Bản đồ cho thấy Vành đai 4 đích thị là siêu dự án, liên kết loạt cao tốc quan trọng, kinh tế toàn vùng Bắc Bộ kỳ vọng đi lên

Vành đai 4 liên kết nhiều cao tốc quan trọng. Dự án có tổng vốn đầu tư 95.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế cho Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn được biết đến với cái tên "siêu dự án đường vành đai" khi có chiều dài lên tới hơn 100 km, tổng mức đầu tư trên 95.000 tỷ đồng, bằng hình thức PPP (đối tác công tư).

 Xem thêm: Thông tin mới nhất về dự án Đường vành đai 4 – vùng Thủ đô 

Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên gồm Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm và qua huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh của tỉnh Bắc Ninh.

Dự kiến năm 2021 – 2023 chuẩn bị dự án; 2023 – 2024 giải phóng mặt bằng và từ năm 2024 – 2028 thi công.

Bản đồ cho thấy Vành đai 4 đích thị là siêu dự án, liên kết loạt cao tốc quan trọng, kinh tế toàn vùng Bắc Bộ kỳ vọng đi lên - Ảnh 1.

Vành đai 4 có tổng vốn đầu tư 95.000 tỷ đồng, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội và thúc đẩy kinh tế cho Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. (Đồ họa: Đức Bùi).

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tuyến đường còn có mục tiêu tạo tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên tuyến đường nói riêng và Vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.