Khoảng 35%, tức hơn 1/3 nữ doanh nhân gặp phải định kiến về giới khi đứng ra huy động vốn cho doanh nghiệp của mình, thông tin này được tiết lộ trong một báo cáo đặc biệt của HSBC vừa công bố nhân ngày Phụ nữ Việt Nam.
Định kiến này được thể hiện trong quá trình đầu tư, như các nữ doanh nhân thường bị "làm khó" với các câu hỏi về hoàn cảnh gia đình, uy tín của họ với tư cách là lãnh đạo doanh nghiệp hay làm sao phòng tránh thua lỗ.
Hơn 1.200 doanh nhân ở châu Âu, châu Á, Trung Đông và Hoa Kỳ đã tham gia khảo sát về nội dung phụ nữ làm doanh nhân. Kết quả cho thấy có sự khác biệt lớn giữa các thị trường.
Đáng chú ý, các doanh nhân nữ ở Anh và Hoa Kỳ gặp mức độ định kiến về giới tính cao nhất (lần lượt là 54% và 46%), trong khi những nữ doanh nhân ở Trung Hoa đại lục gặp phân biệt giới tính ít nhất, chỉ ở mức 17%.
Nữ CEO 9X Cathy Thảo Trần gọi vốn trên Shark Tank. (Ảnh: Shark Tank).
Nghiên cứu cũng cho biết các doanh nhân nữ trên toàn cầu gọi vốn ít hơn 5% so với doanh nhân nam.
Ngoài ra, 62% doanh nhân nữ phải dự thầu với toàn bộ hay đại bộ phận là các nhà đầu tư nam, trong khi chỉ 10% doanh nhân nữ phải dự thầu với tất cả hoặc đa phần là các nhà đầu tư nữ.
Tổng cộng có 58% nữ doanh nhân lo ngại về những định kiến khi huy động vốn. Mối quan tâm lớn thứ hai là chuẩn bị kế hoạch kinh doanh (58%) và thiếu sự hỗ trợ (41%).
Ngoài việc nêu ra những định kiến gặp phải, các nữ doanh nhân mong muốn kêu gọi sự hỗ trợ, để họ có thể tiếp cận các mạng lưới kinh doanh tốt hơn, tạo điều kiện để tiếp cận sự giới thiệu và kết nối nhằm mở rộng quy mô kinh doanh của họ.
Một số khác cho rằng những định kiến có thể được ngăn chặn với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư, như thường xuyên xem xét các lựa chọn đầu tư của họ (73%) và hình thành các ban hội thẩm nhà đầu tư hỗn hợp (46%).
Các doanh nhân nữ cũng muốn rõ ràng hơn về các tiêu chí đầu tư cụ thể cần có trong các bài trình bày dự thầu, và mong muốn toàn bộ quá trình đầu tư được minh bạch hơn.
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - ông Tim Evans, kết quả từ báo cáo này nhấn mạnh các tổ chức xã hội trên toàn cầu cần và phải làm nhiều hơn nữa, để hỗ trợ các doanh nhân nữ phát triển mạnh mẽ và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Một báo cáo khác của Grant Thornton trong năm nay cũng cho biết phụ nữ đang nắm 29% các vị trí lãnh đạo cấp cao trên toàn cầu. Tại Asean, khoảng 94% doanh nghiệp có ít nhất một phụ nữ làm quản lí cấp cao, và tỉ lệ các vị trí cấp cao do phụ nữ nắm giữ là 28%.
Trong khi đó, ở Việt Nam, phụ nữ nắm giữ 36% các vị trí quản lí cấp cao, cao hơn mức trung bình của khu vực, và chỉ đứng sau Philippines (37,5%).
Các vị trí cấp cao tại doanh nghiệp mà phụ nữ Việt Nam thường giữ là Giám đốc tài chính (36%), Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc điều hành (30%), Giám đốc nhân sự và Giám đốc tiếp thị (25%).
Báo cáo cũng cho biết những rào cản mà các nữ lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam phải đối mặt là thiếu khả năng tiếp cận các cơ hội làm việc phát triển. Trong khi tỉ lệ này ở toàn cầu là 27% thì Việt Nam là 40%.
Ngoài ra, còn có rào cản tiếp cận các cơ hội kết nối (toàn cầu: 26%; Việt Nam: 35%); trách nhiệm chăm sóc khác ngoài công việc (toàn cầu: 25%; Việt Nam: 39%); tìm thời gian bên cạnh trách nhiệm công việc cơ bản (toàn cầu: 32%; Việt Nam: 35%).
Theo các nữ doanh nhân Việt Nam, đây là những thách thức đã cản trở họ đạt được các kĩ năng và thẩm quyền để thành công trong vai trò của mình.