Bất chấp yêu cầu tháo dỡ, các nhà thuyền ven hồ Tây vẫn 'án binh bất động'

Các công trình nhà nổi, du thuyền ở bến thủy hồ Tây vẫn chưa di dời dù đã quá thời hạn của phường Thụy Khuê.
bat chap yeu cau thao do cac nha thuyen ven ho tay van an binh bat dong
Các công trình nhà nổi, du thuyền ở bến thủy hồ Tây vẫn chưa di dời dù đã quá thời hạn mà phường Thụy Khuê đưa ra. Ảnh: Đoàn Lê

Ngày 7/2, UBND phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) đã gửi văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh hoàn tất việc tự tháo dỡ công trình, nhà nổi, du thuyền trên khu vực bến thủy hồ Tây trước 16h ngày 9/2. Sau thời điểm này, UBND phường sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV sáng 10/2, hiện vẫn còn một số công trình trên bến thủy chưa được tháo dỡ. Hiện chỉ có một đơn vị như Công ty CP sông Fotomac tháo dỡ cầu tàu ở khu vực nhà thuyền. Những đơn vị khác hầu như "án binh bất động".

Được biết, ngày 20/6/2016, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng Cảnh sát Giao thông Đường thủy đã lập biên bản, đình chỉ hoàn toàn hoạt động của tất cả các tàu thuyền, nhà hàng đang hoạt động trên hồ Tây, kể cả có phép lẫn không phép.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng thực hiện nhiều biện pháp như đặt rào chắn trước lối ra vào, ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để di dời các du thuyền, nhà nổi ở Hồ Tây. Theo kế hoạch, toàn bộ tàu, du thuyền tại bến thủy Hồ Tây sẽ được di dời về khu vực Đầm Bảy (Tây Hồ, Hà Nội). Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số ít nhà thuyền di dời khỏi bến thủy về nơi tập kết mới. Số khác dù đã dừng kinh doanh nhưng chưa di dời.

bat chap yeu cau thao do cac nha thuyen ven ho tay van an binh bat dong
Đa số tàu thuyền khu vực này đã tự ý hoán cải, mở rộng kích thước để phục vụ kinh doanh. Ảnh: Đoàn Lê

Trao đổi với PV sáng 10/2, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết không nắm được nội dung của phường Thụy Khuê về thời hạn tháo dỡ, di dời các công trình nêu trên. Theo vị này, việc chấm dứt các hoạt động kinh doanh của các đơn vị ở bến thủy đã được Hà Nội giao cho quận Tây Hồ và quận có trách nhiệm xử lý.

Theo thống kê của UBND Tây Hồ (Hà Nội), hiện có 13 đơn vị đang kinh doanh, hoạt động tại hồ Tây. Phương tiện thủy hoạt động trên hồ Tây bao gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng, gồm: 8 tàu du lịch, 1 tàu thể thao; 13 xuồng máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm)

Đáng chú ý là đa số tàu thuyền khu vực này đã tự ý hoán cải, mở rộng kích thước để phục vụ kinh doanh. Các bến thủy nội địa này đều chưa được cấp phép hoạt động từ năm 2010, do quận Tây Hồ chưa cấp giấy phép hoạt động du lịch, dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao trên hồ.

Liên quan đến việc di dời các công trình nói trên, PV đang tiếp tục liên hệ với quận Tây Hồ để làm rõ vụ việc.

Ngày 9/2, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 38/TB-UBND, truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết kiến nghị liên quan đến hoạt động kinh doanh ở khu vực Hồ Tây của các doanh nghiệp.

Theo đó, UBND TP giao UBND quận Tây Hồ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý Hồ Tây; Xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; Xây dựng Kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi Hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên Hồ Tây (hoàn thành trong Quý I/2017).

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.