Huyện Nga Sơn là huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Thanh Hoá, thành phố Thanh Hóa khoảng 40 km về phía Đông Bắc, cách quốc lộ 1A khoảng 14 km về phía Đông và cách Thủ đô Hà Nội khoảng 120 km về phía Nam, có phạm vi ranh giới như sau: phía Bắc giáp huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; phía Nam giáp huyện Hậu Lộc; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp với huyện Hà Trung và Thị xã Bỉm Sơn.
Tại thời điểm lập Quyết định số 1625/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 11 tháng 5 năm 2020; huyện Nga Sơn có 27 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn huyện và 26 xã. Hiện trạng diện tích tự nhiên vùng huyện Nga Sơn là 15.782 ha; hiện trạng đất xây dựng đô thị 288,62 ha. Dự báo quỹ đất xây dựng đến năm 2025 khoảng 3.878 ha; đến năm 2035 quỹ đất xây dựng khoảng: 3.920 ha, trong đó đất xây dựng đô thị năm 2025 khoảng 600 ha và năm 2035 khoảng 1.078 ha.
Huyện Nga Sơn định hướng phát triển không gian theo 4 tiểu vùng:
- Vùng 1: Vùng khai thác và bảo vệ cảnh quan phát triển du lịch sinh thái tâm linh phía Bắc – Đông Bắc: bao gồm các xã Nga Thiện, Nga Giáp, Nga Điền, Nga Phú, Nga An; lấy đô thị Điền Hộ (Nga Điền) là hạt nhân – trung tâm dịch vụ thương mại phía Bắc, đô thị du lịch sinh thái; định hướng phát triển du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái tâm linh gắn với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên (dãy núi Tam Điệp, sông Hoạt) dựa trên thế mạnh về các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, di tích lịch sử tôn giáo.
- Vùng 2: Vùng phát triển đô thị trung tâm: bao gồm thị trấn Nga Sơn mở rộng (thị trấn Nga Sơn cũ sáp nhập thêm 2 xã Nga Mỹ, Nga Hưng), đô thị Hói Đào (Nga Liên) và các xã lân cận: Nga Văn, Nga Yên, Nga Trung, Nga Thanh, Nga Thành, Nga Hải. Đây là hạt nhân trung tâm của toàn vùng, tập trung phát triển đô thị với cac chức năng là trung tâm hành chính, văn hóa, xã hội dọc theo tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 217. Định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông – thủy hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, dịch vụ thương mại du lịch kết nối cơ sở hạ tầng giao thông của huyện với các tuyến quốc lộ, cao tốc và địa phương lân cận tạo điều kiện cho mở rộng giao thương và thu hút đầu tư.
- Vùng 3: Vùng phát triển du lịch, các ngành kinh tế biển và nông nghiệp, dịch vụ phía Đông: bao gồm các xã Nga Thái, Nga Tiến, Nga Tân, Nga Bạch, Nga Thủy. Định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven biển và các ngành kinh tế biển (đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản); phát huy những lợi thế, thế mạnh về các di sản văn hóa, các làng nghề và cảnh quan tự nhiên để phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm gắn với tuyến đường bộ ven biển. Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với vùng chuyên canh cây trồng thế mạnh tại địa phương (cói,…).
- Vùng 4: Vùng phát triển nông nghiệp và dịch vụ phía Tây – Tây Bắc: bao gồm các xã Nga Vịnh, Nga Trường, Ba Đình, Nga Thắng, Nga Phượng (Nga Nhân sáp nhập với Nga Lĩnh), Nga Thạch. Định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, thương mại dịch vụ, hình thành các điểm dân cư tập trung gắn với sản xuất CN-TTCN và các điểm dịch vụ thương mại, dịch vụ nông lâm nghiệp nông thôn.
Xem thêm quy hoạch sử dụng đất huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. TẠI ĐÂY.
Xem thêm quy hoạch sử dụng đất huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. TẠI ĐÂY.
Xem thêm quy hoạch sử dụng đất huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. TẠI ĐÂY.