Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phát đi thông báo cho phép hai hãng ôtô hàng đầu là Ford và Audi, triệu hồi hàng loạt xe vì một số lỗi kỹ thuật có thể gây ra tai nạn trong lúc vận hành.
Ford là hãng có số lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất, lên đến hơn 17.000 chiếc. Trong đó, có 10.814 chiếc thuộc dòng ôtô tải Ford Ranger được sản xuất từ năm 2011-2015 và 6.318 chiếc thuộc mẫu Ford Fieste đời 2010-2013.
Ford là hãng có số lượng xe bị triệu hồi nhiều nhất, lên đến hơn 17.000 chiếc. |
Theo Cục Đăng kiểm, số xe trên được Ford Việt Nam nhập khẩu, phân phối và sản xuất lắp ráp bị lỗi chốt khóa cửa không khớp hoàn toàn, có thể chỉ khóa được 1 nấc.
“Hiện tượng này làm gia tăng khả năng cửa xe mở ra trong quá trình vận hành do cửa không được đóng kín hoàn toàn và có nguy cơ gây tại nạn cho người ngồi trong xe”, Cục Đăng kiểm cảnh báo.
Nguyên nhân được cơ quan này xác định là do lò xo khóa ngậm cửa xe có thể bị gãy do tác động của áp suất, nhiệt độ.
Trước sự cố lỗi kỹ thuật này, Ford cũng yêu cầu người dùng mang xe nhanh chóng mang xe đến các đại lý của hãng này để kiểm tra, thay thế cụm ngàm theo đúng tiêu chuẩn, bảo đảm sự an toàn cho tài xế và người ngồi trong xe.
Không riêng Ford, hãng Audi cũng ra thông báo triệu hồi 103 chiếc Audi A6 sản xuất từ năm 2009-2011 để thay thế cụm túi khí Takata phía trước ghế phụ. Túi khí này do hãng Takata (Nhật Bản) cung cấp. Vì lỗi này, thời gian qua, Audi đã tiến hành triệu hồi hàng chục triệu xe trên khắp thế giới.
hãng Audi cũng ra thông báo triệu hồi 103 chiếc Audi A6 sản xuất từ năm 2009-2011. |
Đại diện Audi cho biết túi khí của Takata có thể phát sinh hiện tượng quá áp trong cụm bơm khí khiến nó có thể bị vỡ hoặc nứt khi túi khí phía trước ghế phụ được kích hoạt.
Lỗi kỹ thuật này có thể làm cho những mảnh kim loại nhỏ của vỏ cụm bơm khí bị văng ra, xuyên qua vỏ túi khí và có khả năng gây thương tích cho người trên xe.
Theo Audi Việt Nam, lỗi này chưa ghi nhận một trường hợp xảy ra sự cố nào tại Việt Nam. Hãng này cho biết việc kiểm tra, thay thế sẽ hoàn toàn miễn phí và được thực hiện trong khoảng 1 giờ đồng hồ cho mỗi xe.
Riêng xe không được ohaan phối chính hãng thuộc diện công bố của Audi AG, trách nhiệm triệu hồi về cơ bản thuộc về các cơ sở nhập khẩu.
Trong khi đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã phê duyệt 3 đợt triệu hồi gần 1.000 xe Mitsubishi dòng Outlander và Outlander PHEV tại thị trường Việt Nam.
Dòng xe Outlander PHEV được Mitsubishi nhập khẩu, phân phối từ tháng 9/2017 tại Việt Nam. Còn các phiên bản Outlander được hãng xe Nhật lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương.
Mẫu xe Outlander trong diện triệu hồi lần này được sản xuất trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 17/7/2018 và một số phiên bản Outlander và Outlander PHEV sản xuất trong năm 2017.
Hai đợt triệu hồi đầu, Mitsubishi phát hiện xe Outlander và Outlander PHEV bị lỗi ở hệ thống cân bằng điện tử (ASC), dẫn đến hệ thống phân phối lực phanh (H/U) bị gián đoạn, khiến một loạt các tính năng an toàn chủ động bị hủy bỏ. Khi mô tơ bơm của bộ phân phối lực phanh (H/U) hoạt động, do phần mềm điều khiển không phù hợp làm cho các tín hiệu điện trả về ASC-ECU bị nhiễu, khiến cho IC trong ASC-ECU hoạt động không chính xác.
Kết quả là bộ ASC-ECU bị khởi động lại, làm gián đoạn các hệ thống khác như: phanh tự động khẩn cấp (FCM), hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAS), hệ thống kiểm soát lực kéo (S-AWC), hệ thống đèn pha tự động (AHB).
Đợt triệu hồi thứ 3 liên quan đến 3 xe Outlander PHEV bị lỗi hệ thống phanh tự động khẩn cấp (FCM - Forward Collision Mitigation). Khi xe hoạt động, các cảm biến của hệ thống phanh tự động khẩn cấp (FCM-ECU) sẽ nhận biết người đi bộ hoặc vật cản nằm trong vùng có thể gây nguy hiểm, khi đó hệ thống sẽ tự động cung cấp lực phanh để giảm tốc độ của xe.