ADB ra mắt Quĩ Tiếp cận vắc xin Châu Á và Thái Bình Dương trị giá 9 tỉ USD

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ra mắt sáng kiến về vắc xin trị giá 9 tỉ USD mang tên Quĩ Tiếp cận vắc xin châu Á và Thái Bình Dương (APVAX) nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và công bằng cho các quốc gia thành viên đang phát triển khi họ mua và phân phối vắc xin ngừa COVID-19.

Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa, chia sẻ: "Khi các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB chuẩn bị tiêm chủng cho người dân càng sớm càng tốt, họ cần nguồn tài trợ để mua vắc xin cũng như những kế hoạch và tri thức phù hợp để có khả năng quản quá trình tiêm chủng một cách an toàn, công bằng và hiệu quả. 

APVAX sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp các quốc gia thành viên đang phát triển của chúng tôi đáp ứng những thách thức này, vượt qua đại dịch và tập trung vào phục hồi kinh tế".

Đã có hơn 14,3 triệu trường hợp dương tính với COVID-19 được xác định ở châu Á và Thái Bình Dương, khiến hơn 200.000 người thiệt mạng. Khi đại dịch kéo dài, tăng trưởng kinh tế ở châu Á đang phát triển được dự báo giảm 0,4% trong năm 2020 và là lần đầu tiên khu vực này ghi nhận GDP giảm kể từ đầu thập niên 1960.

APVAX cung cấp một khuôn khổ toàn diện và nguồn lực để hỗ trợ châu Á đang phát triển tiếp cận vắc xin, sử dụng hai phần bổ sung chính. 

Phần Ứng phó nhanh sẽ cung cấp hỗ trợ kịp thời cho hoạt động kiểm định vắc xin, mua vắc xin và vận chuyển vắc xin từ nơi mua tới các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB. 

Phần Dự án đầu tư sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư vào những hệ thống nhằm phân phối, cung cấp và quản hiệu quả vắc xin, cùng với các hoạt động đầu tư liên quan trong việc xây dựng năng lực, tiếp cận cộng đồng và giám sát.

Tài trợ của ADB cho vắc xin sẽ được cung cấp với sự điều phối chặt chẽ cùng các đối tác phát triển khác, bao gồm Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ chế Tiếp cận toàn cầu vắc xin (COVAX), GAVI và các đối tác thương mại song phương và đa phương khác.

ADB cũng đang chuẩn bị ra mắt Quĩ Nhập khẩu vắc xin trị giá 500 triệu USD để hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia thành viên đang phát triển trong việc bảo đảm vắc xin an toàn và hiệu quả, cũng như mặt hàng hỗ trợ việc phân phối và chủng ngừa. 

Quĩ này là một phần của Chương trình Tài trợ chuỗi cung ứng và thương mại của ADB. Các khoản bảo lãnh AAA có sẵn thông qua Quĩ nhập khẩu vắc xin của chương trình sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thanh toán và tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu các mặt hàng này. 

Quĩ này cũng áp dụng các tiêu chuẩn về tính hợp lệ đối với vắc xin giống như COVAX. Việc đồng tài trợ với các đối tác thuộc khu vực tư nhân có thể dẫn tới việc Quĩ nhập khẩu hỗ trợ 1 tỉ USD cho các hoạt động nhập khẩu vắc xin và các mặt hàng liên quan trong một năm.

Vào tháng 4/2020, ADB đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 20 tỉ USD để hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển khắc phục những tác động của đại dịch và tinh giản một số quy trình thủ tục nhằm cung cấp hỗ trợ nhanh hơn và linh hoạt hơn. 

ADB đã cam kết 14,9 tỉ USD dưới hình thức các khoản vay, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm 9,9 tỉ USD hỗ trợ ngân sách giải ngân nhanh từ chương trình Giải pháp ứng phó đại dịch COVID (CPRO) và hỗ trợ cho khu vực tư nhân.

Trong tháng 11/2020, ADB đã công bố hỗ trợ kỹ thuật bổ sung trị giá 20,3 triệu USD để thiết lập các hệ thống nhằm cho phép phân phối vắc xin công bằng và hiệu quả trên khắp châu Á và Thái Bình Dương.

Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực. Ngân hàng này cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.