Các nhà máy dọc bờ biển phía Đông, các nhà chế biến cá ở vùng biển phía Nam, các nhà xuất khẩu nước táo ở khu vực miền Trung, hay những nông dân ở phía Bắc của Trung Quốc đang cố gắng học cách thích nghi, hoặc đơn giản là sống sót khi chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường kinh tế của thế giới vẫn đang không ngừng leo thang.
Họ buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh, cũng như phải giải các bài toán liên quan đến chi phí. Những khó khăn về thương mại đang phủ bóng nên các đơn vị kinh tế của Trung Quốc, từ những tổ chức quy mô nhỏ đến những tập đoàn lớn.
"Điều này đã tác động đến tất cả các nhà xuất khẩu của chúng tôi, khi thuế quan gần như không loại trừ bất kì mặt hàng nào", một giám đốc bán hàng tại Shaanxi Hengtong Fruit Juice, nói với AFP.
Xuất khẩu nước ép táo của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm 93% trong nửa đầu năm, kể từ khi Tổng thống Trump áp dụng mức thuế quan vào tháng 9 năm ngoái.
Nước ép trái cây Shaanxi Hengtong, đơn vị gần như xuất khẩu tất cả các sản phẩm của mình ra nước ngoài, và một số công ty con đã phải cầm cố cổ phiếu làm tài sản thế chấp cho các khoản vay vào năm ngoái.
Ngành công nghiệp chế biến cá cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trung Quốc là nhà cung cấp chính cá rô phi đông lạnh cho thị trường Mỹ, nhưng những mặt hàng xuất khẩu này cũng giảm mạnh trong năm nay và người nuôi cá đã buộc phải hướng vào thị trường nội địa.
Xuất khẩu nước ép táo của Trung Quốc giảm sâu kể từ đầu năm. (Ảnh: AFP).
"Hoa Kỳ đang tận dụng vị thế thị trường của mình và 'chèn ép' nhiều nhà cung cấp cá rô phi Trung Quốc.", đại diện Liên minh cá rô phi Hải Nam cho biết. "Cuộc chiến thương mại đang được tạo ra để 'đè bẹp' ngành công nghiệp sản xuất".
Các nhà kinh doanh đang cố gắng tăng doanh số bán trong nước, tuy nhiên sự khác biệt về thị hiếu là điều khiến cho họ gặp rất nhiều khó khăn.
"Cá rô phi đã từng bán rất chạy ở Mỹ vì nó được tẩm bột và nấu chín. Tuy nhiên, với những khách hàng trong nước, nó... khá là nhạt nhẽo. Người tiêu dùng Trung Quốc thích cá tươi hơn", Even Pay, một nhà phân tích nông nghiệp tại công ty tư vấn Trung Quốc, cho biết.
Nhà chế biến cá Zhaoqing Evergreen Aquatic, gần đây cũng đã trang bị thêm cho nhà máy mùa đông này để tập trung vào thị trường nội địa.
"Chúng tôi đã giảm giá cho thị trường Mỹ để dễ bán hơn, đồng thời để trang trải sự ảnh hưởng từ mức thuế mới", Andy Zhou, đại diện của Anyton nhà sản xuất radio cầm tay.
Xuất khẩu radio sang Mỹ đã giảm tới gần 7 lần, xuống chỉ còn 33 triệu đôla trong sáu tháng đầu năm, từ mức 230 triệu đôla một năm trước đó. Zhou cho biết công ty của mình cũng đang tìm kiếm các thị trường tại châu Á và châu Âu để tăng doanh số.
Một số nhà sản xuất đang gặp khó khăn, đã buộc phải áp dụng các biện pháp "quyết liệt" để tránh thuế quan của Mỹ như chuyển đổi mã hải quan. Một số sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, được dán nhãn của các quốc gia khác, trước khi xuất khẩu trang thị trường Hoa Kỳ.
Xuất khẩu hàng điện tử của Trung Quốc cần tìm hướng đi mới để cứu vãn doanh số thấp kỉ lục. (Ảnh: AFP).
Các công ty khác đã dùng đến phương pháp tạm nhập tái xuất hàng hóa, thông qua nước láng giềng Việt Nam, để các sản phẩm này được coi như được sản xuất tại đây. Giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương Việt Nam đã công bố một số tiêu chí để hàng hóa được coi là "Made in Vietnam": phải được sản xuất chủ yếu hoặc đầy đủ trong nước, hoặc chứa một phần đáng kể các nguyên liệu có nguồn gốc địa phương.
Ngoài ra, một biện pháp khác mà nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng để tồn tại sau chiến tranh thương mại là chuyển sản xuất sang nước ngoài, như Indonesia, Việt Nam và Malaysia.
Jasan Group - đơn vị cung cấp cho Adidas và Nike, nhà sản xuất phụ tùng xe đạp HL Corp, và nhà sản xuất sợi công nghiệp Zhejiang Hailide New Material đã chuyển một số nhà máy sang Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngành của Trung Quốc hưởng lợi từ thương chiến với Hoa Kỳ. Chính sách thuế mà Bắc Kinh đáp trả đã giúp cho những nông dân Trung Quốc khá nhiều, đặc biệt là những người trồng đậu tương. Đây là mặt hàng mà Trung Quốc phải nhập tới 85% từ nước ngoài, trong đó phần lớn đến từ Hoa Kỳ.
"Chính phủ đang khuyến khích chúng tôi trồng thêm đậu nành. Thu nhập của chúng tôi tăng lên đáng kể, đi kèm với các khoản trợ cấp", Sun Changhai, một nông dân tại một hợp tác xã, thuộc khu phía bắc Nội Mông cho biết.