Bất cập định mức chi phí quản lý dự án giao thông

Định mức chi phí QLDA giao thông đang áp dụng theo Quyết định 79/2017 của Bộ Xây dựng là quá thấp so với thực tế và bộc lộ nhiều bất cập.
avatar_1566651989915

Thi công dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán để ban hành một thông tư mới về việc điều chỉnh tăng định mức chi phí quản lý dự án (QLDA) đối với các công trình xây dựng, trong đó có các dự án thuộc lĩnh vực giao thông.

Dự án giao thông chi phí nhiều, định mức lại thấp nhất

Ban QLDA Thăng Long vừa đề xuất Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Xây dựng điều chỉnh tỷ lệ trích chi phí QLDA để đảm bảo phù hợp với tính chất công việc của công tác quản lý dự án các công trình giao thông. Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, định mức chi phí QLDA giao thông đang áp dụng theo Quyết định 79/2017 của Bộ Xây dựng là quá thấp so với thực tế và bộc lộ nhiều bất cập.

“Các dự án giao thông thường trải dài hàng chục km, các ban quản lý dự án phải đi lại nhiều, phải thuê văn phòng ở hiện trường… nhưng định mức chi phí QLDA lại thấp hơn rất nhiều so với các công trình dân dụng, nông nghiệp khi địa bàn công trình thường chỉ tập trung tại một khu vực, thậm chí một khu chung cư, đi lại thuận tiện”, ông Roãn chia sẻ.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong nhóm 5 loại công trình được Bộ Xây dựng công bố định mức chi phí QLDA tại Quyết định 79 gồm: Công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng kỹ thuật thì định mức QLDA của công trình giao thông được xếp loại thấp nhất. Tại quyết định này, chi phí QLDA của mỗi loại công trình được Bộ Xây dựng chia ra làm 12 bậc và tỷ lệ nghịch với chi phí xây dựng và thiết bị của công trình. Giá trị chi phí xây dựng và thiết bị của công trình càng cao, chi phí QLDA sẽ càng ít. Tuy nhiên, khi tham chiếu cùng giá trị chi phí xây dựng và thiết bị, chi phí quản lý của loại công trình giao thông được hưởng thấp hơn rất nhiều so với chi phí QLDA của các loại công trình khác.

Cụ thể, khi chi phí xây dựng và thiết bị của công trình ở mức 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí QLDA của công trình dân dụng là 1,18%, công trình công nghiệp (1,242%), công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (1,118%) và công trình giao thông là 1,056%. Tương tự, khi chi phí xây dựng và chi phí thiết bị tăng lên mức 10.000 tỷ đồng, chi phí QLDA của các loại được tính như sau: Công trình dân dụng (0,486%), công trình công nghiệp (0,512%), công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (0,461%) và công trình giao thông là 0,435%.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban QLDA 6 cũng cho rằng, quy định hiện hành về chi phí QLDA đối với các dự án giao thông hiện nay quá thấp và không đáp ứng được yêu cầu thực tế. “Một dự án giao thông từ lúc chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành quyết toán thường kéo dài 3 - 5 năm, còn dự án quy mô lớn phải trên 5 năm. Nếu một ban QLDA giao thông chỉ thực hiện quản lý một dự án, theo thống kê của chúng tôi sẽ không đủ bù đắp chi phí vì định mức quá thấp”, đại diện Ban QLDA 6 chia sẻ và đề xuất, cơ quan chức năng cần sớm xem xét điều chỉnh tăng định mức chi phí QLDA đối với loại công trình giao thông.

Đề xuất Bộ Xây dựng điều chỉnh phù hợp thực tế

4-1566494561-width1000height357

Ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh chi phí QLDA các dự án xây dựng công trình giao thông. Cụ thể, trong văn bản này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, các dự án xây dựng công trình giao thông có đặc thù trải dài theo tuyến, đi qua nhiều địa phương, khu vực địa chất, địa hình, khí hậu phức tạp. Mỗi dự án giao thông lại bao gồm nhiều loại hình công trình với quy mô, yêu cầu kỹ thuật khác nhau như: Cầu, hầm, đường bộ, nhà, chiếu sáng, thông tin tín hiệu.

“Do công trình trải dài theo tuyến và có nhiều đặc thù, công tác quản lý dự án của Ban QLDA phải thường xuyên thường trực ngoài công trường, nên ngoài trụ sở chính, mỗi dự án thường bố trí 2 -3 văn phòng hiện trường, phải sử dụng nhân sự và chi phí nhiều hơn so với các loại công trình khác”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Về thực trạng chi phí quản lý dự án, Bộ GTVT cho biết, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 79/2017 về định mức chi phí QLDA các dự án xây dựng công trình. Tuy nhiên, chi phí QLDA các dự án giao thông thấp hơn các loại công trình khác. Cụ thể, thấp hơn khoảng 17,5% so với công trình công nghiệp, thấp hơn khoảng 11% so với công trình dân dụng và thấp hơn khoảng 6% so với công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo Bộ GTVT, báo cáo của các ban QLDA và kết quả kiểm toán một số dự án cho thấy, kinh phí QLDA theo quy định của Bộ Xây dựng ban hành chưa đủ chi phí cho thực hiện đầy đủ các công việc QLDA, nên phải cắt giảm một số công việc, dẫn đến giảm hiệu quả công tác QLDA.

“Đặc biệt, chi phí QLDA tính theo Quyết định 79 mới đáp ứng được khoảng 55-65% so với thực tế đối với dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình đường sắt và khoảng 35% so với thực tế đối với dự án xây dựng đường sắt đô thị”, Bộ GTVT dẫn chứng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, hiện nay, Viện Kinh tế Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi định mức chi phí QLDA, trong đó có các dự án giao thông.

“Chúng tôi đang tính toán xây dựng một thông tư mới về định mức chi phí QLDA đối với các công trình xây dựng theo hướng điều chỉnh tăng định mức chi phí QLDA ở một số lĩnh vực, đặc biệt là đối với các dự án giao thông theo chuyên ngành, khu vực. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng sẽ đề nghị các đơn vị rà soát lại bộ máy, con người của các ban QLDA vì hiện có quá nhiều các ban QLDA”, ông Cư chia sẻ.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.