Có mặt tại làng ven biển thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh khi trời đã chuyển tối, chúng tôi bị ám ảnh trước cảnh tượng lụi tàn, xơ xác của ngôi làng ven biển này. Sau 3 ngày cơn bão đi qua, những người dân nơi đây vẫn còn thất thần trước cảnh “trắng tay”.
Chứng kiến cảnh những đứa trẻ ngơ ngác khi đứng trước ngôi nhà không mái, những cụ già ngồi trong ngóng sự bình yên và những bà mẹ chỉ biết ôm đứa con thơ vào lòng trong căn nhà trống, khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Hiện nay, điện vẫn chưa có nên nhiều hộ dân tại xã Cẩm Nhượng phải sống trong cảnh đèn mờ. Ảnh Hoài Nam |
Nỗi ám ảnh khi đêm xuống
Chị Nguyễn Thị Hà ôm đứa con 3 tuổi bên căn nhà đổ sập. Ảnh Hoài Nam |
3 ngày, sau khi cơn bão đi qua, chị Nguyễn Thị Hà (40 tuổi), trú tại thôn Hải Bắc, xã Cẩm Thượng chưa được đêm nào ngủ yên giấc.
Trong dãy nhà sập đổ, ôm đứa con nhỏ vào lòng, chị Hà chia sẻ: “3 đêm rồi, không thể nào chợp mắt, cứ nhìn quanh chỉ biết rơi nước mắt khi căn nhà của gia đình sống bao lâu nay đã bị cuốn đi chỉ trong phút chốc. Tôi sợ đêm, đêm xuống thực sự rất buồn và mệt mỏi, những suy nghĩ không biết bao giờ mới ổn định lại cứ hiện hữu ám ảnh trong đầu tôi”.
Do thiếu nước sạch nên người dân thường xuyên phải đi gánh nước về dùng. Ảnh Hoài Nam |
Chị Hà kể, sau khi bão tan, gia đình chị trở về nhà nhưng toàn bộ tài sản tủ lạnh, ti vi, quạt điện đã bị nước ngập, phần ngôi nhà 3 gian bị sập đổ, nhà bị bật nóc.
"Sách của con trai đi học cũng bị nước cuốn trôi mất, giờ gạo bị mốc hết, nguồn điện thì không có, tối đến mấy mẹ con lại thắp đèn dầu để sinh hoạt", chị Hà than thở.
Trận bão đi qua, khiến cuộc sống của người dân nơi đây lâm vào cảnh khốn đốn. Ảnh Hoài Nam |
Do bị bão cuốn mất mái nhà, cùng nhiều vật dụng trong gia đình, nên 3 ngày nay, bà Tôn Thị Dung (68 tuổi), trú tại thôn Xuân Nam phải đi nấu cơm nhờ nhà hàng xóm.
"Do không có điện, bếp ga hỏng chưa có tiền mua, nên mấy hôm nay gia đình phải đi nấu nhờ nhà hàng xóm. Giờ khó khăn hiện tại là không có điện và thiếu nước sinh hoạt, cứ đêm xuống là cả làng im ỉm trong bóng tối. Như những lần bão đợt trước, mưa xong là dân đã đi ra khơi được, nhưng giờ cảnh thế này chắc còn lâu mới đi biển được", bà Dung tâm sự.
Do nhà bị bão đánh sập nên gia đình bà Dung phải thắp đèn để ăn ngoài sân. Ảnh Hoài Nam |
Ông Phan Đắc Hùng, Phó giám đốc điện lực tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, chỉ một số trung tâm huyện được cấp điện để đảm bảo liên lạc. Còn lại các vùng phụ cận vẫn chưa có điện sinh hoạt. Đặc biệt, toàn bộ khu vực huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên vẫn chưa có điện.
"Thiệt hại ngành điện hiện chưa thể thống kê được nhưng con số rất lớn. Hàng ngàn cột điện trung thế đổ ngan ngát giữa đường. Chúng tôi đang huy động tối đa nhân lực rà soát các địa bàn điện hỏng, mới có thể cấp điện trở lại để đảm bảo an toàn", ông Hùng nói
“Sách cháu bị nước trôi hết rồi!"
Sau nhiều ngày nghỉ học do mưa bão, em Bùi Xuân Khánh, lớp 5A trường Tiểu học Cẩm Nhượng đang chuẩn bị bài vở cho ngày đến trường. Dưới ngọn đèn dầu, cậu bé vẫn cố nắn nót những nét chữ để chuẩn bị cho một buổi học mới.
Khánh cho biết, trước khi đi trú ẩn tránh bão em đã thu dọn sách vở, nhưng sau khi trở về, bàn học tập của em đã bị hỏng, nhiều sách vở bị cuốn trôi.
Dù không có bàn, không có điện nhưng Khánh vẫn say mê học. Ảnh Hoài Nam |
“Khi về nhà thấy sách bị cuốn đi rất nhiều, mai là cháu đi học rồi nhưng vẫn chưa đủ dụng cụ học tập, không biết phải làm sao. Cháu chưa bao giờ thấy nhà mình bị bão làm sập đổ kinh khủng như vậy, cháu rất sợ bão, lũ, chỉ mong cuộc sống bình yên gia đình êm ấm”, Khánh nói.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, sau khi bão số 10 đi qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, tốc mái, hệ thống cây xanh trong trường học bị đổ ngã, đặc biệt là huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và huyện Cẩm Xuyên bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, do hệ thống điện lưới và mạng viễn thông bị mất sóng nên chưa thống kê được cụ thể thiệt hại của toàn ngành.
Bão qua 2 ngày, làng chài ven biển trắng tay ăn mì tôm sống thay cơm Trận bão lịch sử đi qua khiến làng chài ven biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tan hoang như bãi chiến trường. |