Đối với Việt Nam, việc thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nói chung cũng như TP Hồ Chí Minh nói riêng.
Đó là thông tin tại tọa đàm “Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - Triển vọng và thách thức trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh” do Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế thành phố và Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng phối hợp tổ chức ngày 29/3.
Cơ hội xen lẫn thách thức
Kể từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu. Quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, đã được hơn 140 quốc gia; trong đó có Việt Nam đồng thuận.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, theo quy tắc này, các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu Euro trong ít nhất hai năm ở giai đoạn 4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận.
Trong những năm qua, Việt Nam dùng công cụ ưu đãi thuế là chủ đạo. Đó là chính sách “miễn 4 giảm 9” (tức miễn 4 năm, giảm 9 năm), ưu đãi 23 lĩnh vực; trong đó có 7 lĩnh vực ưu đãi đặc biệt; ưu đãi trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao…
Theo ước tính, thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế đối với doanh nghiệp FDI hiện nay ở Việt Nam là 12,3%, thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu là 15%. Thậm chí, có một số tập đoàn lớn chỉ ở mức từ 2,75 - 5,95%. Đáng chú ý, số thuế Việt Nam thu chưa đủ mức 15% thì các nước mà tập đoàn, công ty đa quốc gia đóng trụ sở sẽ được quyền thu.
Vì vậy, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội có phần nhiều hơn để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư FDI mới chất lượng cao, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo VIAC, nếu thực hiện chính sách này, Việt Nam có hơn 1.000 doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng. Ông Trần Du lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, việc áp dụng cơ chế này sẽ gây nên nhiều tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đang thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư thông qua biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; trong đó ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp quan trọng và tác động nhiều đến nhà đầu tư.
Với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đang áp dụng sẽ kém hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn. Các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang áp dụng sẽ không còn giá trị.
“Việt Nam cần sớm có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, cùng với đó là ban hành những chính sách mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Để thích ứng với cơ chế mới này, các kiến nghị, giải pháp cần phải được thực hiện đồng bộ. Theo đó, việc ưu tiên trước nhất là phải thúc đẩy nội luật hoá khung pháp luật tại Việt Nam. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hoặc điều chỉnh hoạt động đầu tư cần được xem xét để hiệu chỉnh cho đồng bộ với nguyên tắc thuế mới”, ông Trần Du Lịch đề xuất.
Chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn ưu đãi
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, thời gian qua TP Hồ Chí Minh được đánh giá là địa điểm hấp dẫn trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam. Vì vậy, việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đến việc thu hút đầu tư và môi trường đầu tư tại TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, TP Hồ Chí Minh hiện dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Tính đến cuối năm 2022, tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 11.273 dự án với vốn đăng ký là 55,84 tỷ USD. Riêng năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã thu hút được 3,94 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 5,41% so với cùng kỳ năm 2021. FDI đóng góp hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách đạt hơn 78.000 tỷ đồng, chiếm hơn 17% tổng thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng, vị chuyên gia này đề xuất TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung cần thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao. Theo đó, cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong chiến lược thu hút FDI, thay vào đó là tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng. Song song đó, cần tập trung đầu tư vốn nhân lực, nâng chất cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh…
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cũng cho rằng, chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn cả những ưu đãi. Không thể lấy ngân sách ra để ưu đãi mãi cho nhà đầu tư nước ngoài, thay vào đó nên tăng chất lượng hấp dẫn bằng hạ tầng, sự minh bạch trong quyết định.
Nếu Việt Nam không có những hành động kịp thời và phù hợp thì có thể không giữ được quyền đánh thuế tại nước chủ nhà khi các quốc gia đi đầu tư sẽ thực hiện thu thuế bổ sung. Ngoài ra, Việt Nam cũng không thu được phần thuế bổ sung từ đầu tư ra nước ngoài của các Tập đoàn có trụ sở đặt tại Việt Nam.
“Hiện một số nơi như Singapore, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan đã lên kế hoạch, tuyên bố sẽ áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt yêu cầu nhằm giành quyền đánh thuế bổ sung, không để chảy sang các quốc gia khác, đây là điểm Việt Nam cần học hỏi”, ông Hoàng chia sẻ.
Đại diện Deloitte Việt Nam đưa ra một số lưu ý cho doanh nghiệp trong phạm vi điều chỉnh với 3 hành động: đánh giá tác động, theo sát và nắm vững quy định, và chủ động chuẩn bị. Đồng thời, khuyến nghị lộ trình chuẩn bị cho doanh nghiệp nằm trong phạm vi điều chỉnh với các mốc thời gian cụ thể. Trước mắt, trong năm 2023, cần thành lập một tổ công tác chuyên môn về thuế tối thiểu toàn cầu. Từ đó đánh giá tác động, chuẩn bị nguồn lực, lập mô hình về các trường hợp có thể xảy ra, hệ quả và xác định các phương án có thể triển khai trong tương lai…