Như Việt Nam Mới đã thông tin, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, trong thời gian từ 15/6 đến 15/10, toàn bộ các hoạt động nạo vét luồng, tận thu sản phẩm bị cấm trên tuyến sông Hồng, sông Đuống thuộc địa phận TP Hà Nội. "Lệnh cấm" này nhằm tránh gây sạt lở, đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 vừa qua, nhóm phóng viên Việt Nam Mới thường xuyên di chuyển trên sông Hồng (đoạn Hà Nội – Hưng Yên) đã phát hiện rất nhiều tàu thuyền khai thác cát trái phép.
Trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9, phóng viên rất dễ dàng phát hiện các tàu thuyền khai thác cát trái phép trên sông Hồng. |
Có thể kể đến một số địa điểm thường xuất hiện “cát tặc” như: Đoạn sông Hồng chảy qua xã Chu Phan (Mê Linh), xã Liên Hà, Liên Hồng (huyện Đan Phượng), bến Chèm, chân cầu Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm), phường Lĩnh Nam, Trần Phú (Hoàng Mai), Đông Dư, Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức (Gia Lâm), Văn Giang (Hưng Yên), Hồng Vân (Thường Tín)…
Theo tìm hiểu của phóng viên, “cát tặc” thường hoạt động vào buổi tối, đặc biệt là khoảng gian từ 22h00 đêm tới 6h00 sáng hôm sau.
'Cát tặc' lộng hành sông Hồng trong đêm bất chấp lệnh cấm
Khi màn đêm buông xuống, hàng chục tàu thuyền các loại nườm nượp khai thác, vận chuyển cát như đang có “đại công trường” trên ... |
Hầu như bất cứ đêm nào đi dọc khúc sông này, nhóm phóng viên đều phát hiện những chiếc tàu sang mạn, tàu hút và vận chuyển cát hoạt động. Có những địa điểm, chúng tôi nhận thấy có ít nhất 40 tàu sang mạn, tàu hút và vận chuyển cát hoạt động tấp nập như một thành phố nổi trên sông.
"Cát tặc" thường lộng hành vào ban đêm tới sáng sớm. |
Không chỉ “lộng hành” vào ban đêm, nhiều trường hợp còn ngang nhiên khai thác cát trái phép giữa ban ngày.
Điển hình, lúc 13h00 ngày 14/9, chúng tôi phát hiện hai tàu cuốc đang nổ máy ầm ầm khai thác cát tại khu vực bến đò Chu Phan, thuộc địa bàn huyện Mê Linh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hai chiếc tàu nói trên là của Công ty Tiền Giang. Công ty này không được cấp phép để đưa máy móc xuống lòng sông Hồng, mà chỉ được hoạt động trên bãi nổi.
Sau khi ghi lại hành vi vi phạm, tới 14h00, nhóm phóng viên đã thông báo sự việc tới ông Đỗ Văn Chuẩn – khi đó còn là Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát (TTKS) số 1, Phòng Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Công an TP Hà Nội để đơn vị này tới xử lý.
Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau, phóng viên vẫn không thấy sự xuất hiện của cơ quan chức năng. Trong khi đó, hai chiếc tàu cuốc vẫn ngang nhiên hoạt động, các tàu vận chuyển liên tiếp đỗ sát vào sát tàu cuốc để “nạp” đầy cát rồi chạy ra.
Ít nhất hai chiếc tàu cuốc của Công ty Tiền Giang ngang nhiên khai thác cát trái phép tại khu vực bến đò Chu Phan, Mê Linh vào ngày 14/9. |
Trước tình hình này, phóng viên đã liên hệ với một lãnh đạo Công an TP Hà Nội. Vị lãnh đạo này cho biết sẽ lập tức chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý. Chưa tới 5 phút sau cuộc gọi của phóng viên với lãnh đạo Công an thành phố, các tàu cuốc của Công ty Tiền Giang đã ngừng hoạt động khai thác.
Tới hơn 15h00, tổ công tác của Đội TTKS số 1 tới hiện trường. Trực tiếp ông Đỗ Văn Chuẩn cũng tới kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên quan điện thoại, ông Chuẩn cho biết, hai chiếc tàu cuốc này bị hỏng nên chủ phương tiện dừng đỗ tại bến đò Chu Phan chứ không phải khai thác cát.
Lúc này, phóng viên thông tin với ông Chuẩn rằng đã ghi lại hình ảnh cho thấy hai chiếc tàu cuốc đang khai thác cát trái phép và sẵn sàng cũng cấp để tổ công tác xử lý. Tuy nhiên, ông Chuẩn không đề nghị phóng viên cung cấp hình ảnh chứng minh hành vi vi phạm của hai chiếc tàu cuốc.
Không đồng tình với cách kiểm tra, xử lý của Đội TTKS số 1 nên sau đó phóng viên Việt Nam Mới đã phản ánh toàn bộ sự việc diễn ra tại bến đò Chu Phan cùng nhiều tài liệu ghi lại được trong quá trình tìm hiểu về nạn “cát tặc” trên sông Hồng tới Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Tàu số hiệu TH05TQ.0564.H hút cát trái phép gần cầu Thăng Long vào rạng sáng 5/10. |
Nắm được thông tin, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan báo cáo, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép.
Nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, trong những ngày cuối tháng 9, tình hình khai thác cát trái phép đã giảm đi rõ rệt. Từ đầu tháng 10 tới nay, khi di chuyển trên trên sông Hồng thuộc địa bàn quản lý của Đội TTKS số 1 và Đội TTKS số 3 Phòng Cảnh sát đường Thủy Hà Nội, phóng viên gần như không phát hiện trường hợp khai thác cát trái phép nào.
Tuy nhiên, tại khu vực gần chân cầu Thăng Long, thuộc địa bàn quản lý của Đội TTKS số 2, phóng viên vẫn thường xuyên phát hiện một số tàu lén lút khai thác cát vào ban đêm. Điển hình, khoảng 2h30 sáng 5/10, phóng viên phát hiện chiếc tàu mang số hiệu TH05TQ.0564.H hút cát trái phép tại sát bờ sông Hồng, thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, cách chân cầu Thăng Long khoảng 500m.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Việt Nam Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cương – Phó trưởng Phòng CSĐT Hà Nội.
Ông Cương cho biết, trong những năm qua, Công an TP Hà Nội đã rất quyết liệt, thực hiện nhiều kế hoạch để dẹp nạn “cát tặc”. Rất nhiều trường hợp khai thác cát trái phép đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý nghiêm. Trong đó, nhiều trường hợp vi phạm đã được Phòng CSĐT bắt giữ, chuyển Phòng PC46 khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng liên quan.
Mặc dù vậy, khai thác cát trái phép và sai phép là vấn đề diễn biến phức tạp. “Vấn đề khai thác cát sai phép, trái phép trước đây đã diễn ra và sắp tới cũng không thể khẳng định tình trạng này không diễn ra được,” ông Cương thừa nhận.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cương, các đối tượng thường lợi dụng thời gian đêm tối, khi lực lượng cảnh sát không có mặt để khai thác cát trái phép.
Trong khi đó, lực lượng của Phòng CSĐT khá mỏng, lại quản lý tuyến sông dài. Do vậy, CSĐT không thể dàn lực lượng túc trực 24/24 ở mọi nơi trên sông. Hơn nữa, CSĐT không chỉ có nhiệm vụ bắt giữ các trường hợp khai thác cát, mà còn phải phân luồng giao thông, đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên sông, kiểm tra an toàn tại các bến đưa đón khách ngang sông…
Chính vì thế, chỉ một mình lực lượng của CSĐT thì rất khó để phát hiện, bắt giữ tất cả các trường hợp khai thác cát trái phép.
“Phòng CSĐT với số lượng người ít, quản lý địa bàn tuyến xa. Nhiều khi anh em nhận được tin báo có phương tiện khai thác cát trái phép nhưng khi lực lượng tới nơi thì hành vi vi phạm đã chấm dứt,” ông Cương cho hay.
Phó trưởng Phòng CSĐT Hà Nội cho biết thêm, cơ quan này đã tham mưu tới Ban Giám đốc Công an thành phố để triển khai nhiều biện pháp để chống nạn “cát tặc” trong thời gian tới. Trong đó, các quận, huyện có sông chảy qua cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép.
“Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố, chúng tôi đã tham mưu để làm sao việc đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật này phải được nhiều cơ quan phối hợp một cách đồng bộ.
Sắp tới, lực lượng của các quận, huyện có sông chảy qua được trang bị xuồng máy. Khi đó, quận, huyện cũng phải có trách nhiệm bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép, sai phép. Sau đó, Phòng CSĐT sẽ tới phối hợp xử lý. Có như vậy thì việc phát hiện, bắt giữ mới kịp thời và hiệu quả,” ông Cương nói.
Theo số liệu thống kê của Đội TTKS số 1, Phòng CSĐT Hà Nội, từ ngày 11/8 – 18/9, đơn vị này đã bắt giữ 11 trường hợp khai thác cát trái phép. Trong đó, Đội TTKS số 1 trực tiếp xử lý 7 trường hợp, bàn giao 4 trường hợp cho công an các quận, huyện của Hà Nội và công an các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc xử lý. Đối với Đội TTKS số 3, trong tháng 9, đơn vị này đã trực tiếp bắt giữ và xử lý 2 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính với số tiền hơn 103 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị nay còn phối hợp với Phòng PC49, PV11 bắt giữ 3 trường hợp, bàn giao cho Công an quận Hoàng Mai và Công an huyện Gia Lâm xử lý. Từ ngày 16/11/2015 tới ngày 30/9, Đội TTKS số 2 phối hợp với PC49 và các đơn vị liên quan bắt tổng số 33 vụ với 56 phương tiện khai thác cát trái phép và sai phép. Trong số 56 phương tiện này, Đội TTKS số 2 trực tiếp bắt và xử lý 20 phương tiện, xử phạt hành chính với số tiền hơn 501 triệu đồng. |