Chiến lược kinh doanh mới của Alibaba: Bán hàng online cho vùng nông thôn

Tập đoàn Alibaba đã có doanh thu tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, nhờ thâm nhập vào các khu vực kém phát triển. Điều này thể hiện khả năng thích nghi của "gã khổng lồ thương mại điện tử" Trung Quốc, bất chấp môi trường đầy thách thức.

Doanh thu ấn tượng bất chấp bối cảnh kinh tế tiêu cực

Alibaba đã dần dần chiếm lĩnh thị phần của hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp là JD.com và Pinduoduo tại Trung Quốc. Trong báo cáo quý II/2019, mảng bán lẻ trực tuyến của công ty, hoạt động tạo ra gần như toàn bộ lợi nhuận, đã tiếp cận tới 674 triệu người tiêu dùng, tăng gần 20% so với năm ngoái.

Kết quả mạnh mẽ của Alibaba đã được phát đi chỉ một ngày sau khi tập đoàn Internet khổng lồ Tencent Holdings - sở hữu Pindoudou, công bố mức doanh thu kém ấn tượng, còn nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc - Baidu đánh mất vị thế là một trong năm công ty công nghệ hàng đầu của xứ tỉ dân.

105912345-1557846366021gettyimages-1091456116

Alibaba vẫn tăng trưởng bất chấp kinh tế Trung Quốc khá ảm đạm. (Ảnh: CNBC).

Doanh thu lũy kế của Alibaba tăng 42%, lên 114,92 tỉ nhân dân tệ (16,7 tỉ USD), vượt mức 111,73 tỉ nhân dân tệ được các nhà phân tích dự đoán. Cổ phiếu của hãng được niêm yết ở thị trường New York đã cũng đã tăng hơn 5%.

Việc mở rộng cơ sở khách hàng của mình đã giúp Alibaba vượt qua đà đi xuống của kinh tế của Trung Quốc trước những "cơn gió ngược" từ cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.

Thành công nhờ về nông thôn

Sự gia tăng doanh thu nhìn chung được thúc đẩy bởi hoạt động kinh doanh thương mại cốt lõi, tăng 44%. Mảng kinh doanh này, bao gồm các thị trường trực tuyến Taobao và Tmall, cũng như các hoạt động "bán lẻ mới" như chuỗi cửa hàng tạp hóa Hema, phát triển nhờ vào sự mở rộng tại các khu vực nông thôn của Trung Quốc, nơi trước đây là "thị trường độc tôn" của Pinduoduo.

Giám đốc điều hành của công ty, Daniel Zhang, đã gọi "thâm nhập thành công vào các khu vực kém phát triển" là điều tuyệt vời nhất trong số các thành tựu của tập đoàn trong quý II năm 2019.

https___s3-ap-northeast-1

CEO của Alibaba - Daniel Zhang tại buổi họp báo. (Ảnh: Yuki Kohara).

Hơn 70% lượng khách hàng gia tăng so với năm ngoái của Alibaba đến từ các khu vực này. Lãnh đạo của hãng cho rằng, điều đó phản ánh các sáng kiến của doanh nghiệp đã "chạm vào một cơ sở người dùng rộng lớn hơn".

Ví dụ rõ ràng nhất, vào ngày hội mua sắm giữa năm 18/6 vừa qua, doanh số bán hàng vượt quá dự đoán của công ty. Trong đó, số lượng người mua tại các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn chiếm đa số.

Các chiến dịch quảng bá, khuyến mại của công ty liên tục được thực hiện. Theo Nikkei, với "túi tiền sâu", Alibaba cho phép giảm giá hàng bán mà không cần quá quan tâm đến lợi nhuận, mục tiêu là thu hút được càng nhiều sự chú ý của người tiêu dùng càng tốt.

Việc mở rộng doanh thu tại những khu vực kém phát triển giúp cho công ty của tỉ phú Jack Ma có thể cạnh tranh với Pindoudou. Đồng thời, điều này mang tới những tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp, khi triển vọng tăng trưởng của Alibaba bị đe dọa bởi sự bão hòa của thị trường thương mại điện tử đô thị đang dần phủ bóng.

Nuôi dưỡng lĩnh vực tăng trưởng mới

Bên cạnh mở rộng kênh bán nông thôn, Alibaba đang tập trung vào việc "nuôi dưỡng các lĩnh vực tăng trưởng mới".

Mô hình kết hợp mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến có tên Hema được mô tả là "một chuỗi cửa hàng tạp hóa, cung cấp nhanh chóng các sản phẩm tươi sống, như các cửa hàng tự động, nhưng hỗ trợ khách hàng mua online qua ứng dụng mà Alibaba cung cấp". 

Hình thức "bán lẻ mới" này ghi nhận mức tăng trưởng 134%.

https___s3-ap-northeast-1

Alibaba "thâm nhập" vào thị trường nông thôn của Trung Quốc bằng nhiều hình thức. (Ảnh: Reuters).

"Người tiêu dùng Trung Quốc có một yêu cầu vô cùng đặc biệt: Chiều chuộng tôi hoặc không," Michael Zakkour, Phó Chủ tịch tại khu vực châu Á, phụ trách chiến lược kĩ thuật số của công ty tư vấn Tompkins International, cho biết.

"Bán lẻ mới mang lại sự tập trung cho người tiêu dùng, bên cạnh đó là sự tiện lợi và khả năng tùy biến - giúp họ cải thiện trải nghiệm mua sắm", ông Zakkour nói. "Nó cho phép người mua quyết định nơi, thời gian và cách mua sắm. Đó là cách bạn làm hài lòng khách hàng".

Ngoài ra, Alibaba cũng phát triển mạnh cả phương thức giao hàng nhanh theo yêu cầu. Nền tảng Ele.me của họ, cạnh tranh với Meituan-Dianping,có tốc độ tăng trưởng doanh thu vô cùng ấn tượng, lên tới 137%.

Người dân có lợi, nhà cung cấp lo ngại

Đứng về phía người tiêu dùng nông thôn, việc các sản phẩm của Alibaba được chào mời rộng rãi giúp cho họ có nhiều sự lựa chọn hơn. Đó là chưa kể, sàn thương mại điện tử này còn có nhiều lợi thế như hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, cung cấp khả năng thanh toán rộng rãi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu Trung Quốc này mở rộng sang nhóm đối tượng khách hàng khác có thể gây hại tới các công ty cùng ngành, và tạo ra một cuộc cạnh tranh không công bằng.

Sự thống trị ngày càng tăng của Alibaba cũng khiến các nhà cung cấp lo lắng về cách tiếp cận trong quan hệ khách hàng.

Thông thường, các doanh nghiệp bán trên nền tảng Tmall của Alibaba phải chịu khó xây dựng mối quan hệ tích cực với "titan" thương mại điện tử này. 

"Nếu họ không đưa ra các điều khoản có lợi về giá cả và các chương trình khuyến mãi, chúng tôi sẽ bị chôn vùi dưới vô số sản phẩm và không thể thu hút sự chú ý của người dùng", một nhà sản xuất cho biết.

Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ, mà ngay cả những "ông lớn" cũng tỏ ra không hài lòng với Alibaba. Galanz, Tập đoàn có trụ sở tại Quảng Đông và cũng là nhà sản xuất lò vi sóng lớn nhất thế giới, cho biết Alibaba đã từng yêu cầu họ phải gỡ bỏ sản phẩm tại Pindoudou - sàn thương mại của "đối thủ" Tencent.

Galanz khi đó từ chối việc lựa chọn giữa hai nền tảng, kết quả là họ đã không được bán tại sàn Tmall của Alibaba vào ngày hội mua sắm giữa năm 18/6.

Trước đó, vào năm 2015, Fast Retailing, nhà điều hành chuỗi cửa hàng thời trang cơ bản Uniqlo đến từ Nhật, đã rút các sản phẩm tại JD.com chỉ sau ba tháng trên trang web. Lí do, được các nhà phân tích xác định là, Uniqlo cũng có sự hiện diện trên Tmall, và đơn vị này có thể đã gây áp lực buộc hãng thời trang Nhật Bản phải gỡ bỏ.

Gần nhất, vào tháng 7, một nhà sản xuất hàng gia dụng lớn đã lên kế hoạch thành lập cửa hàng trên Pinduoduo, nhưng đã sớm từ bỏ ý tưởng này trước sự phàn nàn của Galanz.

 "Nếu Alibaba nói, bán với giá rẻ hơn ở bất kỳ nơi nào khác', bạn không thể từ chối", đại diện của công ty chia sẻ.