Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng Tây Bắc Bộ, Việt Nam. Tỉnh Lào Cai giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Trung tâm hành chính của tỉnh là Thành phố Lào Cai, cách Thủ đô Hà Nội 290 km. Tổng diện tích của tỉnh là 6.364,02 km².
Tỉnh Lào Cai có vị trí địa lý như sau: Phía bắc giáp Trung Quốc (tỉnh Vân Nam); phía tây giáp tỉnh Lai Châu; phía đông giáp tỉnh Hà Giang; phía nam giáp tỉnh Yên Bái.
Lào Cai là một trong số ít tỉnh miền núi có mạng lưới giao thông vận tải đa dạng, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường sông, và trong giai đoạn 2015 - 2020 sẽ triển khai dự án sân bay Lào Cai, tỉnh đề nghị chính phủ cho phép kêu gọi đầu tư nước ngoài đối với dự án này.
Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 264 km có điểm đầu tại nút giao của đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long với Quốc lộ 2; điểm cuối tại vị trí đấu nối với đường cao tốc Côn Minh – Hà Khẩu tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Tuyến đi qua địa phận 5 tỉnh và thành phố: Thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai
Được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với tốc độ chạy xe tối thiểu từ 80 km – 100 km/h, Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 19.984 tỷ đồng (1,249 tỷ USD), trong đó 1,096 tỷ USD là vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng do nhà đầu tư (Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) tự huy động vốn, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Về quy hoạch giao thông, ngày 30/10/2015, UBND tỉnh Lào Cai ra Quyết định số 3802/QĐ-UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Lào Cai đến năm 2020, định hướng điến năm 2030.
Phát triển giao thông vận tải Lào Cai đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, vận tải dịch vụ vận tải, công nghiệp tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, có khả năng liên kết thuận lợi giữa các phương thức vận tải, đảm bảo thông suốt từ tỉnh đến xã và bảo đảm quốc phòng an ninh. Thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, êm thuận, an toàn; kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa các phương thức vận tải trong nước, quốc tế. Hoàn chỉnh, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao chất lượng khai thác, đảm bảo vận tải thông suốt toàn bộ mạng lưới đối nội đối ngoại và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Giao thông đô thị: Phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, vùng, hành lang kinh tế; đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt 16-21% quỹ đất xây dựng đô thị, 100% mặt đường đô thị được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng. Xây dựng hạ tầng phục vụ các tuyến xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân tại thành phố Lào Cai. Bố trí các bãi đỗ xe tĩnh công cộng trong khu vực dân cư và công trình công cộng tại các khu đô thị trung tâm; các thị trấn đảm bảo đất giành cho kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định.
Giao thông nông thôn: Phát triển giao thông nông thôn đáp ứng tiêu chí xây dựng “Nông thôn mới”; đảm bảo đi lại thuận tiện; 100% đường huyện, 70% đường xã được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; đường huyện đạt tối thiểu loại A-GTNT, đường xã đạt tối thiểu loại B-GTNT. Hệ thống cầu cống trên đường huyện, đường xã xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch.
Hoàn thành xây dựng mỗi huyện có ít nhất một bến xe đạt tối thiểu loại 4; Thành phố Lào Cai có 3 bến xe khách quy mô loại 1 đến loại 2 (cải tạo, nâng cấp Bến xe khách Phố Mới đạt tiêu chuẩn loại 2; Xây dựng mới bến xe phía Tây cạnh QL4D, xã Cốc San với diện tích 4Ha đạt tiêu chuẩn loại 1; tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 bến xe Trung tâm Lào Cai); xây dựng các bến bãi đỗ xe hàng bãi đỗ xe taxi và xe khách khác.
Hoàn thành nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai; Nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ 1435mm; nghiên cứu xây dựng mới đường sắt kết nối với đường sắt Trung Quốc (trước mắt đoạn từ ga Lào Cai đến ga Hà Khẩu).
Xem thêm: Cập nhật quy hoạch sử dụng đất tỉnh Lào Cai TẠI ĐÂY.