Công an làm việc với khách hàng của Alibaba

Nhiều khách hàng là nạn nhân của Công ty Alibaba cầu cứu công an sau khi bị lừa mua đất tại các dự án "ma" của công ty này

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, trong 2 ngày qua, cơ quan Công an TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... bắt đầu gửi thư mời một số khách hàng mua đất của Công ty CP Địa ốc Alibaba (viết tắt là Công ty Alibaba) lên làm việc để làm rõ phản ánh liên quan đến các dự án "ma" mà công ty này đang rao bán. Việc rà soát, làm rõ các sai phạm của Công ty Alibaba cũng đang được công an các tỉnh khẩn trương triển khai.

Có dấu hiệu lừa đảo

Trước đó, một trong những nạn nhân được Công an quận Thủ Đức, TP HCM mời lên làm việc là vợ chồng chị N. và anh P. (ngụ quận 4, TP HCM). Anh P. là người bị nhân viên bảo vệ Công ty Alibaba hành hung ngay tại trụ sở chính của công ty ở đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức vào ngày 22-7. Không chỉ làm rõ việc mua đất dự án, việc mời anh P. lên làm việc nhằm củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc nói trên.

Công an làm việc với khách hàng của Alibaba - Ảnh 1.

Sau vụ cưỡng chế dự án của Công ty Alibaba ở Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 13-6, công an các tỉnh tiếp tục mạnh tay xử lý vi phạm của công ty này. (Ảnh: BÍCH NGỌC).

Chị N. cho biết tháng 8-2018, vợ chồng chị ký hợp đồng mua miếng đất hơn 100 m2 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Công ty Alibaba rao bán với số tiền gần 500 triệu đồng. Vợ chồng chị N. thanh toán cho Công ty Alibaba 8 đợt và khi thanh toán được khoảng 95% thì phát hiện công ty này rao bán dự án không minh bạch nên đòi lại tiền, bồi thường theo hợp đồng đã ký kết. Thế nhưng, tiền không những không lấy được mà anh P. còn bị nhóm bảo vệ công ty này hành hung gây thương tích.

Công an làm việc với khách hàng của Alibaba - Ảnh 2.

Khách hàng tập trung tại trụ sở Công ty Alibaba (quận Thủ Đức, TP HCM) để nghe quảng cáo về dự án mới. (Ảnh: SỸ HƯNG).

Trong lúc chờ công an mời lên làm việc, thời gian qua, 2 nạn nhân khác của Công ty Alibaba là ông Nguyễn Phú Quý và bà Làm A Lìn gửi đơn cầu cứu khắp nơi tố công ty này lừa đảo. Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP HCM, đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Phú Quý và bà Làm A Lìn) cho biết 2 người đầu tư vào 4 lô đất thuộc dự án Alibaba Center City 5, tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty Chiến Thắng (được cho là công ty con của Công ty Alibaba). Sau khi thanh toán 4 đợt với số tiền hơn 1 tỉ đồng, 2 người này phát hiện dự án đang bị cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép nên tìm cách liên hệ công ty này để thu lại lợi nhuận theo hợp đồng đã ký kết. Dù vậy, Công ty Alibaba không có thiện chí giải quyết.

Bà Lìn còn tố cáo Công ty Alibaba tự làm giả chữ ký của bà để tất toán các khoản tiền liên quan và ký 7 hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi ngày 3-12-2018 với Công ty CP Địa ốc Tia Chớp (được cho là công ty con của Công ty Alibaba; đóng tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Bà Lìn cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền cầu cứu và tố cáo hành vi làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Alibaba.

Thu lợi ngàn tỉ đồng

Đại diện Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận Công an tỉnh đã chỉ đạo rà soát toàn bộ tính pháp lý các dự án, hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất đai và mời làm việc những người mua bán đất của Công ty Alibaba trên địa bàn.

Trước đó, qua làm việc với công an vào tháng 10-2018, bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, đại diện theo ủy quyền của Công ty Alibaba, đã cung cấp thông tin từ ngày 23-4-2017 đến 9-10-2018, Công ty Alibaba đã triển khai 7/8 dự án tại thị xã Phú Mỹ và nhận góp vốn đầu tư của hàng ngàn khách hàng với tổng cộng 3.333 nền đất, thu về hơn 771 tỉ đồng (có danh sách khách hàng công ty cung cấp nhưng không có địa chỉ).

Cụ thể, tại dự án Alibaba Tân Thành Center City 1, Công ty Alibaba phân phối 346 nền, thu về hơn 102 tỉ đồng; dự án Alibaba Tân Thành Center City 2 phân phối 468 nền thu về hơn 108 tỉ đồng; dự án Alibaba Tân Thành Center 3 phân phối 161 nền, thu về hơn 38 tỉ đồng; dự án Alibaba Tân Thành Center 4 phân phối 137 nền, thu về hơn 41 tỉ đồng; dự án Alibaba Tân Thành Center 5 phân phối 291 nền, thu về hơn 128 tỉ đồng; dự án Alibaba Tân Thành Center đã phân phối 642 nền, thu về hơn 177 tỉ đồng. "Khủng" nhất là dự án Alibaba Tân Thành Center 6 phân phối 1.306 nền, thu về hơn 203 tỉ đồng. Đến thời điểm này, các dự án trên đã bị cơ quan chức năng phong tỏa, cấm giao dịch mua bán.

Trong khi đó, tại Bình Thuận, trong 2 ngày qua, một số cá nhân là người dân trong tỉnh này đã được Công an tỉnh gửi giấy mời triệu tập. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc có 3 cá nhân tố cáo Công ty Alibaba sau khi đã đặt cọc từ 30%-50% số tiền theo giá trị hợp đồng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 2 dự án của Công Alibaba là dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City (xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân) và dự án Ali Venice City (xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân). Đối với dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City, Công an tỉnh Bình Thuận xác định các cơ quan chức năng của tỉnh chưa ban hành văn bản nào liên quan đến chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng dự án của Công ty Alibaba. Việc Công ty Alibaba rao bán đất nền là không đúng thực tế và không đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, nhà ở. Qua kiểm tra của ngành chức năng và chính quyền địa phương, tại dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City chỉ là khu đất trồng cây keo lá tràm, đang khai thác, chưa tác động gì đến việc san lấp mặt bằng, do ông Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989; trú xã Tân Sơn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) nhận chuyển nhượng lại của 3 hộ dân. Hiện tại, UBND xã Thắng Hải đã treo biển để cảnh báo các hộ dân cảnh giác, không bị mắc lừa việc mua bán đất nền của Công ty Alibaba.

Đối với dự án Ali Venice City, tỉnh Bình Thuận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra. Khu đất dự án này trước đó là một trang trại, diện tích khoảng 200 ha, thuộc sở hữu của một người dân ở ngoài tỉnh Bình Thuận. Lãnh đạo xã Tân Phúc xác nhận diện tích đất này hoàn toàn là đất nông nghiệp.

Ông Cao Sơn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, khẳng định các dự án liên quan đến Công ty Alibaba ở Bình Thuận đều là trái phép. Sở sẽ phối hợp các ngành chức năng làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm. 

Sau khi có nhiều khách hàng đến đòi quyền lợi, cũng như trước việc công an mời các nạn nhân lên làm việc, ngày 22-8, Công ty Alibaba đã ra thông báo “hỗ trợ chính sách đầu tư” với nội dung: Thanh toán 30%, trả góp 3 triệu đồng/tháng; cam kết thu mua 12%/6 tháng cho khách hàng và CB-CNV theo danh sách công ty đã cập nhật.

Chuyển Bộ Công an 3 doanh nghiệp liên quan đến Công ty Alibaba

Liên quan đến hoạt động của Công ty Alibaba tại tỉnh Đồng Nai, Cục Thuế tỉnh này cho biết qua kiểm tra thuế đã phát hiện 10 công ty kinh doanh bất động sản nghi có mối liên hệ với hoạt động của Công ty Alibaba. Trong số này, hồ sơ của 3 công ty đã được chuyển cho Bộ Công an. Bảy doanh nghiệp còn lại đều có các thông báo về đăng ký thuế, in hóa đơn chung một địa chỉ với Công ty Alibaba ở quận Thủ Đức, TP HCM nhưng 2 năm qua không phát hành hóa đơn, không có doanh thu. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp không hoạt động chính thức, song vẫn có báo cáo định kỳ nên ngành thuế đang tiếp tục theo dõi để có hướng xử lý.

Liên quan đến vụ việc, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thông tin sở đã nhận được văn bản của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc đề nghị cung cấp hồ sơ toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan Công ty Alibaba để tiếp tục làm rõ 29 "dự án" của công ty này nằm ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Xuân Lộc.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.