4 loại hình bất động sản đang được nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương 'săn lùng' nhiều nhất

Kết quả khảo sát của JLL cho thấy, năm 2022, các nhà đầu tư sẽ đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, có 4 loại hình các nhà đầu tư đang tìm kiếm.

JLL  vừa thực hiện một cuộc khảo sát với các nhà lãnh đạo hàng đầu đến từ 37 quỹ đầu tư khu vực châu Á  - Thái Bình Dương và toàn cầu có tổng tài sản quản lý trên 2 nghìn tỷ USD. Kết quả cho thấy, khoảng 4/5 nhà đầu tư được hỏi cho rằng cạnh tranh tài sản sẽ là rào cản lớn nhất đối với chiến lược đầu tư của họ trong năm 2022. Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư cho biết có kế hoạch tăng đầu tư vào bất động sản trong năm nay với trọng tâm là đa dạng hóa các loại hình.

Roddy Allan, Giám đốc Nghiên cứu, châu Á - Thái Bình Dương, JLL nhận định, trong khi tìm kiếm khả năng phục hồi thu nhập ở các nền kinh tế ổn định và trưởng thành, nhà đầu tư đang tạo ra các chiến lược với trọng tâm là sự đa dạng hóa trên nhiều loại hình, khu vực địa lý và loại giao dịch. 

Tại châu Á - Thái Bình Dương, có 4 loại hình bất động sản chính mà các nhà đầu tư cho biết sẽ săn lùng, giao dịch trong năm nay.

4 loại hình bất động sản đang được nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương 'săn lùng' nhiều nhất - Ảnh 1.

Logistics là một trong các lĩnh vực được các nhà đầu tư hướng tới trong năm 2022. (Ảnh: JLL).

Logistics

Tổng vốn triển khai vào logistics tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gấp 4 lần trong hai năm qua. Sang năm 2022, động lực đầu tư vào lĩnh vực này có vẻ sẽ được tiếp tục. 

Cứ 10 nhà đầu tư tham gia khảo sát của JLL thì có 9 người cho biết sẽ tăng đầu tư vào logistics trong năm nay. 2/3 nhà đầu tư dự kiến tăng tổng đầu tư của họ lên thêm 10% ở phân khúc này.

Một số thị trường ghi nhận sự gia tăng của các hoạt động đầu tư cũng như các giao dịch lớn từ 2021. Điển hình là Úc với khối lượng đầu tư tăng 269% so với cùng kỳ năm trước. Vào tháng 12/2021, công ty quản lý tài sản toàn cầu Blackstone đã mua lại 49% cổ phần của Dexus Australia Logistics Trust - công ty sở hữu danh mục 77 tài sản hậu cần chất lượng cao ở Sydney và Melbourne.

Mối quan tâm đến lĩnh vực hậu cần của Úc không có dấu hiệu suy giảm trong những tháng đầu năm 2022. Các nhà đầu tư tham gia khảo sát của JLL khảo sát đã chỉ ra Sydney là thị trường hàng đầu tại mà họ đang có ý định triển khai vốn tại châu Á - Thái Bình Dương.

Mutifamily

Multifamily (đa gia đình) là bất động sản chung cư có từ 5 căn hộ trở lên, được sử dụng với mục đích nhà ở và cả thương mại. Mặc dù có thể phục vụ chủ yếu cho hộ gia đình ở, nhưng mục đích chính cho loại tài sản này là để đầu tư. 

Khảo sát của JLL cho thấy bất động sản multifamily là loại hình được các nhà đầu tư tìm kiếm nhiều thứ hai. Theo đó, 1/3 nhà đầu tư muốn tăng tài sản đầu tư của họ trong lĩnh vực này lên ít nhất 10% trong năm nay.

Sự khao khát đầu tư ngày càng tăng vào tài sản multifamily thể hiện rõ nhất ở Nhật Bản - quốc gia đang trên đà trở thành một trong 5 thị trường bất động sản nhà ở hàng đầu trên toàn cầu.

Cuối năm ngoái, Allianz Real Estate và Ivanhoe Cambridge đã cùng công bố chiến lược trị giá 2 tỷ USD đầu tư vào các căn hộ cho thuê của Nhật Bản. Công ty quản lý quỹ AEW Capital Management có trụ sở tại Boston, Mỹ gần đây cũng đã mua lại danh mục đầu tư gồm 4 tòa nhà dân cư mới hoàn thành với tổng số 177 căn ở Greater Tokyo.

Peter Guevarra, Giám đốc Nghiên cứu Khu vực, Châu Á Thái Bình Dương, JLL, cho biết, cơ hội có thể hạn chế hơn bên ngoài thị trường Nhật Bản, nhưng tài sản multifamily vẫn là một gợi ý hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong khu vực đang tìm kiếm sự đa dạng hóa vì chúng có rủi ro tương đối thấp và mang lại lợi nhuận ổn định:

"Với sự chuyển dịch vốn liên tục vào tài sản multifamily hoặc xây dựng để cho thuê, các thị trường non trẻ như Úc sẽ trở thành điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn của dòng vốn đang gia tăng".

Văn phòng

Cứ 10 nhà đầu tư được khảo sát thì 6 người có kế hoạch tăng đầu tư vào lĩnh vực văn phòng vào năm 2022. Một nửa trong số này dự định tăng danh mục đầu tư lên hơn 10%.

Theo JLL, đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu làm việc từ xa, từ đó đầu tư vào loại hình văn phòng đã chậm lại. Khối lượng đầu tư lĩnh vực này tại châu Á - Thái Bình Dương đã giảm từ 87,4 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 63,8 tỷ USD vào năm 2020.  Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn có khả năng phục hồi khi đầu tư đạt 74,4 tỷ USD vào năm 2021.

Tại các thị trường văn phòng hạn chế về nguồn cung như Singapore - một trong ba thị trường hàng đầu được các nhà đầu tư xác định để triển khai vốn - giá thuê văn phòng đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của JLL's Asia Pacific Office Digest .

Alternatives (giải pháp thay thế)

Hơn một nửa số nhà đầu tư trong cuộc khảo sát của JLL cho biết họ đang nhắm mục tiêu tăng tỷ lệ tiếp xúc với các loại tài sản thay thế.

Một ví dụ phổ biến là các trung tâm dữ liệu, nơi các nhà đầu tư đang tăng cường đầu tư để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng về tiêu thụ dữ liệu.

Các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại châu Á - Thái Bình Dương đã tăng lên 5,4 tỷ USD vào năm ngoái, tăng gấp ba lần so với năm 2019.

Các giao dịch lớn đã được công bố từ đầu năm đến nay có thể kể đến như khoản đầu tư 1,5 nghìn tỷ yên (13 tỷ USD) của nhà phát triển bất động sản và quản lý tài sản GLP để xây dựng các trung tâm dữ liệu tại các thành phố lớn nhất của Nhật Bản trong vài năm tới.

Ngoài ra, các lĩnh vực thay thế khác đang nổi lên bao gồm kho lạnh và các cơ sở khoa học đời sống.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.