Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau cuộc họp mới đây về dự án vành đai 3 và 4 TP HCM.
Xem thêm: Thông tin mới nhất về dự án Vành đai 3 TP HCM
Thủ tướng kết luận hai tuyến này vai trò quan trọng kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, song dự án đi qua đô thị, tổng mức đầu tư rất lớn, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư rất cao nên đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khó khả thi, nhất là Vành đai 3.
Trên cơ sở báo cáo của UBND TP HCM và ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng thống nhất đầu tư công đối với đường Vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Đối với dự án đường vành đai 4 sẽ tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
UBND TP HCM hiện được giao là cơ quan chuẩn bị đầu tư vành đai 3, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Thành phố cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này vào đầu tháng 2 để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 năm nay.
Tại cuộc họp chiều ngày 24/1 về dự án đường vành đai 3, 4 TP HCM, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của TP HCM, các địa phương, bộ, ngành liên quan, đã vào cuộc với tinh thần tích cực, đã thành lập tổ công tác rà soát dự toán chi phí, các hạng mục quan trọng.
Về tiến độ, UBND TP HCM và các bộ, ngành, địa phương liên quan phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ để thẩm định vào ngày 5/2, báo cáo xin chủ trương Bộ Chính trị vào đầu tháng 3/2022, trình Quốc hội vào ngày 20/3. "Các đồng chí phải làm việc ngày đêm, làm việc xuyên Tết để đảm bảo chất lượng và tiến độ hồ sơ", Phó Thủ tướng nói.
Về cơ chế đặc thù, Phó Thủ tướng nhất trí theo hướng áp dụng cơ chế tương tự như các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua.
Theo quy hoạch, đường vành đai 3 TP HCM là đường vành đai liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm: TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...
Giai đoạn 1 đầu tư khép kín đường vành đai 3 với quy mô 4 làn cao tốc hạn chế với chiều dài hơn 76 km, chưa đầu tư đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài hơn 15 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đối với vành đai 4 TP HCM, quy hoạch chi tiết tuyến đường này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2011. Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6 km (tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200 km).
Dự án vành đai 4 có mặt cắt ngang hoàn chỉnh 6 - 8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất khoảng 121,5 m. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.
Điểm đầu tuyến đường tại lý trình khoảng Km 40+000 (lý trình cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu), khu vực Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Vị trí cuối tuyến tại điểm nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, TP HCM.