CTCP COMA 18 (Mã: CIG) vừa được Phó Thủ tướng ký quyết định chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Kim Thành tại tỉnh Hải Dương. Dự án có quy mô diện tích gần 165 ha, trong đó giai đoạn 1 triển khai diện tích 65 ha và giai đoạn 2 là 100 ha.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.160 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 174,11 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư (15/3/2021).
Thực tế dự án này đã được UBND tỉnh Hải Dương giao cho COMA 18 làm chủ đầu tư từ năm 2010. Thời điểm đó, COMA 18 vẫn là công ty con của Tổng công ty Cơ khi xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. Đồng thời, hoạt động kinh doanh của COMA 18 khi đó vẫn đang ghi nhận lãi.
Vào tháng 7/2011, CTCP COMA 18 đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã giao dịch CIG. Cũng từ thời điểm này, kết quả kinh doanh của công ty ghi nhận những tín hiệu tiêu cực. COMA 18 bắt đầu có lỗ lũy kế từ năm 2012 và tiếp tục trượt dài những năm sau đó.
Nguồn: BCTC COMA 18
Sau nhiều năm chậm trễ, đầu năm 2016, COMA 18 xin tiếp tục triển khai dự án Kim Thành và được UBND tỉnh đồng ý. Nhưng giữa năm 2016, công ty lại có sự biến động trong cơ cấu cổ đông.
Cụ thể, ngày 19/4/2016, Tổng công ty Cơ khí xây dựng - đại diện vốn nhà nước đã bán thỏa thuận toàn bộ 51% vốn sở hữu tại COMA 18, tương đương 6,9 triệu cổ phiếu CIG. Thương vụ giao dịch diễn ra nhưng hoàn toàn không có thông tin về các bên nhận chuyển nhượng số cổ phần này.
Mãi đến cuối năm 2016, xuất hiện CTCP Đầu tư FIDEL công bố đã gom 18,1 triệu cổ phiếu CIG, trở thành công ty mẹ của COMA 18 với tỷ lệ nắm giữ lên tới 57,39% vốn điều lệ.
Sau những biến động về sở hữu, COMA 18 liên tục cố gắng tìm kiếm đối tác đầu tư đáp ứng năng lực tài chính để triển khai các dự án lớn nhưng không thành. Dự án KCN Kim Thành hơn nghìn tỷ tiếp tục "đắp chiếu" cho đến đầu tháng 3/2021 vừa qua.
Trở lại tình hình kinh doanh của COMA 18, trước thời điểm được chấp thuận đầu tư hạ tầng KCN Kim Thành, công ty ghi nhận năm 2020 lỗ cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Cụ thể, mặc dù doanh thu cả năm của công ty gần 40 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần con số năm 2019 (2,6 tỷ đồng). Dù vậy, doanh nghiệp vẫn báo lỗ ròng hơn 164 tỷ đồng trong năm 2020, một kịch bản hoàn toàn trái ngược so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề.
Khoản lỗ khủng trong năm vừa qua đã đẩy lỗ lũy kế của COMA 18 chạm mốc 300 tỷ đồng tại ngày 31/12/2020, "ăn mòn" gần hết vốn góp của chủ sở hữu (315 tỷ đồng). Công ty cho biết khoản lỗ này sẽ được bù trừ thuế thu nhập trong tương lai khi công ty có lãi.
Về tình trạng tài chính, tính đến thời điểm 31/12/2020, COMA 18 đang vay nợ gần 177 tỷ đồng, chiếm 25,5% trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp và đã vượt vốn chủ sở hữu hơn 10,6%.
Tổng tài sản của COMA 18 cuối năm 2020 là 692 tỷ đồng, giảm 23% so với giá trị đầu năm. Nợ phải trả 531 tỷ đồng, chiếm 77% tổng nguồn vốn; riêng nợ vay 177 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền mặt của doanh nghiệp duy trì ở mức ít ỏi 2,4 tỷ đồng.
Với khả năng thanh khoản thấp, COMA 18 đã từng phải gán đất (số 38 Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông) để đối trừ công nợ phải trả 87,5 tỷ đồng cho Tổng công ty 36 hồi tháng 7/2018.
Đến tháng 11/2020, COMA 18 tiếp tục phải chuyển nhượng 3,4 triệu cổ phần tại CTCP Đầu tư KCN Kinh Đô nhằm đối trừ công nợ số tiền 33,8 tỷ đồng với CTCP Tập đoàn VIDEC.
Đáng chú ý, tồn kho tại dự án Tòa nhà cao cấp Westa đã giảm 79% so với số đầu năm, chỉ còn 80 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Tồn kho tại dự án Westa cũng là một trong những yếu tố kéo COMA 18 sa lầy những năm gần đây. Dù công ty không thuyết minh chi tiết, nhưng nhiều khả năng công ty đã bán rẻ dư án này dẫn đến thua lỗ trong năm vừa qua.
Nguyên nhân xuất phát từ việc dự án mở bán rơi vào giai đoạn thị trường tài chính và bất động sản khủng hoảng. Công ty đã phải thay đổi chủ trương xây dựng từ chung cư cao cấp thành chia nhỏ căn hộ để đáp ứng nhu cầu thị trường dẫn đến chi phí đầu tư tăng.
Ngoài dự án Westa, Coma 18 còn đang ghi nhận khoản góp vốn dài hạn trị giá 271 tỷ đồng vào hai doanh nghiệp là Công ty Đầu tư KCN Kinh Đô và Công ty thuỷ điện Hùng Lợi Yên Sơn.
Về phía công ty mẹ của COMA 18 là FIDEL, doanh nghiệp này thành lập từ tháng 8/2016 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Thời điểm doanh nghiệp này nắm quyền chi phối COMA 18, FIDEL mới thành lập chưa đến nửa năm. FIDEL hầu như không kinh doanh gì khác ngoài việc thành lập để mua cổ phiếu COMA 18.
Không chỉ được giao cho KCN Kim Thành tại Hải Dương, COMA 18 còn từng được Bộ Xây dựng giới thiệu là đơn vị lập quy hoạch và thực hiện dự án đầu tư khu công nghiệp Nhuận Trạch tại tỉnh Hòa Bình với quy mô 200 ha và vốn đầu tư 600 tỷ đồng từ năm 2009.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2014, tỉnh Hòa Bình vẫn chưa lựa chọn được chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cho dự án này. Gần nhất vào cuối năm 2020, KCN Nhuận Trạch vẫn trong nhóm dự án xúc tiến xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư.
Dù vậy, trên thị trường chứng khoán đã chứng kiến lực mua đẩy cổ phiếu CIG đã bật tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2021. Lượng giao dịch cổ phiếu CIG cũng tăng mạnh so với trước đây.