Huyện Củ Chi là quận có vị trí độc lập, nằm về phía tây bắc của TP HCM. Có diện tích là 474,77 km2. Sông Sài Gòn chảy qua phía đông huyện, tạo thành một đoạn ranh giới giữa Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương.
Xem thêm: Bản đồ quy hoạch TP HCM
Vị trí cụ thể của huyện Củ Chi như sau: Phía đông giáp các thành phố Thủ Dầu Một và Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương qua sông Sài Gòn; phía tây giáp thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; phía nam giáp huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và huyện Hóc Môn; phía bắc giáp thị xã Bến Cát và huyện Dầu Tiếng thuộc tỉnh Bình Dương qua sông Sài Gòn.
Huyện Củ Chi có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Củ Chi và 20 xã: An Nhơn Tây, An Phú, Bình Mỹ, Hòa Phú, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Trung An, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng.
Về quy hoạch, ngày 23/5/2012, UBND TP HCM đã ban hành quyết định 2645/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Củ Chi đến năm 2020, tỷ lệ 1/5000. Quy hoạch này vẫn có giá trị cho tới khi quy hoạch mới được lập, công bố trong thời gian tới.
Theo quyết định quyết định 2645 nói trên, chức năng chính của huyện Củ Chi giai đoạn năm 2010 - 2020 là: Khu dân cư đô thị hóa và khu dân cư nông thôn; khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô lớn; trung tâm công cộng cấp thành phố trong Khu đô thị Tây Bắc; cửa ngõ quốc tế đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Cơ cấu sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Củ Chi là: Đất dân dụng 7.546,4 ha, chiếm 17,3%, trong đó đất ở là 4.906,0 ha, chiếm 11,3%; Đất khác trong phạm vi đất dân dụng 3.311,9 ha, chiếm 7,6%; Đất ngoài dân dụng 7.092,2 ha, chiếm 16,3%; Đất nông - lâm nghiệp 24.385,1 ha, chiếm 56,1%; Đất sông, rạch 1.161,0 ha, chiếm 2,7%.
Về định hướng phát triển không gian huyện Củ Chi đến năm 2020:
Về phân bố dân cư: Khu dân cư đô thị, trên địa bàn huyện Củ Chi, dân số đô thị dự kiến 40.000 người, chiếm 80% tổng số dân. Dân cư nông thôn được tập trung xây dựng tại các điểm dân cư lớn tồn tại lâu dài với quy mô tương đối phù hợp trên 200 hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở. Số dân cư nông thôn dự kiến khoảng 160.000 người chiếm 20% tổng số, diện tích đất: 1.969 ha.
Trung tâm công cộng và hệ thống công trình công cộng: Hệ thống trung tâm và các hạng mục công trình công cộng của huyện đảm bảo đủ các loại hình phục vụ thiết yếu cho dân cư.
Về công viên cây xanh: Tính chất đặc thù của huyện Củ Chi là hệ thống kênh đào hiện hữu, sông rạch. Phía đông và nam huyện lỵ (dọc kênh Xáng và sông Sài Gòn) phát triển các khu công viên vui chơi giải trí nghỉ ngơi quốc tế và dọc sông Sài Gòn tổ chức mảng xanh liên hoàn tạo cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái... Các khu ở bố trí các khu cây xanh kết hợp thể dục thể thao. Hệ thống cây xanh cách ly giữa khu dân cư với khu công nghiệp, hành lang hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu cây xanh bố trí tập trung thành từng mảng xanh lớn kết hợp mặt nước, rừng bảo vệ môi trường tạo không gian xanh cho do thị và khu vực.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tập trung các khu, cụm công nghiệp lớn của thành phố đảm bảo việc xử lý ô nhiễm, an toàn về môi trường. Các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ô nhiễm sẽ di dời vào khu cụm công nghiệp tập trung có điều kiện xử lý, còn những cơ sở công nghiệp tiêu thủ công nghiệp không ô nhiễm hoặc ít ô nhiễm, được lưu sử dụng xen cài trong khu dân cư.
Nông - lâm nghiệp kết hợp phát triển du lịch sinh thái: Do điều kiện tự nhiên thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, dành khoảng 24.385 ha cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu phát triển vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái.
- Xem và tải về toàn văn quyết định phê duyệt quy hoạch huyện Củ Chi TẠI ĐÂY.
- Cập nhật quy hoạch sử dụng đất huyện Củ Chi TẠI ĐÂY.