Kể từ khi kết hôn với ông xã người nước ngoài, Bằng Lăng gần như rút khỏi showbiz hoàn toàn. Cô chuyển sang Thái Lan định cư và sau đó tiếp tục là Mỹ. Do đặc thù công việc của chồng nên gia đình nhỏ thường xuyên phải di chuyển giữa các quốc gia. Hơn 10 năm xa quê, nhiều cái Tết không được ở bên cạnh mẹ và hội họp gia đình, Bằng Lăng bảo chị "thực sự nhớ Tết Việt Nam lắm rồi": Nhớ mùi pháo quyện trong khói hương trầm, nhớ những món ăn không nơi đâu có và nhớ cả các quy định nghiêm khắc trong 3 ngày Tết của mẹ...
Trong ngày đầu năm mới, mọi thành viên trong gia đình Bằng Lăng dành nhiều thời gian cho nhau.
- Ở nước Mỹ xa xôi, gia đình chị ăn Tết như thế nào?
-Tôi đã có 8 cái Tết không ở Việt Nam. Xa quê nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì nếp đón năm mới theo Âm lịch trong gia đình mình. Trước Tết một ngày, tôi mới đi chợ mua sắm để mọi thứ đều tươi, ngon. Hiện tại, nơi gia đình tôi sống cách chợ người khu người Việt hơi xa và đang là mùa đông. Những món đồ cho ngày Tết không phong phú như ở Việt Nam nhưng tôi quan trọng nhất là bàn thờ Phật phải thật đẹp và hoành tráng; hoa được chưng khắp nhà.
Tôi để lọ hoa ở hai bên Phật và mâm ngũ quả với các loại mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài; bánh chưng, bánh tét... Ở Việt Nam, các gia đình còn bày cả sung, nhưng bên đây không có. Tôi quan niệm rằng bàn thờ xinh đẹp sẽ mang đến nhiều may mắn và hai con của tôi nhìn thấy những hình ảnh đó sẽ ghi nhớ nhiều về phong tục truyền thống của người Việt. Các con không có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn hóa Việt nên tôi cố gắng để chúng nhìn thấy được càng nhiều càng tốt.
- Đã nhiều năm trôi qua, chị có nhớ cái Tết đầu tiên của mình ở xứ người diễn ra như thế nào?
- Đó là Tết năm 2010 và tôi vừa chuyển qua sống ở Thái Lan. Nền văn hóa giữa hai quốc gia rất giống nhau nên tôi không có nhiều bỡ ngỡ. Tôi cũng chưa thấy buồn mà ngược lại thấy thú vị vì lần đầu tiên phải tự lo mọi thứ. Khi sống ở Việt Nam, mẹ tôi luôn là người lo tất cả cho ngày Tết. Mẹ giỏi về tập tục, lễ nghi, cúng bái và nấu ăn rất ngon.
Những cái Tết của tôi ở Thái Lan đa phần đều vui, suôn sẻ. Nhưng mỗi lần nhìn thấy xác pháo, tôi nhớ Việt Nam kinh khủng. Có lần không chịu được, tôi đã đi một quãng đường rất xa để mua được bánh pháo dài 8m về đốt cho thỏa thích.
Hai con trai được mẹ hướng dẫn thực hiện nhiều tập tục truyền thống của người Việt.
- Thế còn Tết xa quê năm nào khiến chị 'ám ảnh' nhất?
- Chúng tôi chuyển qua Mỹ sống vào cuối năm 2013 và cái Tết đó là lần đầu tiên tôi thấy buồn nhất khi ở xa quê hương. Vì lúc đó, chúng tôi chưa mua được nhà, phải ở trong khách sạn và mọi thứ xung quanh với tôi quá mới mẻ, từ con người cho đến văn hóa, thời tiết. Công việc tất cả đều bừa bộn và cần phải giải quyết.
Ở khách sạn, tôi không nấu được các món ăn Việt và cũng chẳng biết đi đâu để mua đồ dùng cho ngày Tết. Năm đó, tôi chỉ chuẩn bị được một mâm trái cây nhỏ để cúng đón Giao thừa tượng trưng, nhưng vẫn tập cho các con chúc Tết và được nhận lì xì.
Tôi còn nhớ năm đó tuyết rơi nhiều lắm. Ông xã tôi bình thường vẫn nói chuyện về Tết truyền thống, vẫn hỏi han xem tôi đã chuẩn bị những gì, nhưng năm đó anh phải đi công tác suốt, chỉ có 3 mẹ con tôi ở trong khách sạn. Cảm giác sống ở Mỹ khác biệt hoàn toàn so với những gì tôi đã trải qua. Có lúc, tôi đã khóc vì cảm giác mình không thuộc về nơi này.
- Ngoài việc để các con nhìn thấy chị tự tay chuẩn bị cho ngày Tết, chị còn nói gì với con về những ngày đầu năm mới này?
- Hai con của tôi 8 tuổi và 6 tuổi. Tôi luôn kể cho con mình nghe về tập tục Tết cổ truyền của người Việt, sự tích bánh chưng, lễ cúng đưa ông Táo về trời, cúng cơm ông bà, cúng Giao thừa, xông nhà; hay giải thích cho con vì sao bày dưa hấu trong ngày Tết. Tôi dạy các con chúc Tết và tất nhiên, hai nhóc cũng luôn thích làm như thế để được nhận lì xì.
Các con tôi cũng thấy thú vị về tập tục xông nhà lấy hên và tạt nước vào nhà để được may mắn "tiền vô như nước, mọi việc trôi chảy, thuận buồm xuôi gió". Chúng được nghe mẹ kể nhiều nhưng chưa có dịp chứng kiến nên tôi cũng mong những năm sau, gia đình lớn của tôi sẽ được tụ họp đông đủ bên nhau vào ngày Tết để các con có thể học thêm nhiều hơn về tập tục truyền thống.
Các bé thích thú khi chúc Tết và được nhận lì xì từ mẹ.
- Liên quan đến Tết Việt còn có những điều kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới. Điều này được áp dụng trong gia đình chị hiện nay như thế nào?
- Tôi thực hiện trình tự đón năm mới theo những gì được mẹ chỉ dạy. Ở bên này, tôi cũng làm lễ đưa ông Táo về trời, nhưng không có cá chép vì hiện tại đang mùa đông, kiếm cá sống khó lắm. Sau đó là dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm ngũ quả, cặp dưa hấu, bánh chưng, bánh tét với bình hoa lộng lẫy, phong bao lì xì.
Tôi cũng căn đúng giờ Giao thừa ở Việt Nam để làm lễ cúng. Điều này khiến chồng tôi cứ trêu mãi rằng: "Sao em không làm theo giờ Mỹ?". Đồ cúng cho ngày 30 trong nhà tôi phải là đồ chay; còn các ngày khác tôi nấu thịt kho hột vịt, phá lấu, gỏi gà... Đặc biệt, ngày mùng 1 Tết, mọi người trong nhà sẽ ở bên nhau cả ngày, cùng ăn uống, tâm sự và dành thời gian cho nhau thật nhiều.
Chúng tôi cũng không bao giờ đi du lịch vào ngày Tết. Dịp Tết Tây và lễ Noel, chúng tôi đưa các con về Đức thăm ông bà nội; Tết Ta thì ở nhà của mình. Chồng tôi rất quan trọng chuyện giữ gìn nền nếp gia đình và đây là cơ hội một lần trong năm để cả nhà sum họp, các con được quấn quýt với ông bà.
- Trong những ngày đầu năm mới này, hầu hết mọi người đều nhớ đến người thân của mình. Chị nhớ đến ai?
- Đã gần 9 năm rồi gia đình lớn của tôi chưa có dịp họp mặt nhau ngày Tết vì mẹ tôi ở Việt Nam, tôi ở Mỹ, còn chị gái tôi sống tại Australia. Thời gian lại không thuận tiện để thu xếp gặp nhau vì hai con tôi phải đi học, tôi bận đi làm. Tôi nhớ mẹ và nhớ những cái Tết bên mẹ.
Mẹ tôi là một người cầu kỳ, khéo léo và tỉ mỉ. Từ ngày 29 Tết, bà đã tất bật nấu nướng tối mắt, bày biện đủ món để chưng trong nhà và cúng ông bà tổ tiên, cúng Phật... Mẹ còn làm riêng một bàn cúng chúa xuân ngoài trời.
Mỗi năm, mẹ quy định cho các con về màu sắc quần áo trong ngày Tết phải phù hợp với năm đó, nhưng đa phần đều là đồ màu đỏ. Sau Giao thừa, chúng tôi xếp hàng để nhận lì xì của mẹ, rồi được tạt nước cầu may; ai hợp tuổi sẽ chạy khắp các ngõ ngách trong nhà để xông đất. Xong các thủ tục ở nhà, chúng tôi lại cùng nhau đi chùa xin lộc.
Trong 3 ngày Tết, chị em tôi chỉ được quanh quẩn ở nhà. Nếu muốn đi chơi với bạn bè cũng phải đợi sang ngày mùng 4 Tết...
- Năm mới này, chị có mong muốn gì cho gia đình của mình?
- Tôi thật sự cũng rất nhớ không khí năm mới ở Việt Nam lắm rồi. Ông xã tôi sắp được chuyển công tác, hy vọng có thể đến sống ở một nước châu Á và khi đó, tôi sẽ đưa các con về ăn Tết với bà ngoại nhiều hơn. Mong ước của tôi chẳng có gì nhiều, chỉ muốn gia đình luôn ở bên nhau.