Tuy nhiên, theo Reuters, sự phục hồi này có thể sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Các nhà phân tích cho rằng đồng nhân dân tệ giảm mạnh trong tuần này chỉ có thể mang lại sự "trợ giúp" tương đối hạn chế cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, những người đang phải đối mặt với các khoản thuế bổ sung của Hoa Kỳ vào tháng tới.
Chính sách thuế bổ sung áp vào hàng hóa Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump ban hành có thể làm giảm biên lợi nhuận và làm tăng nhu cầu trên toàn thế giới.
Xuất khẩu tháng 7 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 3,3% so với cùng kì năm trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3, và thậm chí vượt cả ước tính lạc quan nhất theo dự báo của Reuters. Trước đó, các nhà phân tích đã dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm 2%, sau khi tháng Sáu giảm 1,3%.
Bất chấp căng thẳng thương mại, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đạt trạng thái tốt nhất trong 4 tháng qua (Ảnh: Alpine Macro/ Alpha Chart).
Ngược lại với xu thế đi lên của xuất khẩu, nhập khẩu của Trung Quốc vẫn ở mức thấp, giảm 5,6%. Điều này phản ánh, nhu cầu nội địa của xứ tỉ dân đang là khá yếu ớt trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc cần đấu tranh để lấy lại chỗ đứng vững vàng hơn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, mức giảm vẫn nhỏ hơn dự kiến là 8,3%.
Các bài học thương mại đã giúp các thị trường chứng khoán tại khu vực châu Á có thêm "chỗ dựa", trong bối cảnh xảy ra tình trạng bán tháo nặng nề hồi đầu tuần, khi đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm.
Sau khi thu hẹp xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 7, do mức thuế quan quá cao, các lô hàng Trung Quốc được chuyển đến các khu vực khác như châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, và đáng chú ý nhất là khu vực Đông Nam Á.
Betty Wang, nhà kinh tế cấp cao của Trung Quốc tại ANZ, cho biết: "Một số nhà cung ứng đang cố gắng đa dạng hóa các khu vực xuất khẩu của họ. Hi vọng điều này có thể bù đắp một số rủi ro bất lợi từ thương mại song phương của Hoa Kỳ".
Washington đang theo dõi sự thay đổi trong mô hình thương mại của Trung Quốc, khi cuộc tranh chấp thương mại diễn ra. Gần đây một số hàng hóa xuất khẩu có nhãn là "Made in Vietnam", có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Chính sách Vành đai và Con đường giúp xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trong thời gian qua (Ảnh: CNBC/Getty).
Một quan chức của Trung Quốc nhận định, sự gia tăng xuất khẩu một phần là do sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, một chương trình nhằm thúc đẩy quan hệ kinh doanh và thương mại với hàng chục quốc gia trên thế giới.
"Năm nay, Trung Quốc không chỉ tăng thị phần tại các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu. Điều đáng chú ý hơn là, tốc độ tăng trưởng ở các thị trường mới nổi đang khá nhanh, đặc biệt là các quốc gia có hợp tác với Vành đai và Con đường", Yan Min, Giám đốc bộ phận dự báo tại Trung tâm thông tin nhà nước của Trung Quốc, chia sẻ.
Các nhà xuất khẩu nước này và cả những đối tác Hoa Kỳ đã hoàn toàn bị "đo ván" trong những tháng gần đây, bởi những bất ổn thương mại, cộng hưởng cùng sự "sụp đổ" của các nhà cung cấp lớn từ Đức và Singapore.
Hoa Kỳ đã tăng thuế đối với một số lượng lớn hàng hóa Trung Quốc vào tháng Năm, sau khi các cuộc đàm phán thương mại bị phá vỡ, và Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ.
Thỏa thuận "đình chiến" hồi cuối tháng 6 đã không kéo dài, sau khi ông Trump tuyên bố tuần trước sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỉ đô la hàng nhập khẩu của xứ tỉ dân từ ngày 1/9. Điều này sẽ mở rộng thuế đối với tất cả hàng hóa mà Trung Quốc bán cho Hoa Kỳ.
Đáp trả lại, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cho biết sẽ ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Thặng dư thương mại Trung Quốc với Hoa Kỳ ở mức 27,97 tỉ đô la trong tháng 7, ít hơn 6,52% so với con số 29,92 tỉ đô la của tháng 6.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của xứ tỉ dân với nền kinh tế số 1 thế giới đạt 168,5 tỉ đô la. Điều này một lần nữa thể hiện sự mất cân bằng giữa hai nước, vốn là vấn đề mà tổng thống Trump lên án vô cùng gay gắt.
Riêng với thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 6,5% so với cùng kì năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc lại giảm tới 19,1%.
Nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc giảm mạnh trong vòng 1 năm qua (Ảnh: Reuters).
Tranh chấp giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lan rộng ra ngoài vần đề thuế quan đối với hàng hóa. Các lĩnh vực khác như công nghệ và chính sách tiền tệ những ngày gần đây cũng đang ngày một leo thang.
Ngày 5/8 vừa qua, Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ mất giá vượt qua mức 7 nhân dân tệ đổi một đô la lần đầu tiên sau hơn một thập kỉ, gây ra lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ toàn cầu. Vài giờ sau, Washington đã gọi Bắc Kinh là "kẻ thao túng tiền tệ".
Trung Quốc đã bước vào để ổn định đồng nhân dân tệ trong các phiên gần đây, tuy nhiên thị trường vẫn chưa cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi.
Theo ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economic, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn sẽ bị giảm xuống trong các quý tới, bởi dù việc giảm giá nhân dân tệ thúc đẩy xuất khẩu, song sẽ khó lòng là "đối trọng" với chính sách thuế quan mới có hiệu lực từ tháng 9.
Báo cáo của Moody's cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vừa qua cũng đã chạm xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỉ, xuống mức 6,2%. Dự kiến, chỉ số này vẫn chưa thể khả quan hơn vào tháng 7, tạo ra áp lực cho chính quyền Bắc Kinh phải đưa ra nhiều hơn các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đất nước trong thời gian tới.