Hà Nội đề xuất chi hơn 32.000 tỷ đồng cho dự án vành đai 4

Trước đó, liên quan đến dự án đường vành đai 4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến, làm việc với các địa phương có liên quan để điều chỉnh phạm vi, quy mô đầu tư các dự án thành phần; trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP không quá 50% tổng mức đầu tư theo đúng quy định.

UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình gửi Chính phủ lần 2 về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường vành đai 4, thông tin từ Tiền Phong.

Xem thêm: Thông tin mới nhất về dự án Đường vành đai 4 – vùng Thủ đô

Trong tờ trình lần này, Hà Nội đã đưa ra phương án tài chính và huy động vốn PPP cho phần đường cao tốc, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia.

Theo tờ trình, đường vành đai 4 có tổng chiều rộng mặt cắt ngang 120 m, trong đó, làn đường cao tốc ở giữa có 6 làn xe; hai bên là đường song hành (đường đô thị), các hành lang bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và đất dự trữ mở rộng.

Ngoài ra tuyến đường còn bố trí mặt bằng cho tuyến đường sắt phía Đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi và vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi theo quy hoạch...

Hà Nội đề xuất chi hơn 32.000 tỷ đồng cho dự án vành đai 4 - Ảnh 1.

Dự án vành đai 4 Hà Nội có thiết kế đi trên cao. (Ảnh: Tiền Phong).

Nêu về phương án đầu tư trong tờ trình, trường hợp đầu tư ngay theo quy mô hoàn chỉnh toàn bộ 6 làn xe cao tốc theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư dự án tổng thể khoảng 144.357 tỷ đồng, để đảm bảo hiệu quả tài chính cần mức vốn nhà nước tham gia khoảng 113.429 tỷ đồng.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá phương án nêu trên là một áp lực đối với nguồn vốn nhà nước tại thời điểm hiện tại.

Do vậy, lãnh đạo thành phố đã đưa ra giải pháp như sau: Căn cứ nhu cầu vận tải đến năm 2045 với lưu lượng khoảng 38.000 - 63.000 lượt/ngày đêm, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thành phố kiến nghị phân chia và phân kỳ đầu tư dự án theo nội dung công việc và thời gian trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Theo phương án này, dự án sẽ được chia làm ba dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần số 1 là giải phóng mặt bằng do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Dự án thành phần số 2 sẽ xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành, do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Dự án thành phần số 3 sẽ đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến theo hình thức PPP do UBND TP Hà Nội làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tổng mức đầu tư cho việc phân chia, phân kỳ để thực hiện dự án vành đai 4 là khoảng 95.000 tỷ đồng, giảm 49.000 tỷ đồng so với phương án đầu tư đầu tư ngay tuyến đường vành đai 4 hoàn chỉnh.

Vốn làm đường cao tốc: Nhà nước 55%, còn lại vốn nhà đầu tư và chi phí lãi vay

Đối với phương án bố trí và huy động cho từng dự án thành phần, Hà Nội cho biết dự án thành phần 1 khoảng 24.242 tỷ đồng, được huy động từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó TP Hà Nội chi khoảng 18.141 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên khoảng 3.149 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh khoảng 2.952 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 khoảng 9.399 tỷ đồng, sử dụng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó TP Hà Nội chi khoảng 5.358 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên khoảng 1.412 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh khoảng 2.629 tỷ đồng;

Tại dự án thành phần 3 khoảng 61.405 tỷ đồng, thành phố cho biết huy động bằng hình thức PPP hợp đồng BOT, trong đó vốn nhà nước tham gia tại dự án này khoảng 32.330 tỷ đồng (chiếm 55%), vốn huy động từ nhà đầu tư khoảng 26.452 tỷ đồng (chiếm 42%), chi phí lãi vay khoảng 2.623 tỷ đồng (chiếm 1,5%).

"Theo kết quả tính toán, với quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ như trên có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045. Một số đoạn có lưu lượng cao có thể xem xét mở rộng trong quá trình khai thác nếu có nhu cầu và bố trí được nguồn lực", Chủ tịch Chu Ngọc Anh nêu trong tờ trình.

Về công tác giải phóng mặt bằng, dự án thực hiện công tác giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch, đầu tư hệ thống đường hai bên với quy mô phù hợp với từng đoạn tuyến theo nhu cầu vận tải và tốc độ phát triển các khu dân cư, đô thị để đảm bảo phục vụ kết nối dân cư hai bên tuyến, quản lý quỹ đất đã GPMB. Với đường cao tốc, giai đoạn 1 được đấu nối thông toàn tuyến nhằm đảm bảo tính kết nối với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, phần cầu rộng 17,5 m, tốc độ thiết kế 100 km/h.

Thời gian thu phí dài nhất 21 năm

Đề cập đến công tác quản lý, thu phí hoàn vốn dự án PPP, Hà Nội cho biết tuyến đường cao tốc vành đai 4 được triển khai hệ thống thống thu phí, công nghệ ITS (điều hành, giám sát giao thông minh) và trạm dừng nghỉ.

Mức phí BOT của vành đai 4 được đề xuất thu theo giai đoạn, với giai đoạn 2024 - 2026 xe ô tô dưới 9 chỗ là 1.700 đồng/km; giai đoạn 2027 - 2029 là 1.900 đồng/km. Thời gian thu được đề xuất dài nhất là 21 năm.

Lý giải về mức thu này, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội thông tin, mức giá, phí dịch vụ của tuyến đường cơ bản phù hợp với mức giá, phí dịch vụ một số dự án xây dựng đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Chi không quá 50% ngân sách cho dự án PPP vành đai 4

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp xem xét việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp tháng 5/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến, làm việc với các địa phương có liên quan để điều chỉnh phạm vi, quy mô đầu tư các dự án thành phần; trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP không quá 50% tổng mức đầu tư theo đúng quy định.

 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.