![]() |
Lễ cưới 'tình trong biển tình' của cặp đồng tính nam đẹp như diễn viên |
Hơn 2 năm trước, trong những hội thảo dành cho cộng đồng LGBT từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, người ta vẫn còn nhớ như in hình ảnh của người phụ nữ tóc vấn, đội chiếc khăn mỏ quạ, mặc cái áo bà ba kể say sưa, hồn nhiên câu chuyện về hành trình công nhận con trai mình là đồng tính. Người phụ nữ ấy tên là Lê Thị Thi, năm nay 75 tuổi, có con trai là đồng tính.
![]() |
Bà Lê Thị Thi. (Ảnh: Mai Linh) |
Liệu có bao nhiêu ông bố bà mẹ đang cảm thấy xấu hổ khi nhắc đến những đứa con LGBT của mình như một đứa con “hư hỏng”, là một “tội đồ” của xã hội? Có bao nhiêu người cha, người mẹ phải che giấu con mình là đồng tính, chuyển giới với người ngoài bởi nỗi ám ảnh sợ bị hàng xóm, xã hội cười chê? Và có bao nhiêu phụ huynh đủ sự dũng cảm để công nhận con là đồng tính, sẵn sàng tham gia những hội thảo dành cho cộng đồng LGBT cũng như tự tin chia sẻ với người hàng xóm về đứa con của mình.
Ở độ tuổi ngoài 70, bà Thi đã làm được những việc mà không ai có thể ngờ tới. Đâu ai có thể tin rằng, một người phụ nữ cả cuộc đời “đầu tắt mặt tối” bên ruộng nương, sống quanh quẩn trong làng quê nghèo ở Sóc Sơn, Hà Nội lại chấp nhận con là đồng tính dễ dàng như vậy.
Và thật là khó tưởng tượng khi ở độ tuổi thất thập cổ lai hi, bà Thi vẫn kiên nhẫn tìm hiểu những kiến thức về đa dạng tính dục và bản dạng giới. Đã thế, bất chấp tuổi tác và sức khỏe, tất cả những hội thảo dành cho người LGBT từ Bắc và Nam, bà sẵn sàng theo chân cậu con trai đồng tính của mình đến tham dự. Trước hàng trăm người, bà chẳng ngại ngùng khi kể về câu chuyện của chính mình. Bà tự tin lắm, hào hứng lắm vì với bà: “Con mình là đồng tính nhưng cũng tử tế như bao người, sao phải xấu hổ.”
“Trời sinh con mình là đồng tính, có đánh, có mắng con đâu thay đổi được"
Bà Thi có tất thảy 6 người con, 2 người con đã mất. Bà kể: “Trước đây, tôi từng xây dựng gia đình với một người đàn ông xóm bên. Nhưng chiến tranh xảy ra, ông ấy hy sinh. Tôi về làng này xây dựng gia đình với bố của Tư. Năm 40 tuổi, tôi mới sinh được nó, đặt tên là Lê Xuân Tư. 4 ngày sau khi sinh, bố nó mất. Tôi một mình nuôi nó khôn lớn.”
![]() |
Bà Thi và cậu con trai Lê Xuân Tư. (Ảnh: Pflag). |
Những tháng ngày ăn khoai độn sắn, sống trong mái nhà tranh lợp từ mấy chục năm trước, một mình bà xoay xở nuôi 4 đứa con khôn lớn. Bà bảo, ngày ấy nghèo lắm, vất vả lắm nhưng bà vẫn cố gắng chăm chút cho từng đứa con được ăn học đầy đủ.
Trong suy nghĩ của bà, đứa con trai út cũng chỉ như bao cậu bé khác trong làng, vẫn nam tính, chẳng có biểu hiện gì của con gái. Bà kể: “Khác với những anh chị trước, Tư chăm chỉ làm việc nhà, lo toan mọi thứ. Thì cũng phải thôi, anh chị nó đi học hết, còn mỗi mẹ với con, không làm mọi việc thì lấy cái gì mà ăn và đi học.”
Cuộc đời của bà có lẽ cứ mãi diễn ra với quy luật, con trai lớn thì dựng vợ, con gái lớn thì gả chồng. Khi xây dựng gia đình cho 3 đứa con đầu, bà chỉ mong đứa con trai út nhanh chóng sớm lập gia đình để bà an tâm. Ấy thế mà, đùng một phát, bà bất ngờ khi cậu con trai cả đi làm xa về bảo: “Mẹ bắt Tư đi lấy vợ đi chứ, nó đồng tính đấy.” Trong suy nghĩ của bà Thi lúc đó, “đồng tính” là cái gì, bà đâu có hiểu. Bà chỉ biết thúc giục cậu con trai út của mình sớm lập gia đình theo bản năng của một người mẹ.
![]() |
Bà kể về con trai mình như một niềm tự hào. (Ảnh: Mai Linh). |
“Càng giục, nó lại càng lảng tránh, cứ bảo với tôi rằng: ‘Lấy vợ là việc riêng của con.’ Tôi giục nhiều quá đến nỗi đứa cháu tôi bảo: “Bác giục nhiều quá, anh Tư mà bỏ đi thì bác mất con.” Lúc đó tôi mới sợ.” – Bà Thi kể.
Bà Thi vẫn còn nhớ cái ngày cách đây 5 năm trước, khi tối khuya, cậu con trai út về nhà nhận tội bất hiếu với mẹ và mong được sống là chính mình. Bà khóc. Bà bảo: “Tôi khóc vì thương con mình bao năm phải sống khác. Tôi thương nó vì sau này không lấy vợ, sinh con thì biết dựa vào ai”.
Thế nhưng, rồi chính bà Thi đã tự nhủ rằng: “Trời sinh ra con mình như vậy. Có đánh, có mắng thì con mình có đâu thay đổi được. Mình ghét bỏ con mình thì chỉ tội nó ra. Nó cũng có mong muốn vậy đâu.” Vậy là bà lại bình tĩnh, chấp nhận tất cả mọi chuyện, coi như tất cả là do số phận sắp đặt.
Hành trình ủng hộ con
Năm 2014, bà theo chân anh Tư ra Hà Nội gặp gỡ những phụ huynh có con là LGBT. Trước đó, bà cũng thường xuyên được con trai chia sẻ về kiến thức đồng tính. Nhưng phải đến khi gặp những người làm cha, làm mẹ có hoàn cảnh giống mình, người phụ nữ ở chốn quê nghèo ấy mới nhận ra: “Hóa ra trên đất nước này, có rất nhiều người giống con mình. Họ đâu phải là đứa bệnh hoạn, a dua mà toàn là người có học, văn minh.”
![]() |
Dù tuổi đã cao nhưng bà Thi vẫn hy vọng sẽ tham dự được các hoạt động dành cho người LGBT ở Hà Nội. (Ảnh: Mai Linh) |
Trong suốt năm 2014, 2015, bà thường xuyên tham gia các hoạt động tập huấn, hội thảo dành cho người LGBT. Dù đôi chân đã mỏi, dù tóc đã bạc, nhưng chỉ cần còn sức khỏe là bà sẵn sàng đi tới những nơi có thể góp một phần công sức ủng hộ con mình. Đâu phải ai cũng có tư tưởng đi để học, đi để hiểu về con mình nhiều hơn như bà khi ở độ tuổi ngoài 70 như vậy.
“Gần 2 năm trở lại đây, tôi mới không tham gia được hết các hoạt động dành cho cộng đồng. Bây giờ tôi có tuổi, sức đã yếu, đôi chân đau nhức thường xuyên vì khớp. Tôi lại có bệnh huyết áp cao, tiểu đường nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Nhưng nếu có sự kiện nào diễn ra ở Hà Nội, tôi cũng tham gia ngay.” – Bà Thi tươi cười kể.
Kể từ lúc chấp nhận con là đồng tính, bà chẳng bao giờ ngại ngần khi hàng xóm, láng giềng hỏi chuyện về cậu con trai út. Bà cũng tự tin nói với họ về đứa con trai của mình.
Bà Thi bảo: “Người ta không dám nói con mình là bê đê. Nhưng họ bảo đứa khác là ái nam ái nữ cũng khiến tôi bực mình lắm. Đồng tính chứ đâu phải bệnh gì mà người ta cứ dị nghị.”
Tuy nhiên, điều mà bà vẫn trăn trở trong lòng đó chính là tương lai của đứa con trai út: “Tôi bây giờ cháu nội, cháu ngoại đầy đủ rồi, chỉ lo thằng út sau này về già không có nơi nương tựa.”
Nhưng rồi bà suy nghĩ lại: “Thôi bây giờ, xã hội nó khác. Cứ tìm được người bạn trai nào tâm đầu ý hợp thì về sống chung với nhau. Nếu con có bạn trai mà hai đứa thật sự yêu thương nhau, tôi cũng sẽ tổ chức đám cưới cho con. Đừng có giận và cãi nhau suốt ngày rồi chia tay, nếu mà các con như thế thì tôi buồn lắm!"
Năm nay, ngôi nhà tranh của cụ đã được thay bằng căn nhà hai tầng khang trang, rộng rãi. Bà cười kể: “Mong nhà có thêm thành viên để không khí đỡ trống vắng hơn.” Hy vọng rằng, niềm mong ước của bà sẽ sớm trở thành sự thật…
![]() |
Chuyện tình đôi đồng tính nữ từ 'quen giả vờ' rồi đến 'yêu thật'
Đến thời điểm hiện tại, dù hai bên gia đình chưa thực sự ủng hộ mối quan hệ tình yêu, nhưng cặp đồng tính 9x ... |
![]() |
4 năm yêu nhau, 12 năm kết hôn: Có 2 người đàn ông mãi yêu nhau như thuở ban đầu
16 năm bên nhau nhưng với hai người đàn ông gốc Việt, hiện đang sinh sống tại Canada, tình yêu của họ như mới chỉ ... |