Hơn 2 tuần công chiếu, bom tấn hành động Việt Hai Phượng đã "đạp đổ" nhiều kỷ lục doanh thu trước đó cũng như nhận được nhiều tình cảm yêu mến của khán giả trong và ngoài nước. Song, bên cạnh những điều đáng khen mà chưa bộ phim hành động nào của Việt Nam đạt được, các "thánh soi" cũng phát hiện ra một số lỗ hổng khá hài hước.
Hãy cùng điểm qua 9 chi tiết bất hợp lý xuất hiện trong Hai Phượng!
1. Hai Phượng được xây dựng là con nhà võ với quá khứ giang hồ lừng lẫy. Tuy nhiên, việc cô "tả xung hữu đột", "đánh đấm" liên hồi, truy đuổi tơi bời từ sáng đến tối, dù đã được truyền nước biển và băng bó tại bệnh viện, mà lại không biết mệt, biết đau là gì được xem khá "siêu nhân". Nhiều khán giả cho rằng Hai Phượng đã được xây dựng với hình tượng nữ anh hùng hơi "quá ảo".
Nhân vật của Ngô Thanh Vân đảm nhận được dân mạng ví vui là một "siêu anh hùng" vì không cần nghỉ ngơi, ăn uống mà vẫn đánh đấm suốt hơn 48 tiếng, thậm chí cả khi băng bó vết thương.
2. Xuyên suốt bộ phim, Hai Phương chỉ mặc 1 bộ áo bà ba - trang phục truyền thống của phụ nữ Nam Bộ. Thế nhưng, điều khiến khán giả cảm thấy rất "buồn cười" chính là cách kết hợp bộ bà ba với đôi bốt hầm hố, rất ra dáng "chất chơi" của một tay đòi nợ mượn. Một số khán giả hài hước chia sẻ rằng, có thể đó là đôi bốt mà Hai Phương "cưng" nhất khi còn làm bảo kê quán bar và sau khi về miền Tây ở ẩn, cô đã không quên mang theo bên mình.
Mặc áo bà ba phải mang giày boot như chị Hai Phương mới "chất"
3. Về phần băng nhóm của "bà trùm" Thanh Sói, được mang tiếng là đường dây bắt cóc và buôn nội tạng xuyên quốc gia kéo từ Bắc vào Nam. Thế nhưng băng nhóm ở Sài Gòn chỉ có… loe ngoe hơn một chục tên đàn em. Một số khán giả đùa rằng, "chẳng trách sao một mình Hai Phượng có thể địch nổi chúng mà không có khó khăn gì".
Hai Phượng dễ dàng tìm ra sào huyệt buôn bán trẻ em, mặc dù theo lời cảnh sát thì đây là tổ chức buôn người và nội tạng có quy mô quốc tế
4. Cảnh sát Lương có vẻ là nhân vật "nhạt nhòa" nhất trong Hai Phượng. Được mô tả là người đứng đầu ban chuyên án theo dõi băng nhóm bắt cóc trẻ em 3 năm chưa phá được. Mặc dù cũng có trong tay thông tin của tên giang hồ ở ẩn Trực nhưng anh ta cũng không thể bắt được quả tang tại trận bọn buôn người do bọn tội phạm thường xuyên thay đổi phương pháp chuyển hàng. Trong khi đó, Hai Phượng chỉ mất tầm… 10 phút và 1 trận đánh nhau nảy lửa đã vô tình nghe được số hiệu chuyến tàu chuyển hàng từ bà trùm Thanh Sói và giúp cảnh sát bắt quả tang tại trận.
Vai diễn của Thanh Nhiên bị cho là khá nhạt nhòa, bất ổn, hành tung không rõ ràng
5. Tương tự, Thanh Sói là một nhân vật phản diện gây nhiều tiếc nuối. Xét về ngoại hình cũng như khả năng 'đánh đấm", cô được xem là nhân vật "xứng tầm" để đối đầu với người mẹ anh hùng Hai Phượng. Thế nhưng, "bà trùm" Thanh Sói chỉ có "dữ" mà chưa có "khôn". Bởi, khi Hai Phượng xông vào tận hang ổ để cứu con gái, tại sao cô ta không ra tay giết gấp bằng nhiều cách, lại còn bày đặt đem thả chị Phượng trôi sông, "vô tình" để Hai Phượng nghe được số hiệu con tàu vận chuyển, để rồi sau này bị truy đuổi và đánh đến "thừa sống thiếu chết".
Nhân vật Thanh Sói được yêu thích bởi những đường võ đẹp mắt
6. Một chi tiết cũng "hài hước" không kém chính là phân cảnh Hai Phượng đến đồn cảnh sát báo tin con bị bắt cóc. Tại đây, Hai Phượng đã gặp cảnh sát Cẩn để lấy lời khai. Cẩn được tạo hình là nhân vật đảm nhận vai trò gây cười để bộ phim bớt căng thẳng hơn, thế nhưng các màn gây hài khá "nhợt nhạt" không như mong đợi. Đặc biệt, chi tiết Hai Phượng dễ dàng lừa Cẩn bị đau bụng để nhân vật này đi lấy thuốc, sau đó cô nhanh chóng lẻn vào phòng cảnh sát và tìm thấy mọi manh mối của tổ chức bắt cóc đã khiến khán giả "há hốc mồm". Một số khán giả đành phải "lắc đầu" trước sự "đểnh đoảng" của cảnh sát Cẩn.
7. Hai Phượng bị trói tay, trói chân, thả xuống sống nhưng vẫn thoát chết một cách thật "vi diệu". Đây là phân cảnh khi Hai Phượng một mình xông vào hang ổ của Thanh Sói, bị đánh ngất và ném xuống sông. Lúc Hai Phượng tỉnh dậy và tìm cách thoát lên bờ, đạo diễn không mô tả cách cô thoát chết được bằng cách nào mà chỉ cần 2 giây "tắt màn hình", Hai Phượng đã sống lại và đang nằm dưỡng thương trong bệnh viện do được cảnh sát Lương cứu.
Cảnh bị trói tay chân vứt xuống sông và sau đó tỉnh dậy ở bệnh viện là chi tiết khó hiểu nhất trong phim
8. Một số khán giả con cảm thấy hụt hẫng khi cho rằng cảnh sát đã để tội phạm "qua mắt" khá dễ dàng. Bằng chứng là 20 đứa trẻ, trong đó có bé Mai được đưa lên toa tàu bằng cổng chính nhưng không một ai phát hiện ra. Là nghiệp vụ công an có vấn đề? Hay đạo diễn cố tình dẫn dắt để tung Hai Phượng phần 2 vào năm sau? Hay bọn bắt cóc quá mạnh, quá nhiều tiền nên mua chuộc hết cán bộ đường sắt?
20 đứa trẻ được đưa lên toa tàu bằng cổng chính nhưng không một ai phát hiện ra
9. Hai Phượng lấy bối cảnh vùng quê sông nước miền Tây là ở Cầu Kè, Vĩnh Long". Tuy nhiên, theo một số khán giả miền Tây cho biết, thật ra Cầu Kè là ở Trà Vinh chứ không phải Vĩnh Long. Nhiều bạn còn phát hiện ra đây cũng chính là quê của Hai Phượng ngoài "đời thật". Có lẽ vì phải xa quê đi Na Uy du học từ nhỏ nên Ngô Thanh Vân đã không được cập nhật tin tức của quê hương mình. Thật ra, Cầu Kè thuộc tỉnh Cửu Long. Sau này, Cửu Long được tách ra thành tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh và Cầu Kè được phân về Trà Vinh.
Dù vẫn còn một số chi tiết được xem là "ảo" song nhìn chung lại, Hai Phượng vẫn được đánh giá là bom tấn xuất sắc của điện ảnh Việt ở thời điểm hiện tại. Có thể nói, Hai Phượng là một kết thúc đẹp cho hình tượng "đả nữ" màn ảnh của Ngô Thanh Vân và giữ được lời hứa của cô trên con đường đưa phim hành động Việt ra thế giới.