Theo báo Bắc Giang, HĐND tỉnh Bắc Giang vừa thông qua nghị quyết về đồ án quy hoạch 5 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích hơn 1.100 ha.
Cụ thể, quy hoạch phân khu xây dựng KCN Đức Giang, huyện Yên Dũng (tỷ lệ 1/2000) với quy mô hơn 287 ha. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính các xã Tư Mại, Cảnh Thụy, Đồng Phúc và xã Đức Giang.
KCN Đức Giang là KCN tập trung, đa ngành nghề; thu hút các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất, lắp ráp và chế tạo điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin; cơ khí, sản xuất, lắp ráp, chế tạo máy và tự động hóa; các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường.
Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 2 thuộc huyện Hiệp Hòa (tỷ lệ 1/2000) với quy mô đồ án khoảng 222 ha. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Mai Đình và xã Châu Minh.
Đây là KCN tổng hợp đa ngành; thu hút các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất, lắp ráp và chế tạo điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin; cơ khí, sản xuất, lắp ráp, chế tạo máy và tự động hóa; công nghiệp tin học, phần mềm…
Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang (tỷ lệ 1/500). Phạm vi ranh giới lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Đào Mỹ và xã Nghĩa Hưng. Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch gần 152 ha.
KCN Nghĩa Hưng thu hút các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất, lắp ráp và chế tạo điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin; cơ khí, sản xuất, lắp ráp, chế tạo máy và tự động hóa…
Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tiên Sơn - Ninh Sơn, huyện Việt Yên (tỷ lệ 1/2000) với phạm vi ranh giới thuộc địa giới hành chính xã Tiên Sơn, xã Ninh Sơn và xã Vân Hà.
Tổng diện tích lập quy hoạch gần 223 ha. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích khoảng 89 ha nằm tại phía Đông đê sông Cầu hiện hữu (trong Đê). Giai đoạn 2 có diện tích khoảng 133 ha nằm tại phía Tây đê sông Cầu hiện hữu (ngoài Đê).
Đây là KCN tập trung, đa ngành; thu hút công nghiệp sản xuất các sản phẩm cơ khí, máy móc thiết bị, khuôn mẫu, đồ kim hoàn, trang sức; sản xuất kim loại, dụng cụ thể thao, đồ chơi, vật liệu xây dựng, thực phẩm, đồ uống, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm từ giấy, gỗ, nhựa, cao su…
Cuối cùng là Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Xuân Cẩm - Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (tỷ lệ 1/2000). Phạm vi ranh giới lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Xuân Cẩm và xã Hương Lâm. Quy mô đồ án khoảng 224 ha.
KCN Xuân Cẩm - Hương Lâm ưu tiên thu hút các lĩnh vực sản xuất, chế tạo thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, cơ khí chính xác, các sản phẩm từ công nghệ, kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin; dược phẩm, mỹ phẩm, vaccine, thiết bị y tế…
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2030, địa phương này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng số 29 KCN với diện tích khoảng 7.000 ha. Đến nay, có 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích đất tự nhiên gần 2.000 ha.
Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đạt 19,3%, chỉ số phát triển công nghiệp dẫn đầu cả nước, quy mô nền kinh tế GRDP đứng thứ 13 toàn quốc, đứng đầu trong các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.