Theo ghi nhận của Dân trí, một thố súp bào ngư vi cá bán trên mạng thường có bào ngư, vi cá, chân ngỗng, hải sâm, bóng cá, sò điệp… Trong đó, bào ngư và vi cá là hai thành phần chính có giá đắt đỏ nhất.
Trong vai người mua súp bào ngư vi cá, chúng tôi liên hệ với nhiều trang mạng chuyên bán mặt hàng này. Một phần súp bào ngư vi cá gồm: 3 con bào ngư Úc, 1 miếng vi cá, 3 con sò điệp Nhật, 1 càng cua, sò điệp khô và nấm có giá khoảng 4 triệu đồng.
Nếu bào ngư Úc và sò điệp Nhật chỉ có 2 con thì giá là 3 triệu đồng/phần. Ngoài ra, khách hàng có thể mua những phần bào ngư vi cá với giá chỉ từ 2 – 2,7 triệu đồng/phần, tùy vào lượng nguyên liệu trong phần súp.
Khi PV hỏi một nhân viên bán bào ngư vi cá tại quận 7, TP HCM, rằng “Bào ngư nấu súp là bào ngư tươi hay bào ngư khô?”. Người nhân viên bán hàng khẳng định, bào ngư nấu súp là bào ngư tươi sống.
PV yêu cầu được tận mắt coi bào ngư sống dùng để nấu súp thì người nhân viên im lặng, không trả lời.
Tuy nhiên, theo nhiều dân buôn bào ngư lâu năm thì đa phần loại súp bào ngư vi cá bán trên mạng chủ yếu là bào ngư khô có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là loại bào ngư giá rẻ và khó kiểm định được về mặt dinh dưỡng.
Tiến sĩ Phạm Trọng Liêm Châu, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ hóa học và dầu khí (Đại học Bách Khoa TPHCM), cho biết hiện nay, nhiều trang mạng, nhà hàng bán bào ngư vi cá. Tuy nhiên, người dân rất khó nhận biết bào ngư tốt và bào ngư không tốt. Đây là điều rất thiệt thòi cho người tiêu dùng.
“Bào ngư có 4 dạng cơ bản là tươi sống, cấp đông, đóng lon và sấy khô. Rõ ràng bào ngư tươi sống là chất lượng tuyệt hảo nhất nhưng để giữ được cho bào ngư tươi sống trong quá trình vận chuyển là vấn đề vô cùng khó khăn. Bởi, bào ngư sau khi khai thác đã bị tổn thương cơ thể, yếu dần, suy dinh dưỡng và nhanh chết”, tiến sĩ Châu nói.
Theo tiến sĩ Châu, bào ngư đánh bắt lên và được cấp đông ngay thì chất lượng đảm bảo, tương đương bào ngư tươi sống.
Đối với bào ngư đóng lon thì hàm lượng dinh dưỡng và các protein sẽ bị biến tính trong quá trình gia nhiệt vì bào ngư phải nấu trong nhiệt độ từ 120 – 140 độ C. Bào ngư sẽ “biến” thành sản phẩm khác vì quá trình nấu có nhiều phản ứng xảy ra.
Riêng với bào ngư sấy khô thì quá trình sẽ diễn ra như sau: người dân đánh bắt bào ngư lên sẽ ngâm muối và nấu bào ngư trong 4 giờ đồng hồ. Sau đó, bào ngư được mang đi sấy khô và đóng gói.
“Trong quá trình làm bào ngư khô sẽ có những con bào ngư chết và bào ngư sống lẫn lộn. Bào ngư chết sẽ được “phù phép” bằng những chất hóa học chuyên tẩy rửa, khử mùi và sau đó nấu chung với bào ngư sống. Người tiêu dùng sẽ rất khó nhận biết khi bào ngư khô bán trên thị trường”, tiến sĩ Châu chia sẻ.
Cũng theo tiến sĩ Châu, còn một dạng bào ngư khác cũng rất nguy hiểm đối với người tiêu dùng, đó là loại bào ngư tươi bị chết trong quá trình vận chuyển dài ngày, sau đó bào ngư được thương lái mang đi cấp đông rồi tiếp tục bán ra thị trường. Đây là loại bào ngư nguy hiểm vì có nhiều chất độc hại sản sinh ra khi bào ngư chết, đặc biệt là chết trong thời gian dài.
“Người dân cần mua bào ngư ở những điểm kinh doanh có uy tín và được các cơ quan chức năng chứng nhận về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Bào ngư cần đạt được những tiêu chuẩn kiểm nghiệm như Eurofins hay Pasteur… Theo tôi, bào ngư muốn đảm bảo chất lượng và an toàn thì cần chế biến ở nhiệt độ thấp, thời gian nấu kéo dài”, tiến sĩ Châu phân tích.