
Lê Nữ Thùy Dương tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Australia và đã hoàn tất chương trình MBA tại trường Quản lý Maastricht Hà Lan. Thùy Dương làm phó tổng giám đốc doanh nghiệp gia đình từ năm 2003, sau 12 năm, đến 2015 mới được trao quyền tổng giám đốc điều hành từ 2015.
Cô cũng được Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong số 10 doanh nhân nữ kế cận năm 2017.
Năm 2014, sau 12 năm làm việc tại Tiến Phước, Nguyễn Thị Mỹ Phương được cha là ông Nguyễn Thành Lập trao lại quyền CEO của công ty.
Trên cương vị điều hành công ty với sự cố vấn của cha, cô đã tạo ra những thay đổi cho Tiến Phước, như tập trung vào nhóm bất động sản có giá bán từ trung bình trở lên, hoạt động theo mô hình "holding" với các mảng kinh doanh chính là bất động sản, khách sạn và dịch vụ y tế. Đặc biệt, Mỹ Phương cũng là người quan trọng giúp Tiến Phước chuyển đổi mô hình quản trị công ty gia đình sang công ty cổ phần.
Tiến Phước là một trong những công ty bất động sản tư nhân đầu tiên ở TP HCM thành lập năm 1992. Đặc biệt, đây cũng là doanh nghiệp bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài giao quyền điều hành dự án đình đám Empire City (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2), tòa nhà dự kiến cao hơn cả tòa Landmark 81 của Vingroup.
Nguyễn Thị Mỹ Phương thuộc thế hệ cuối 7X, cũng nằm trong nhóm 10 doanh nhân nữ kế cận do Forbes Việt Nam bình chọn.
Lê Thu Thủy sinh năm 1982, là con gái Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga, doanh nghiệp đứng sau hàng loạt sân golf, dự án bất động sản lớn và mới đây là dự án 4,2 tỉ USD tại Đông Anh (Hà Nội).
Hiện là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sau 5 năm ở vị trí phó tổng, bà Nga là Chủ tịch HĐQT. Thu Thủy được bầu làm Phó chủ tịch thường trực ngân hàng này vào tháng 1/2013, và được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SeABank vào cuối năm đó.
Điều hành SeABank cùng mẹ và anh trai Lê Tuấn Anh (1979), Thu Thủy đã góp phần đưa ngân hàng chuyển đổi thành ngân hàng bán lẻ đa năng, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ.
Con gái bà Nguyễn Thị Nga có bằng cử nhân quản trị kinh doanh và cử nhân tài chính - ngân hàng của Đại học Geogre Mason. Trước khi làm việc tại SeABank, Thu Thủy đã có 2 năm làm việc cho các định chế tài chính nước ngoài. Ở ngân hàng, cô đã tích lũy kinh nghiệm làm việc tại hầu hết bộ phận quan trọng trước khi được bổ nhiệm vào vị trí phó tổng giám đốc.
Lê Thu Thủy cũng được Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong số 10 doanh nhân nữ kế cận.
Đặng Huỳnh Ức My sinh năm 1981, là con gái doanh nhân Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc - hai nhà sáng lập của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).
Hiện doanh nhân 8X này phụ trách mảng kinh doanh mía đường của công ty, mảng quan trọng nhất đóng góp khoảng 60% của tập đoàn kinh doanh đa ngành này. Đặng Huỳnh Ức My thường được gọi với danh hiệu "công chúa mía đường".
"Ái nữ" ông Đặng Văn Thành từng có 2 năm thực tập và làm việc tại ngân hàng ANZ sau 6 năm du học New Zealand.
Quay về doanh nghiệp gia đình, Ức My đề xuất cơ cấu lại công ty gia đình tách bạch giữa hoạt động kinh doanh thương mại, cơ cấu các khoản đầu tư tài chính, đầu tư chiến lược vào các doanh nghiệp ngành mía đường, tạo tiền đề cho bước tái cơ cấu của doanh nghiệp sau này.
Dấu ấn của Đặng Huỳnh Ức My là đưa TTC thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành với hàng loạt thương vụ sáp nhập như Ninh Hòa Sugar vào Biên Hòa Sugar, Biên Hòa Sugar vào Thành Thành Công Tây Ninh sau đó đổi tên thành CTCP Thành Thành Công Biên Hòa; mua lại dự án mía đường Hoàng Anh Gia Lai Attapeu (2017)...
Đặng Huỳnh Ức My cũng được Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong số 10 doanh nhân nữ kế cận.
Trần Uyên Phương thuộc thế hệ đầu 8X, là "ái nữ" ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Hiện cô đang là Phó tổng giám đốc tại công ty nước giải khát này.
Ngoài ra, tham gia điều hành Tân Hiệp Phát hiện nay còn có người em gái Trần Ngọc Bích. Trong khi Uyên Phương chuyên phụ trách lĩnh vực tiếp thị sản phẩm, đối ngoại, quan hệ công chúng và các hoạt động trên nền tảng kĩ thuật số, kiêm giám đốc nhà máy Number One Chu Lai thì Ngọc Bích phụ trách nhân sự và tài chính, kiêm giám đốc nhà máy Number One Hà Nam.
Dấu ấn của Trần Uyên Phương thời gian qua tại Tập đoàn Tân Hiệp Phát ngày càng rõ khi là "cánh tay" đắc lực của ông Trần Quí Thanh. Cô gái này từng cho biết tham vọng lớn nhất hiện nay của Tân Hiệp Phát là duy trì và phát triển công ty thành một doanh nghiệp tồn tại hàng trăm năm, đấu lại những người khổng lồ quốc tế.
7 năm sau khi từ chối lời đề nghị trị giá 2,5 tỉ USD của Coca-Cola, công ty đồ uống gia đình lớn nhất Việt Nam này đang tìm kiếm một đối tác chiến lược có thể đầu tư 3 tỉ USD, để biến hãng trở thành Red Bull tiếp theo.
Vì vậy, trọng trách cũng sẽ được đặt lên vai Trần Uyên Phương và người em gái Trần Ngọc Bích.
Cuối năm ngoái, nữ doanh nhân 8X Vưu Lệ Quyên chính thức được vợ chồng nhà sáng lập Biti's ông Vưu Khải Thành và bà Lai Khiêm, trao lại quyền Tổng giám đốc sau nhiều năm giữ vị trí Phó tổng tại doanh nghiệp gia đình.
Dấu ấn trước khi giữ ghế Tổng giám đốc Bitis' của cô là đưa thương hiệu giày Việt do gia đình gây dựng tạo được tiếng vang lại trên thị trường với các chiến dịch marketing đánh vào giới trẻ. Thực tế, trước đó, Biti's đã rơi vào khủng hoảng do thị phần do rơi vào tay các đối thủ ngoại.
Ngoài ra, sự thay đổi gần đây của Biti's trên thị trường khiến nhiều người biết đến hơn là có những sản phẩm hướng tới trẻ em, sau khi mua nhượng quyền bản quyền sản xuất giày trẻ em mang thương hiệu nổi tiếng Disney.
Vưu Lệ Quyên cũng đang phát triển thương hiệu giày dép, túi xách riêng mang thương hiệu Gosto.
Người em gái của cô là Vưu Lệ Minh cũng đang làm việc cho công ty gia đình, và phụ trách thiết kế cho các sản phẩm mang thương hiệu Biti's.