Bắc Giang: Khắc phục bất cập trong quy hoạch phát triển đô thị

Những năm gần đây, việc mở rộng không gian đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, chất lượng xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới ngày càng được quan tâm, thị trường bất động sản sôi động mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, do công tác dự báo chưa theo kịp tình hình nên vẫn còn tình trạng quy hoạch chưa sát với so với nhu cầu.

Tăng tốc phát triển đô thị

Thị trấn Bích Động (Việt Yên) thời gian qua “lột xác” dần trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, động lực phát triển kinh tế tiểu vùng phía Tây Nam của tỉnh và là đô thị cửa ngõ liên kết vùng Thủ đô Hà Nội. 

Hàng loạt dự án được triển khai xây dựng làm cho không gian đô thị của thị trấn được mở rộng, vóc dáng hiện đại, mang đến giá trị cao như khu đô thị (KĐT) mới thị trấn Bích Động; khu dân cư (KDC) thương mại, chợ mới; KDC số 4...

Bắc Giang: Khắc phục bất cập trong quy hoạch phát triển đô thị - Ảnh 1.

Công tác lập quy hoạch cần theo sát kế hoạch sử dụng đất, tránh lãng phí tài nguyên đất.Ảnh: Xây dựng hạ tầng khu đô thị Nam Hồng, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang).

Từ động lực mang tính đầu tàu của thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên dành nguồn lực tập trung phát triển KĐT dịch vụ công nghiệp phía Đông, KĐT dịch vụ thương mại, KĐT công nghiệp phía Nam cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, KĐT mới văn hóa sinh thái… 

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện cho biết, theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, Việt Yên tập trung phát triển hoàn chỉnh, cải tạo chỉnh trang KĐT trung tâm và lan tỏa ra khu vực xung quanh, trong đó tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng khung tạo động lực phát triển.

Không chỉ riêng huyện Việt Yên, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển theo hướng hiện đại, tương đối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. 

Giám đốc Sở Xây dựng Vương Tuấn Nghĩa cho biết: "Nhìn tổng thể, một số đô thị làm tốt công tác phát triển, không gian được mở rộng, chất lượng kiến trúc, cảnh quan có cải thiện, bảo đảm “sáng - xanh - sạch - đẹp".

Đến nay, tỉnh có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (TP Bắc Giang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I), dân số ở đô thị tăng lên, đời sống nhân dân được nâng cao. 

Toàn tỉnh đã phủ kín quy hoạch chung đô thị và xã nông thôn; UBND tỉnh xây dựng, ban hành Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 làm cơ sở để nâng cấp TP, thị trấn hiện có, định hình cấu trúc khung không gian và hình thành các chuỗi, cụm đô thị.

Giai đoạn 2016-2020, việc huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển đô thị được chú trọng, tổng vốn đầu tư công trung hạn lên đến 29.650 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng đô thị... 

Ngoài ra, các dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, tạo động lực cho phát triển đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 33.594 tỷ đồng.

Khắc phục tình trạng “thừa” đất ở đô thị

Thời gian qua, quy mô đô thị phát triển nhanh nhưng chủ yếu là do mở rộng địa giới hành chính, chưa tạo được sức hút, chuyển dịch dân cư từ khu vực khác ra thành thị để tăng dân số cơ học. Hơn nữa, có tình trạng nhiều đô thị được quy hoạch “hoành tráng”, đầu tư xây dựng KĐT, KDC nhưng không có người ở, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Sở Xây dựng chú trọng lập quy hoạch các đô thị nén để tăng mật độ dân số đô thị, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất và hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng cho tương lai, có tầm nhìn lâu dài".

Giám đốc Sở Xây dựng Vương Tuấn Nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng phòng Quy hoạch kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết, trên cơ sở những dữ liệu cụ thể, Sở Xây dựng dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu diện tích đất ở trên địa bàn khoảng 1.740 ha.

Tuy nhiên hiện nay, tổng diện tích đất ở đã lên tới khoảng 2.377 ha (đất ở tại các KĐT đã được phê duyệt khoảng 570 ha, diện tích đất ở tại các KĐT đã giao lập quy hoạch dự kiến khoảng 1.060 ha, diện tích đất ở dự kiến đang xin tài trợ khoảng 747 ha), dư thừa khoảng 637 ha.

Điều này dẫn đến hệ quả phát triển đô thị dàn trải, lãng phí tài nguyên đất đai, các KĐT chủ yếu được đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính kết nối, hình thức đầu tư chủ yếu vẫn là phân lô bán nền dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý kiến trúc, cảnh quan. 

Nguyên nhân là do việc quy hoạch, phát triển đô thị còn thiếu tầm nhìn, phát triển cục bộ, hạ tầng kỹ thuật, xã hội chưa được đầu tư đồng bộ tương xứng. Công tác dự báo chưa khoa học, sát với tốc độ phát triển KT-XH, nhu cầu của người dân.

Theo định hướng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang tiếp tục nâng cấp và mở rộng đô thị, đầu tư xây dựng các KĐT, KDC. Lộ trình dự kiến huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng trở thành đô thị; thành lập mới một số đô thị ở huyện Tân Yên, Lục Nam, Lục Ngạn...

Để hạn chế tình trạng “quy hoạch treo”, lãng phí đất cần có dự báo chính xác, sát với tình hình, tốc độ phát triển của tỉnh. Tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị, gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác bảo đảm đồng bộ, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Ông Lại Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Bắc Giang nêu ý kiến: Việc “thừa” 637 ha đất ở phản ánh sự mất cân bằng và tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản. 

Trong thời gian tới, tỉnh và các huyện, TP cần rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc loại bỏ những quy hoạch đã quá thời hạn, không có tính khả thi. Phát triển đô thị Bắc Giang theo hướng thông minh, đồng bộ, kết nối, đầy đủ hạ tầng và thân thiện với môi trường.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.