Bà Rịa - Vũng Tàu xin thẩm quyền làm đường vành đai 4 hơn 6.625 tỷ đồng

Dự kiến đường vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có vốn đầu tư khoảng 6.625 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 sẽ kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận giao cho UBND tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư đường vành đai 4 TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh.

Dự án có điểm đầu tuyến giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (cách ngã tư Châu Pha - Tóc Tiên khoảng 200 m). Tuyến đi lên phía bắc giao với các đường Châu Pha - Bà Rịa, Sông Xoài - Châu Pha, Mỹ Xuân - Ngãi Giao và đường xã Cù Bị, huyện Châu Đức.

Điểm cuối tuyến tiếp giáp với địa phận tỉnh Đồng Nai tại Km18+300, khu vực hồ Bàu Cạn. Tổng chiều dài toàn tuyến qua địa bàn thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức khoảng 18,3 km.

Bà Rịa - Vũng Tàu xin thẩm quyền làm đường vành đai 4 hơn 6.625 tỷ đồng - Ảnh 1.

Đường vành đai 4 TP HCM. (Đồ họa: Alex Chu).

Cấp hạng đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc bảo đảm vận tốc thiết kế 80 - 100 km/h. Quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe rộng 27 m, giải phóng mặt bằng toàn bộ rộng 67 m.

Trên tuyến sẽ có hai nút giao và hai cầu vượt. Ngoài ra đoạn tuyến còn giao cắt với các đường địa phương khác và sẽ nghiên cứu làm cầu vượt trực thông, hầm chui bảo đảm giao thông hai bên được thuận lợi.

Thời gian thực hiện dự án (giai đoạn 1) dự kiến kéo dài 5 năm giai đoạn 2022-2026 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT. Việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được tách thành một dự án độc lập thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.625 tỷ đồng (chưa gồm lãi vay dự kiến 218,41 tỷ). Trong đó, ngân sách của tỉnh hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 1.596 tỷ đồng; chi phí đầu tư còn lại khoảng 5.029 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách theo họp đồng BOT và ngân sách Trung ương hỗ trợ cho công tác xây lắp.

Quy hoạch chi tiết tuyến vành đai 4 TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 28/9/2011. Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6 km (tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200 km).

Dự án vành đai 4 có mặt cắt ngang hoàn chỉnh 6 - 8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc. Tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.

Điểm đầu tuyến đường tại lý trình khoảng Km 40+000 (lý trình cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu), khu vực Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vị trí cuối tuyến tại điểm nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, TP HCM.

Theo quy hoạch trên, UBND các tỉnh, thành phố được giao tổ chức quản lý quỹ đất và triển khai những dự án thành phần có đủ điều kiện; chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.

Về tiến độ dự án, Bộ Giao thông vận tải cho biết Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21 km bằng nguồn ngân sách địa phương và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Tỉnh Long An đang triển khai đầu tư khoảng 25 km.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu và đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn Bến Lức - Hiệp Phước trình Bộ Giao thông vận tải nhưng chưa được phê duyệt, các đoạn còn lại chưa được nghiên cứu. Hồ sơ đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đã được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận bàn giao cho tỉnh Long An tiếp tục nghiên cứu.

Tại các thông báo về việc triển khai tuyến vành đai 4 TP HCM, Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan giao cho các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP)…

Hiện Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có thống nhất phạm vi dự án thành phần để giao các tỉnh, thành phố. Vì vậy, Bộ đề nghị Thủ tướng giao cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần của tuyến vành đai 4 TP HCM theo nguyên tắc phân chia các đoạn theo địa giới hành chính của từng địa phương.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.