Mới nhất, thương chiến giữa hai siêu cường kinh tế thế giới ảnh hưởng tới Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khi tháng 6 vừa qua ghi nhận mức giảm lớn nhất của nền sản xuất công nghiệp nước này trong gần một thập kỉ.
Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, các ngân hàng trung ương ở New Zealand, Ấn Độ và Thái Lan đã thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất đầy bất ngờ khi cố gắng bảo vệ nền kinh tế nội địa khỏi "những con gió lớn trên toàn cầu".
Sản xuất công nghiệp tại Đức - quốc gia có nền kinh tế số 1 châu Âu, đang chạm đáy kể từ khủng hoảng kinh tế cách đây 10 năm. (Ảnh: Bloomberg)
Ở Hoa Kỳ, tăng trưởng sản xuất đã chậm lại trong bốn tháng liên tiếp, nguy cơ khủng hoảng kinh tế "cao hơn bình thường và đã ngày càng gia tăng so với hai tháng trước", Lawrence Summers, cựu thư kí Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đồng thời cũng là cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, nói với Bloomberg.
Summers so sánh rằng việc để cho kinh tế tiến dần tới suy thoái của Hoa Kỳ đang khiến cho nền kinh tế thế giới như "chơi với lửa": "Bạn có thể chơi với lửa thường xuyên và không thấy điều gì xảy ra, song nếu thực hiện quá nhiều, cuối cùng, bạn sẽ bị thiêu cháy".
Giáo sư của Đại học Harvard cũng cho rằng khả năng Hoa Kỳ bước vào thời kì suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới là 50/50.
Căng thẳng kinh tế đang vượt ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang có xích mích trong thương mại song phương. Mối quan hệ tương lai của Anh với Liên minh châu Âu cũng không mấy sáng sủa.
Các nhà đầu tư đang bắt đầu chán nản. Chứng khoán Mỹ giảm điểm tại New York, trái phiếu tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu. Các chuyên gia của Bloomberg cũng chỉ ra, đường cong lợi suất của cả hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Đức đang đi xuống, đưa ra những tín hiệu cảnh báo về sự suy thoái lan rộng.
Nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lớn dần. (Ảnh: Bloomberg).
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự đoán nếu Hoa Kỳ áp thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong bốn đến sáu tháng, khả năng kinh tế toàn cầu sẽ thu hẹp xuống chỉ còn 3/4.
Điều đáng lo ngại là không có thỏa thuận "đình chiến" sớm giữa hai cường quốc kinh tế, các thị trường sẽ ngày càng "trượt dốc", các công ty lo ngại và giảm đầu tư, cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều chịu ảnh hưởng. Thị trường việc làm sẽ ngày càng khó khăn, người tiêu dùng sẽ ngày càng "nản lòng" và sớm thắt chặt chi tiêu.
JPMorgan Chase & Co. vừa qua báo cáo, chỉ số quản lí mua hàng sản xuất đang bắt đầu "co lại". Các nhà kinh tế của JPMorgan cũng nhận định, tốc độ tuyển dụng toàn cầu trong nửa cuối năm nay sẽ chậm lại kể từ năm 2012-13 và tình hình việc làm sẽ tương đối khó khăn.
Khi quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên tồi tệ, chính sách lãi suất của cả nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu đi xuống. Ngân hàng dự trữ New Zealand đã khiến nhà đầu tư "choáng váng" khi giảm tới 50 điểm cơ bản, tăng gấp đôi so với mức giảm dự kiến. Ngân hàng trung ương Thái Lan cũng cắt giảm 25 điểm cơ bản. Ngân hàng trung ương của Ấn Độ cũng hạ 35 điểm lãi suất.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã sẵn sàng "giải phóng" một gói kích thích mới ngay sau tháng 9 (có khả năng tỉ lệ cắt giảm lãi suất sâu hơn vào những khu vực kinh tế không khả quan) để chống lại sự suy giảm trên toàn châu lục.
Các ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất và tiếp tục nới lỏng định lượng, song điều đó không đủ để "vực dậy tinh thần" và chính phủ có thể phản ứng không đủ nhanh với vấn đề nới lỏng chính sách tài khóa.
"Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không kết thúc cuộc chiến thương mại, rủi ro kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu suy yếu, mà chúng tôi đã dự báo, hoàn toàn có thể xảy ra", chuyên gia kinh tế của BoA cho biết. "Nếu thương chiến tiếp tục leo thang, chiến tranh tiền tệ sẽ được kích hoạt, và suy thoái kinh tế sẽ được hình thành".
Các ngân hàng trung ương đang quay trở lại với "chế độ cứu hộ". Sau khi giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang (FED) được kì vọng sẽ có một đợt cắt giảm bổ sung trong thời gian tới, khi các nhà đầu tư tin rằng Chủ tịch của FED sẽ thực hiện nhiều điều chỉnh giữa kì hơn là một quyết định nới lỏng lãi suất duy nhất.
Bài toán về lãi suất cho các ngân hàng trung ương (Ảnh: Bloomberg).
Tổng thống Trump cũng đã thúc đẩy FED một lần nữa, khi trích dẫn ba lần cắt giảm lãi suất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ trong 24h qua. "Ngay bây giờ, họ phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn và nhanh hơn, cũng như loại bỏ ý định thắt chặt định lượng vô lí", người đứng đầu Nhà Trắng viết trên Twitter.
Tuy nhiên, sắp tới, các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể không đủ "mạnh mẽ" để tiếp tục cắt giảm lãi suất, bởi nó có thể không bù đắp được những "đổ vỡ" trong rắc rối thương mại. Theo khảo sát của Bank of America, mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư là sự bất lực trong chính sách tiền tệ của các chính phủ.
Patrick Bennett, người đứng đầu chiến lược vĩ mô châu Á của Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada tại Hong Kong, cho biết "Chúng ta đang cố gắng sử dụng lãi suất để khắc phục những vấn đề mà lãi suất không thể giải quyết".
Còn Fraser Howie, người có 20 năm kinh nghiệm ở thị trường tài chính Trung Quốc cho rằng: "Lại một lần nữa, chúng ta đi từ những quyết định không chắc chắn sang một loạt những điều không chắc chắn khác".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.