Kết hợp công tư làm đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, trình Chính phủ trước ngày 10/3

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất với đánh giá của các bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.
Kết hợp công tư làm đường vành đai 4 - vùng Thủ đô - Ảnh 1.

Sơ đồ hướng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô. (Đồ họa: Alex Chu).

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Xem thêm: Thông tin mới nhất về dự án Đường vành đai 4 – vùng Thủ đô

Thủ tướng Chính phủ thống nhất với đánh giá của các bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư dự án.

Việc sớm triển khai dự án sẽ góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; góp phần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10/3/2022

Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất của Thủ đô và các địa phương trong khu vực; nâng cao kết nối vùng, gắn kết để phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc hướng tâm hiện hữu; giảm thiểu thiệt hại, chi phí xã hội do ùn tắc, tai nạn giao thông; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các địa phương…

Với vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, các bộ và cơ quan liên quan rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ xem xét thông qua chậm nhất ngày 10/3/2022, bảo đảm kịp trình Bộ Chính trị, Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 trước ngày 20/3/2022.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội, ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, cơ bản thống nhất về hình thức đầu tư, các cơ chế chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi của dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo hình thức đầu tư hỗn hợp được chia tách thành ba dự án thành phần, trong đó dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công (cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn Trung ương và vốn địa phương).

Dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Một số cơ chế đặc thù tương tự như đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; không kiến nghị cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư.

Thành lập ngay Tổ công tác dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội thành lập ngay Tổ công tác dự án vành đai 4 vùng - Thủ đô Hà Nội, trong đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội là tổ trưởng Tổ công tác.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.

Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý giữa Trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.

Cũng như các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 TP HCM, tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội và các địa phương trong khu vực.

Vào tháng 9 vừa qua, tại kỳ họp thứ II, khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô.

Công trình có tổng chiều dài khoảng 111,2 km, gồm 102,2 km đường vành đai 4 và 9 km tuyến trên cao nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long.

Dự án đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, cụ thể như sau: Đoạn qua Hà Nội dài 58,2 km, đoạn qua Hưng Yên dài 19,8 km và đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 24,2 km.

Đoạn đầu tuyến tại khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long thuộc địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Tuyến nối từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường vành đai 4 theo quy hoạch, dài khoảng 9 km.

Đường vành đai 4 có mặt cắt ngang rộng 120 m, gồm 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên. Đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 94.127 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (31.904 tỷ đồng), ngân sách địa phương (33.583 tỷ đồng), vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.