Áp thấp nhiệt đới sẽ khiến nước biển dâng cao tràn các tuyến đê ở Nam bộ

Dự báo, sáng sớm mai (2.11), áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền, kết hợp với triều cường sẽ khiến nước dâng cao 4 - 4,5 m, tràn qua nhiều tuyến đê biển ở các tỉnh Nam bộ.
ap thap nhiet doi se khien nuoc bien dang cao tran cac tuyen de o nam bo
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai họp bàn và triển khai các biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới. ẢNH: PHAN HẬU

Sáng nay (1.11), Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã họp bàn và triển khai các biện pháp đối phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ.

Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, lúc 7 giờ sáng nay, tâm áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 130 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - cấp 7 (tức là từ 40 - 60 km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km. Đến 7 giờ ngày mai (2.11), tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển phía nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - cấp 7 (tức là từ 40 - 60 km/giờ), giật cấp 9.

Ông Cường cảnh báo, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển tây nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý và Côn Đảo) có mưa rào và giông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng.

Gió mạnh cấp 6 - cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2 - 4 m, biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Nam bộ cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 4 - 4,5 m.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận định nếu đúng như dự báo thì toàn bộ tuyến đê biển ở các tỉnh Nam bộ nguy cơ bị nước tràn qua.

Đây là tình huống nguy hiểm, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai phải chỉ đạo, yêu cầu các địa phương lên phương án sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước cuối giờ chiều nay, 1.11.

Theo thông tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, đến sáng nay, các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bến Tre đã ra lệnh cấm biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các phương tiện ở Côn Đảo không được xuất bến ra biển đánh bắt hải sản, để đảm bảo an toàn trước khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ.

Theo thông tin từ Bộ đội biên phòng, các vùng biển Nam bộ đang có nhiều tàu thuyền chưa thể liên lạc được, trong đó Bạc Liêu có 31 phương tiện, Cà Mau có 112 phương tiện, với 987 lao động.

Đây là những phương tiện công suất khai thác nhỏ, đánh bắt ở vùng biển gần bờ. Bộ đội biên phòng đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương, gia đình có phương tiện để liên lạc, thông báo và yêu cầu ngư dân vào bờ tránh trú.

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Thắng, Phó chủ tịch thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu các cơ quan chức năng phải chỉ đạo sát sao để khắc phục bệnh chủ quan trong ứng với áp thấp nhiệt đới.

Các khu vực chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới này không thường xuyên xảy ra thiên tai, người dân chưa có kỹ năng phòng chống, đặc biệt là mưa lớn lên tới 200 mm dự báo cũng phát sinh nhiều tình huống nguy hiểm, khó lường.

Ông Thắng nhấn mạnh, trong ứng phó với áp thấp nhiệt đới, vấn đề di dân, kiểm đếm tàu thuyền, di chuyển lồng bè thủy sản vào vùng an toàn phải được thực hiện triệt để.

Đặc biệt, phải cảnh báo các địa phương, người dân ở khu vực ven sông, ven biển về dự báo nước có thể tràn qua đê, toàn bộ vùng Bạc Liêu và các tỉnh Nam bộ có nuôi trồng thủy sản ven đê, ven biển nhiều nên cần cảnh báo sớm và có phương án chủ động để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.