Theo Báo cáo "Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mục tiêu một triệu doanh nghiệp đến năm 2020 đã không đạt được khi tính đến hết 31/12/2020, cả nước có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt 81,2% mục tiêu.
Phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo diễn ra tại Hà Nội sáng nay (20/4), bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform đánh giá:
"Nhờ vào cải cách môi trường thể chế, cụ thể hoá tinh thần của hiến pháp vào trong các luật và người dân có thể tự do đầu tư kinh doanh, đặc biệt là lần đầu tiên chúng ta quy định trong luật đầu tư danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh một cách rõ ràng, công khai điều kiện kinh doanh, cắt giảm điều tra chuyên ngành,... đã giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển trong thời gian qua với tỷ lệ tăng số lượng doanh nghiệp hàng năm lớn. Và hiện nay đã có hơn một triệu doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống.".
Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh để đạt được mục tiêu một triệu doanh nghiệp đang hoạt động như kỳ vọng còn cần nhiều nỗ lực.
Tác động của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc "phá sản" mục tiêu đến 2020 có một triệu doanh nghiệp. Trong năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký mới chỉ đạt 134.941 doanh nghiệp, thấp hơn 2,3% so với trong năm 2019.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể trong năm 2020 là 101.719 doanh nghiệp, cao hơn mức 89.282 doanh nghiệp của năm 2019. Số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong năm 2020 là 44.096 doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết 35, một số địa phương đã đặt ra mục tiêu phát triển số lượng doanh nghiệp và có cam kết với VCCI. Trong số 63 tỉnh thành phố trên cả nước, có 41 tỉnh thành phố có cam kết về số lượng doanh nghiệp năm 2020.
Tuy nhiên, tính đến hết 31/12/2020, chỉ có 17 địa phương có số doanh nghiệp đạt hoặc vượt mức đã cam kết, trong đó có một số địa phương vượt cao như Bắc Ninh đạt 158%, Hải Dương đạt 140%, Lạng Sơn đạt 147%, Khánh Hoà đạt 147%, Bình Phước đạt 174%,…Tỷ lệ vượt cam kết cao như vậy, một số trường hợp là do số lượng doanh nghiệp của tỉnh tăng mạnh, nhưng cũng có trường hợp do tỉnh lựa chọn con số cam kết thấp.
Các tỉnh có số lượng doanh nghiệp tăng mạnh trong giai đoạn 2015 - 2020 gồm Vĩnh Phúc tăng 168%, Bắc Ninh tăng 185%, Hưng Yên tăng 152%, Bắc Giang tăng 221%, Bình Phước tăng 162%, Bình Dương tăng 163%, Đồng Nai tăng 164%,… Ngược lại, một số địa phương có tỷ lệ tăng doanh nghiệp rất thấp trong 5 năm qua như Điện Biên chỉ tăng 24%, Bắc Kạn tăng 44%, Quảng Trị tăng 38%, Cà Mau tăng 45%,…