1 năm làm công nhân để nhận ra bằng mọi giá phải đi học
Mới đây, facebook D.H đã đăng trên facebook của mình những dòng tâm sự đầy cảm xúc về quãng thời gian 1 năm làm công nhân sau khi trượt đại học.
N.H.D (tên thật của facebook trên) chia sẻ: “Mình hi vọng bài viết này tới được với những bạn trẻ, đặc biệt các bạn đang có ý định bỏ học để đi làm công nhân thì hãy tiếp tục đi học. Dù giữa sự học và việc làm khác hoàn toàn nhau nhưng cuối cùng những thứ bạn học được vẫn hoàn toàn xứng đáng”.
![]() |
Câu chuyện được D chia sẻ trên facebook cá nhân. |
Nội dung chia sẻ của cô gái 9X này như sau:
“Năm 18 tuổi - Mình đã từng làm công nhân
Sau khi học xong cấp 3 mình đã nghỉ 1 năm đi làm công nhân. Lúc đó mình không đủ điểm vào đại học, gia đình có chút chuyện nên mình nghỉ 1 năm đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Đến bây giờ mình vẫn không thể nào quên được khoảng thời gian đó.
Đi ăn cơm trưa phải chạy thật nhanh để không phải xếp hàng lâu và ăn cũng phải thật nhanh. Như vậy sẽ nghỉ trưa thêm được 5-10 phút. Thời gian mong chờ nhất trong ngày là 15 phút nghỉ giữa ngày và giờ nghỉ trưa.
Khi ấy mình may mắn được vào chỗ làm việc chân tay nhẹ nhàng nhưng phải đứng cả ngày, 2 chân xuống máu sưng vù. Mệt đến nỗi chỉ mong làm rơi 1 con hàng để được ngồi xuống nhặt trong 2-3s.
Giờ ngủ trưa nào mình cũng ước đồng hồ công ty chạy sai 5 phút để có thể ngủ thêm.
Rồi những ngày mùa đông đi làm ca đêm, những buổi sáng về sớm lạnh buốt, sương mù dày đặc chỉ có 1 mình mình đi trên đường, lúc ấy thực sự mình rất tủi thân... Trong khi bạn bè được đi học còn mình thì không.
Nhưng điều mình thực sự sợ nhất khi đi làm công nhân đó chính là trở thành 1 cái máy. Ngày nào cũng làm đúng 1 công việc, 10 ngày giống y như một ngày. Nếu mình mãi là công nhân thì đến già mình vẫn chỉ sống 1 ngày.
Chính thời gian ấy đã giúp mình trưởng thành không ít.
![]() |
Những giây phút chợp mắt ngắn ngủi trong giờ nghỉ trưa của công nhân được D chụp lại. Ảnh: NVCC |
Mình từng hỏi 1 đứa (bạn thân của mình hồi làm công nhân) rằng: - Sao mày không đi học nữa? - Học xong cũng về chỉ làm văn phòng,có khác gì công nhân đâu, vừa mất tiền lại vừa mất thời gian. Mày thấy chị H sau khi học xong cũng lại đi làm công nhân giống mình, phí tiền...
Cho đến bây giờ, bạn mình đã lấy chồng và có 2 đứa con, mình vẫn tiếp tục cái sứ mệnh học hành. Mình vừa học vừa đi làm, nếu xét về lương cơ bản thì có khi lương của mình chỉ ngang lương của bạn. Nhưng mình được tự do, được phát triển, được học và làm những gì mình muốn.
Mình có thể nghỉ vài hôm mà không sợ mất chuyên cần, đi ăn có thể nhàn nhã cà phê mà vẫn đủ thời gian nghỉ ngơi. Nếu chán, mình có thể bỏ việc làm freelancer ở nhà mà không lo chết đói…
Khi gặp những bạn trẻ muốn bỏ học để đi làm công nhân, mình luôn thực lòng khuyên hết lời để các bạn đi học. Có thể học xong bạn sẽ làm những ngành nghề khác hoàn toàn, có thể bạn mất 1 số tiền lớn đi học. Nhưng những thứ bạn học được hoàn toàn xứng đáng.
Chúng ta còn cả đời để kiếm tiền, vậy tiêu 1 chút tiền cho tuổi trẻ thì có đáng gì”.
D cho biết, trong quãng thời gian 1 năm làm công nhân, bạn đã làm việc ở 3 công ty khác nhau trong khu công nghiệp tại Quế Võ (Bắc Ninh).
Công ty đầu tiên, cô gái làm 1 tháng trong khoảng thời gian đợi kết quả thi đại học. Sau khi trượt đại học, bạn tiếp tục đi làm công nhân ở công ty khác trong thời gian 3-4 tháng để đợi kết quả xét cao đẳng. Khi đã có kết quả trúng tuyển cao đẳng, đã nộp học phí rồi nhưng không thể đi học vì gia đình gặp chuyện.
“Ở cả 3 công ty này mình làm những công việc khác nhau, đầu tiên là nhổ bavia tra keo, thứ hai là ngồi dán nút bấm màn hình điện thoại, công ty thứ 3 là đứng nhặt hàng (khung điện thoại). Tất cả đều làm theo dây truyền nên phải luôn tay luôn chân không được nghỉ cho đến thời gian nghỉ giải lao giữa buổi”, D nhớ lại.
Theo chia sẻ của cô gái này, bình thường mỗi người sẽ làm 8 tiếng/ngày, giữa buổi được nghỉ giải lao 15 phút. Nhưng đa phần đi làm công nhân ai cũng ham kiếm tiền nên tăng ca thành 12 tiếng, một số lần làm 14-16 tiếng.
“Khi làm công nhân đồng nghĩa với việc sẽ bị chửi, lăng mạ và khinh thường. Những người bị chửi có khi là các cô công nhân đáng tuổi mẹ mình. Vì công ty nấu ăn cho hàng nghìn người nên đồ ăn không chất lượng, có thể nói là khá tệ, vì vậy 1 năm này mình cũng bị bệnh về tiêu hóa.
Mình cũng nhận ra rằng dù thay đổi công việc ở 3 công ty khác nhau nhưng vẫn đều là công việc đòi hỏi phải nhanh chân nhanh tay như một cái máy”, 9X tâm sự.
Nhiều ý kiến trái chiều
Ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, câu chuyện của D đã nhận được nhiều sự chia sẻ của cư dân mạng với nhiều ý kiến đồng tình, cảm thông nhưng cũng không ít những bình luận trái chiều.
![]() |
D khi làm công nhân tại nhà máy ở thời điểm 5 năm về trước. Ảnh: NVCC |
Từ chính những trải nghiệm thực tế của bản thân, bạn Hoàng Hiếu (Hải Phòng) chia sẻ.
"Học cấp 3 xong mình đi học 1 thời gian thì lớp giải tán. Mình có đi làm công nhân, từ 8h sáng đến 6h30 khi hàng gấp toàn 7h45 hoặc 9h mới được về.
Công việc của mình là đứng ở máy ép hàng, nhiệt máy toàn hơn 100 độ, ngày cắm và rút kim đến độ móng tay bị biến dạng. Sáng đi tối mịt mới về nhà, nhưng ở đó mình được nhiều người quan tâm, nói chuyện.
Một năm dòng giúp mình trưởng thành và bớt trẻ con rất nhiều bớt nhút hơn biết lắng nghe hơn. Đầu năm nay mình mới nghỉ để đi học tiếp, dù rất nhớ mọi người nhưng vì tương lai vợ con không phải khổ thì mình phải cố gắng. Mong một ngày nào đó mình gặp lại họ và nói câu cám ơn đã giúp đỡ mình rất nhiều”, Hiếu tâm sự.
Cùng chung quan điểm đó, bạn Nguyễn Huyên (Thái Bình) cho rằng việc học hành không chỉ đánh giá bằng số tiền sau này kiếm được mà còn mang lại nhiều giá trị khác.
“Khi bạn có kiến thức, có hiểu biết thì bạn làm bất cứ việc cũng dễ dàng hơn, ví dụ như dạy con học, chăm sóc bản thân và gia đình, quản lý chi tiêu, đầu tư hợp lý. Hơn nữa việc đi học sẽ mở ra rất nhiều mối quan hệ mà nếu làm công nhân sẽ không bao giờ có được. Được tiếp xúc và học hỏi từ nhưng con người có cái đầu hơn mình thực sự rất quý giá”, Huyên phân tích.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến phản đối quan niệm của cô gái trẻ này, cho rằng nếu không có năng lực hay xác định bản thân tốt nghiệp sẽ không có khả năng tìm được việc làm thì nên đi làm công nhân chứ không nên đi học để không mất nhiều thời gian của bản thân và gia đình.
Trước những ý kiến này, D. chia sẻ: “Thực ra những người làm công nhân đều có những lý do riêng. Nhưng đa phần đều do tự ti với kiến thức học được ở nhà trường. Bản thân mình cũng từng như vậy, sợ không đủ khả năng để làm việc.
Cũng có những người thì vì không thích đi học mà đi làm công nhân. Nhiều người thì nói đi học là vắt kiệt mồ hôi, xương máu của bố mẹ nên các bạn không cam tâm”.
Chia sẻ về công việc hiện tại và dự định trong thời gian tới, D cho biết hiện tại bạn đang làm về quảng cáo, truyền thông, được ra ngoài nhiều hơn. “So với công việc là công nhân trước đây thì bây giờ mình được tự do và con người phát triển lên rất nhiều”, 9X tâm sự.
![]() |
Những tuyến xe bus đi qua các trường đại học ở Hà Nội
Để di chuyển trong các thành phố lớn, đông dân cư phần lớn các tân sinh viên sẽ lựa chọn xe bus. Vì đây là ... |
![]() |
Hà Nội: Khu vực nào có phòng trọ cho sinh viên thuê giá từ 1,5-2 triệu đồng?
Dù dư dả hay eo hẹp về tài chính thì phần lớn các sinh viên đều mong muốn tìm được phòng trọ giá rẻ, phù ... |
![]() |
Tân sinh viên có nên tìm phòng trọ giá rẻ qua Facebook, Google?
Nhiều tân sinh viên sẽ tìm phòng trọ trên mạng xã hội như Facebook, Google… bởi sự tiện ích, nhanh chóng và có nhiều lựa ... |