Bà Năm nuôi bệnh người dưng miễn phí

Thương chàng trai nghèo liệt tứ chi không ai chăm sóc, bà Năm bám trụ ở bệnh viện để lo từng bữa ăn, vệ sinh cá nhân giúp chàng trai mà không nhận một đồng tiền công.

“Bà Năm hả? Bà đang ở khoa Tủy sống ở khu bên này nè!”. Đến BV Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quận 8, TP.HCM tìm bà Năm, chúng tôi được các bệnh nhân, người nuôi bệnh và cả chị bán xôi trước cổng chỉ dẫn nhiệt tình.

“Không dám tin có người chăm sóc tôi như mẹ ruột”

Sở dĩ ai cũng biết bà Năm bởi có lẽ bà là người nuôi bệnh già nhất trong bệnh viện này khi năm nay bà đã 68 tuổi. Và điều đặc biệt hơn là cũng người nuôi bệnh nhưng người ta tháng kiếm được 9-10 triệu đồng, còn bà Năm dù nghèo vẫn nhận nuôi một chàng trai liệt tứ chi không công. Chàng trai có diễm phúc ấy là anh Nguyễn Viết Hóa (36 tuổi), quê ở huyện Hớn Quản, Bình Phước.

Anh Hóa tay chân không cử động được, chỉ có mỗi khuôn mặt biểu lộ cảm xúc, bà Năm phải xúc từng muỗng cơm bón cho anh. Ai nhìn vào cũng nghĩ họ là hai mẹ con. “Ai mới vào cũng nghĩ vậy hết á!” - anh Hóa như đoán đúng suy nghĩ của chúng tôi. Ngồi trên chiếc xe lăn, anh Hóa cho hay ba năm trước khi leo cây để chặt cành, nhánh cây yếu khiến anh té xuống đất dập tủy. Trải qua cơn thập tử nhất sinh tại BV Chợ Rẫy, anh trở về với cái đầu tỉnh táo nhưng không thể điều khiển được tay chân.

Oái oăm thay, người anh của anh cũng bị cây đập khiến dập não, mất trí chỉ mới ba tháng trước đó. Khó khăn chồng chất khi vợ anh Hóa bỏ đi, để lại người cha chồng vật lộn với hai đứa con trai. Mỗi ngày mở mắt ra thấy cảnh ấy, anh Hóa cảm thấy rất tuyệt vọng nên nảy sinh ý định tự tử.

Anh nhờ đứa bé hàng xóm mua giúp ba gói thuốc trừ kiến để uống chết quách cho xong. Có lẽ do số chưa tận mà chị hàng xóm phát hiện rồi đem vứt hết thuốc đi, anh chưa chết được. Nằm mãi không lật và nhúc nhích gì được, cơ thể anh sinh ra lở loét, bốc mùi hôi thối. Vào một năm trước, người chị ruột thấy vậy nên đưa anh lên BV Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quận 8 chữa trị. Nhưng sau đó vì lý do cá nhân, chị của anh cũng không thể ở lại đây để chăm anh được.

ba nam nuoi benh nguoi dung mien phi

Bà Năm chăm lo tận tình cho anh Hóa như mẹ ruột mà không nhận một đồng tiền công. Ảnh: HOÀNG LAN

“Đang tính về nhà, ra sao thì ra vì tôi làm gì có tiền để thuê ai chăm sóc và đóng viện phí thì tôi gặp dì Năm. Bệnh này tay chân đâu cử động được, tiêu tiểu không tự chủ, dì Năm xắn tay làm hết cho tôi. Tiền nằm viện eo hẹp, dì cũng xin cơm từ thiện cho tôi ăn, còn xin người này người kia giúp đỡ tôi. Dì coi tôi như con. Nếu không gặp dì, tôi cũng không biết đời mình giờ ra sao. Mẹ ruột tôi chết đã bảy năm nay, tôi không dám tin là tôi có thể gặp được người chăm sóc cho mình như mẹ ruột” - anh Hóa kể.

Phụ đẩy anh Hóa từ xe lăn lên giường giúp bà Năm, chị Nguyễn Thị Phượng, người nuôi bệnh có thâm niên ở bệnh viện, góp chuyện: “Hồi dì Năm chưa nuôi thằng Hóa nhìn nó gớm lắm, lở loét hôi thối, da bọc xương. Còn nay thì khiêng nó lên giường không nổi luôn vì nó mập lên nhiều. Ở đây nuôi bệnh một tháng người ta lấy cũng 9 đến 12 triệu đồng. May mà bà Năm thấy thằng Hóa bỏ không đành nên giúp. Rồi bà còn giúp người ta đi vệ sinh bất kể giờ giấc, ai cho nhiêu lấy nhiêu để mua đồ cho thằng Hóa. Bà ít khi có tiền trong túi nhưng hễ có chút ít mà thấy ai nghèo khổ là bà cho liền”.

Nguyện làm việc phước đến hết đời

“Thấy mình đã khổ mà thằng Hóa còn khổ gấp trăm lần mình, gặp nó rồi bỏ không đành” - bà Năm chia sẻ lý do gắn bó với anh Hóa gần một năm nay. Bà Năm cho biết tên thật là Nguyễn Thị Thử, quê ở huyện Châu Thành, Trà Vinh, là con thứ năm trong gia đình nên còn được gọi là Năm.

Tuổi thơ cơ cực, những tưởng lấy chồng sẽ được đỡ đần nhưng cưới nhau chưa được bao lâu thì chồng bà gặp tai nạn phải cắt cụt chân, đau ốm liên miên. Một mình bà gồng gánh nuôi năm đứa con. Có lẽ do làm việc quá sức mà đến năm 46 tuổi, một trận bệnh ập xuống khiến bà nằm liệt giường gần ba năm trời với chẩn đoán bệnh tim, loãng xương. Lúc ấy bà cũng tuyệt vọng lắm và thầm khấn vái nếu sau này khỏe mạnh sẽ nguyện làm việc phước. Không ngờ bà khỏe lại thật. Thực hiện lời nguyện, bà năng vào chùa chăm những người bệnh lúc cuối đời mà nhà chùa cưu mang.

Bà Năm kể ban đầu, các con bà cũng không đồng ý khi biết bà chăm anh Hóa vì sợ bà bị lợi dụng. Tuy nhiên, khi lên bệnh viện gặp trực tiếp anh Hóa và hỏi các bác sĩ chữa trị, các con bà mới hiểu được hoàn cảnh của anh Hóa và còn cho tiền bà ở lại chăm anh. Tết về, các con bà còn gửi đồ lên cho anh Hóa ăn. Bà Năm chia sẻ, cuộc sống của ai cũng sẽ có những lúc lâm vào bĩ cực, hoạn nạn, bàn tay nâng đỡ lúc ấy vô cùng quý giá. Như năm xưa, lúc khó khăn nhất bà cũng từng nhận được bàn tay chìa ra. Sau này, thấy ai lâm cảnh khó khăn bà cũng muốn giúp lại người ta trong khả năng của mình. Hơn nữa, từng trải qua trận ốm liệt giường nên bà thấu hiểu nỗi khổ của những người bệnh, luôn cảm thấy mình vô dụng.

“Người ta mắc bệnh đã quá đau khổ, nếu mình giúp được gì, làm cho người ta vui vẻ thì giúp. Giúp được người ta, người ta vui thì mình thấy mừng, thấy khỏe” - bà bộc bạch.

“Alô, đi cầu không ra hả, dì tới liền!”, điện thoại tới, bà Năm tất tả chạy đi, sẵn nói với lại chúng tôi: “Dì dặn bệnh nhân mà, muốn “đi” lúc nào thì cứ gọi dì, khuya khoắt đang ngủ dì cũng dậy liền. Không “đi” được thì người ta bứt rứt, khó chịu lắm”.

Xin tiền cho người dưng trị bệnh

Bệnh nhân Nguyễn Viết Hóa được bà Năm chăm sóc như con ruột. Nhờ ăn uống vệ sinh tốt hơn kết hợp tập luyện mà tình trạng anh Hóa được cải thiện nhiều. Vừa rồi anh Hóa bị nhiễm trùng đường tiểu nhưng không có tiền, cũng nhờ bà Năm xin người này người kia cho anh đi khám chuyên khoa ở BV Bình Dân. Ở bệnh viện này ai cũng biết bà Năm. Ai có việc gì cần nhờ, bà cũng sẵn lòng giúp đỡ không lấy tiền, đặc biệt là chuyện vệ sinh cá nhân của bệnh nhân bà không bao giờ ngại.

NGUYỄN THỊ THÙY TRANG, điều dưỡng trưởng khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống

ba nam nuoi benh nguoi dung mien phi Cho 2 con 50.000 đồng rồi nói 'mẹ đi chết', người phụ nữ nhảy sông tự vẫn

Trước khi gieo mình xuống sông Hương tự vẫn, người mẹ cho 2 con mỗi đứa 50.000 đồng và nói "mẹ đi chết". Hiện tại, ...

ba nam nuoi benh nguoi dung mien phi Mẹ trẻ gợi ý chế biến bữa phụ thơm ngon thay đổi khẩu vị cho con

Theo quan niệm của bà mẹ trẻ đảm đang Thu Thảo (Đắk Lắk), để con thích thú hơn với việc ăn uống, ngoài những món ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.