Bao giờ Grab thôi bị kiện?

Vụ kiện với Vinasun kết thúc chưa lâu thì mới đây, Grab tiếp tục bị tố cáo vi phạm...

Mới đây, một số hãng taxi và Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đã gửi công văn đến Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ, khẳng định Grab đã vi phạm quy định của Đề án thí điểm xe công nghệ khi liên tục mở rộng dịch vụ gọi xe ra các tỉnh thành phố. Công văn này cũng cho rằng việc trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe và quyết định giá cước vận tải được xem là kinh doanh vận tải ô tô, chứ không phải là phần mềm kết nối như cách Grab định nghĩa.

Bao giờ Grab thôi bị kiện? - Ảnh 1.

Vụ kiện với Vinasun kết thúc chưa lâu thì mới đây, Grab tiếp tục bị tố cáo vi phạm. (Ảnh: T.L)

Phản ứng lại nội dung này, phía Grab đã gửi công văn, yêu cầu Hiệp Hội Vận tải Ô tô Việt Nam đính chính thông tin. Vì theo Grab, các cáo buộc có phần "đánh tráo khái niệm". Doanh nghiệp này lập luận rằng Chính phủ đã nới rộng thời gian thí điểm Quyết định 24 do Bộ Giao thông Vận tải đang trong quá trình hoàn chỉnh Nghị định 86, và điều này đã được Chính phủ thông qua cho phép tiếp tục thí điểm.

Vì vậy, không thể đổ thừa cho Grab "phớt lờ" quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Grab cho rằng dường như các doanh nghiệp truyền thống đang gây “mập mờ” khái niệm giữa GrabTaxi và GrabCar. Điều này đang gây ra hiểu nhầm về mặt chính sách và là dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. 

Theo quy định, GrabCar được triển khai hoạt động tại Việt Nam trong khuôn khổ Đề án Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối và quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã được Bộ Giao thông Vận tải ban hành tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 (Quyết định 24) tại 5 tỉnh, thành phố được thí điểm theo Đề án 24 là: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Bao giờ Grab thôi bị kiện? - Ảnh 2.

Trong khi đó, dịch vụ GrabTaxi được hoạt động và mở rộng trên cả nước theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Với dịch vụ này, Grab là ứng dụng cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử và đã hoàn thành thủ tục đăng ký loại hình tương ứng có phạm vi hoạt động toàn quốc với Bộ Công Thương. 

Về phần quy định hoạt động kinh doanh vận tải, Grab cho rằng hoạt động này bao gồm nhiều công đoạn nên việc chỉ đưa hai công đoạn “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải”  thì đã là doanh nghiệp kinh  doanh vận tải là không hợp lý.

“Chúng tôi đề xuất cần quy định rõ ràng các khái niệm “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”; đồng thời, bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, giải thích.

Bao giờ Grab thôi bị kiện? - Ảnh 3.

Tiến sĩ Phạm Hoài Huấn, Giám đốc Công ty Tư vấn luật UNIBROS, cho rằng cần nhìn nhận việc xuất hiện của Grab trong thời gian qua là nhân tố khiến các doanh nghiệp vận tải thay đổi phương thức hoạt động cũng như tối ưu chi phí tốt hơn. Ở góc độ khác, với sức mạnh về tài chính và công nghệ, Grab đang tạo ra áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp trong nước, dẫn đến kiện tụng kéo dài. 

Vấn đề là điều này không phải là dấu hiệu tốt cho môi trường kinh doanh. “Các nhà đầu tư sẽ rất dè chừng khi rót vốn vào một thị trường mà luật pháp chưa sẵn sàng cho các mô hình công nghệ mới”, ông Huấn nhận định.

Trên thực tế, dòng vốn đầu tư vào công nghệ ở Việt Nam dù có tăng trong những năm qua nhưng tỉ trọng không tương xứng với tiềm năng. 

Cụ thể, theo số liệu được công bố từ Topica Founder Insitute (TFI), trong năm 2018, Việt Nam có 92 thương vụ startup được đầu tư với tổng số vốn đầu tư đạt 890 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, khả năng thu hút vốn đầu tư của các startup Việt còn khá khiêm tốn.

Xử lí những vụ việc như Grab, Chính phủ đứng trước hai lựa chọn: bảo vệ doanh nghiệp trong nước hay ủng hộ các dự án công nghệ của nước ngoài? Theo ông Huấn, cái khó trong việc này đó là Việt Nam khó mà tham chiếu được kinh nghiệm của nước ngoài. Bởi lẽ những ngành kinh doanh mới như Grab, Uber hay Airbnb đặt ra những thách thức cho các nhà lập pháp ở các nước những điều chưa từng có tiền lệ.

“Chính phủ phải xác định điểm tối ưu khi phải giải quyết bài toán về lợi ích giữa 2 nhóm lợi ích đối kháng nhau”, ông Huấn nói. 

Những doanh nghiệp như Grab đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức ép đổi mới đối các doanh nghiệp truyền thống. Tuy vậy, việc mở cửa một cách đột ngột sẽ làm cho các doanh nghiệp nội trở tay không kịp. Cho nên, đã đến lúc Chính phủ cân nhắc về một lộ trình mở cửa phù hợp.

“Bằng cách làm này, Việt Nam có thể đảm bảo việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ nhưng vẫn có thời gian cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư, chuẩn bị hoặc chuyển mình”, ông Huấn cho biết

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.