Báo cáo tài chính (Financial Statements) là gì? Những lưu ý khi sử dụng

Báo cáo tài chính (tiếng Anh: Financial Statements) được hiểu là hệ thống các bảng biểu, mô tả thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp.
shutterstock_1222427458

Hình minh họa. Nguồn: impactbnd

Báo cáo tài chính (Financial Statements)

Định nghĩa

Báo cáo tài chính trong tiếng Anh gọi là Financial StatementsBáo cáo tài chính phản ánh tổng hợp các số liệu tài chính quan trọng của doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định.

Hay có thể hiểu như sau:

Báo cáo tài chính là hệ thống các bảng biểu, mô tả thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của doanh nghiệp.

Phân loại

Theo chế độ tài chính hiện hành, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm:

- Bảng cân đối kế toán

- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

- Bản thuyết minh báo cáo tài chính

Những lưu ý khi sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp

Sau khi nghiên cứu nội dung của hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau đây khi sử dụng báo cáo tài chính:

- Thứ nhất: Báo cáo tài chính chỉ phản ánh những dữ kiện tài chính, chưa phản ánh đầy đủ các nguồn lực mà doanh nghiệp sử dụng. 

Chẳng hạn như Bảng cân đối kế toán mới chỉ phản ánh nguồn lực tài chính mà doanh nghiệp sử dụng để tạo ra kết quả hoạt động kinh doanh, trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp còn được tạo ra bởi các nguồn lực như trình độ đội ngũ lao động, vị trí địa lí thuận lợi, thương hiệu...

- Thứ hai: Số liệu trên báo cáo tài chính mới chỉ phản ánh theo giá gốc, không phản ánh theo giá thị trường. Trong khi hầu hết mọi quyết định quản trị lại tùy thuộc vào giá trị trường để làm căn cứ. 

Chẳng hạn như doanh nghiệp muốn bán một số tài sản để lấy tiền trả nợ thì số tài sản trên Bảng cân đối kế toán lại được phản ánh theo giá trị gốc, trong khi giá thị trường hiện hành mới là giá trị có thể sử dụng để đảm bảo cho nhu cầu thanh toán.

- Thứ ba: Các nhà quản lí có thể tác động vào những con số trên bản báo cáo tài chính nhằm đạt được một mục đích nào đó. 

Chẳng hạn nhà quản lí muốn thay đổi kết quả hoạt động kinh doanh có thể thay đổi phương pháp khấu hao tài sản cố định, thay đổi phương pháp tính giá vốn hàng bán, thay đổi mức trích lập dự phòng...

- Thứ tư: Lạm phát có thể ảnh hưởng đến giá trị thực của tài sản và hiệu quả công ty. 

Khi một công ty đạt được tỉ suất lợi nhuận cao cũng chưa hoàn toàn là làm tăng giá trị của chủ sở hữu, điều đó còn tùy thuộc vào mức độ trượt giá do lạm phát như thế nào. Nếu lạm phát cao thì cho dù có đạt được lợi nhuận cũng có thể cho chủ sở hữu bị tổn thất giá trị tài sản. Vì vậy, con số trên báo cáo tài chính cần lưu ý là chưa tính đến ảnh hưởng của lạm phát.

Kết luận

Sau khi nghiên cứu hệ thống báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, chúng ta cần chú ý rằng, mỗi một báo cáo đều có một tác dụng nhất định; nhưng vì mục tiêu của tài chính là tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, nên mối quan tâm lớn nhất đối với nhà quản trị tài chính là hiểu và xác định được dòng tiền thực tế chứ không phải là lợi nhuận kế toán, vì mọi quyết định tài chính đều dựa trên dòng tiền sau thuế. 

Chính vì vậy, để đưa ra quyết định tài chính hiệu quả thì nhà quản trị tài chính cần thiết phải điều chỉnh, sắp xếp lại báo cáo tài chính phù hợp để xác định được dòng tiền có liên quan đến việc phân tích, đánh giá và ra quyết định tài chính. 

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính)

chọn