Bất động sản châu Á - Thái Bình Dương duy trì đà tăng trưởng trước nhiều biến động

Trước những bất ổn vĩ mô, các nhà đầu tư có xu hướng gia tăng sở hữu các tài sản chất lượng để làm kênh trú ẩn, trong đó phân khúc văn phòng cao cấp được ưa chuộng hơn cả. Theo đó, các thị trường bất động sản lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Tập đoàn dịch vụ bất động sản và quản lý đầu tư Colliers vừa công bố báo cáo tổng quan thị trường châu Á - Thái Bình Dương quý II/2022, ghi nhận một số diễn biến đáng chú ý tại các thị trường trọng điểm của khu vực.

 Một số giao dịch bất động sản đáng chú ý tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quý II. (Ảnh: Colliers).

Cụ thể, tại Australia và New Zealand, hai thị trường này khép lại quý II đầy thách thức khi Ngân hàng Dự trữ Úc và New Zealand tăng lãi suất để chống lạm phát. Điều này khiến nhiều tổ chức đầu tư đánh giá lại thị trường để xem xét các cổ phần hiện có và chiến lược đầu tư trong nửa cuối năm. Thị trường Auckland (New Zealand) ghi nhận lượng giao dịch chững lại, đồng thời có thêm nguồn cung mới khách sạn nhờ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại. Nhóm bất động sản cao cấp ở các thành phố lớn của Úc tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Singapore. Bất động sản văn phòng, công nghiệp và bán lẻ tiếp tục là những phân khúc chủ đạo trong quý với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 2,3 tỷ USD. Bất chấp những biến động kinh tế, Colliers kỳ vọng tâm lý đầu tư sẽ được phục hồi nhờ tính minh bạch và tiềm năng tăng trưởng của các thị trường này.

Tại Trung Quốc, nhu cầu bất động sản văn phòng từ các nhà đầu tư nội địa đã thúc đẩy số lượng giao dịch trong quý II. Bắc Kinh ghi nhận 4 giao dịch với tổng giá trị gần 1,42 tỷ USD và tổng diện tích khoảng 340.000 m2. Tại Thượng Hải, các khách hàng đến từ lĩnh vực công nghệ, tài chính, may mặc và năng lượng hoạt động tích cực với 8 giao dịch nguyên khối, tổng giá trị 1,27 tỷ USD. Các Business Park, khu công nghiệp và lĩnh vực hậu cần chiếm ưu thế ở Quảng Châu và Thâm Quyến, trong đó giao dịch lớn nhất là dự án tổ hợp Guangzhou Asia Games City trị giá 691 triệu USD. Ở khu vực phía tây, mặc dù không có giao dịch nào được ghi nhận trong quý nhưng phân khúc Business Park dự kiến sẽ là điểm nóng đầu tư trong thời gian tới do TP Tây An đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng 5G và điện toán đám mây.

Khối lượng giao dịch bất động sản thương mại tại thị trường Hong Kong tăng 52% so với quý trước, đạt 2,2 tỷ USD. Cả bên mua và bên bán tận dụng tối đa các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng có tâm lý “chậm mà chắc” sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất. Dù vậy, các chuyên gia Colliers tin rằng tâm lý này sẽ tiếp tục được cải thiện khi nền kinh tế phục hồi và các khoản đầu tư được rót thêm từ các quỹ và công ty bất động sản. Bất động sản công nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng, trong khi các dự án phát triển khu dân cư sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm do nhu cầu nhà ở vẫn đang gia tăng.

Thị trường bất động sản Singapore duy trì đà tăng trưởng đạt được từ những tháng trước, chứng tỏ triển vọng tích cực của nền kinh tế. Khối lượng đầu tư quý II đạt 12,798 tỷ USD, tương đương 62,4% của năm 2021. Các hoạt động chính trong quý là giao dịch đất chính phủ, giao dịch tập thể và giao dịch văn phòng. Thương vụ lớn nhất trong thuộc về dự án khu dân cư Dunman Road với giá 930,35 triệu USD. Do lãi suất tăng, thị trường ghi nhận tốc độ giao dịch chậm lại và có sự gia tăng nhu cầu với các tài sản ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái như văn phòng cao cấp, bất động sản hậu cần và bán lẻ.

Ở Hàn Quốc, nhu cầu ổn định đối với bất động sản tại Khu thương mại Gangnam (GBD) ở Seoul đã góp phần tăng giá trị đầu tư lên 2,8 tỷ USD. Thị trường đạt kỷ lục mới về đơn giá từ giao dịch tháp văn phòng hạng A+ tại GBD với giá 358 triệu USD. Nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu cao khiến đơn giá văn phòng tăng mạnh. Nhiều giao dịch lớn dự kiến sẽ hoàn tất sớm trong thời gian tới với nhiều thương vụ đang diễn ra như IFC, Shinhan Finance Investment Building và Seoul City Tower. Tuy nhiên, khối lượng đầu tư vào phân khúc văn phòng cao cấp có thể giảm vì các nhà đầu tư sẽ tiếp cận thận trọng hơn.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, đồng yên giảm giá trị và khoảng chênh lệch của lãi suất mở rộng khiến một loạt nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến các thành phố lớn bên ngoài Tokyo như Yokohama, Osaka và Nagoya. Bất động sản văn phòng, nhà ở và khách sạn là những động lực chính trong quý. Việc nới lỏng các hạn chế đi lại trong 6 tháng đầu năm giúp nhân sự cấp cao của các công ty đầu tư đến thăm Nhật Bản dễ dàng hơn, thúc đẩy quá trình ra quyết định và đẩy nhanh các khoản đầu tư xuyên biên giới.

Từ góc độ thị trường vốn, các chuyên gia của Colliers tin rằng những cảm nhận tích cực sẽ thúc đẩy hơn nữa các khoản đầu tư vào thị trường bất động sản trong những tháng tới.

“Trước những biến động toàn cầu, các nhà đầu tư nội địa và quốc tế tại châu Á - Thái Bình Dương chọn cách tiếp cận thận trọng với một tầm nhìn dài hạn. Lĩnh vực bất động sản vẫn giữ đà tăng trưởng với lượng giao dịch tích cực trong phân khúc tài sản cao cấp ở các thị trường trọng điểm trong khu vực. Và tại Việt Nam, nền kinh tế đang chứng tỏ khả năng hồi phục trong bối cảnh bất định toàn cầu, với nhiều tiềm năng đầu tư vào bất động sản thương mại và công nghiệp”, ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam nhận định. 

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.