Giá thuê BĐS bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM vẫn tăng trong đại dịch, dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương

Hà Nội và TP HCM thuộc nhóm dẫn đầu về phục hồi bất động sản bán lẻ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo báo cáo mới đây của Savills về thị trường bất động sản bán lẻ châu Á - Thái Bình Dương, đang có sự phục hồi không đồng đều giữa các khu vực trên thị trường này. Trong đó, hai thành phố lớn của Việt Nam thuộc top đầu về khả năng phục hồi.

Việt Nam và Trung Quốc dẫn đầu nhóm hồi phục

Trưởng bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương Simon Smith, phân tích, rõ ràng ngành bất động sản bán lẻ cùng với khách sạn và du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biện pháp giãn cách của các chính phủ. 

Đặc biệt, với bất động sản bán lẻ, thị trường này đã trải qua một giai đoạn biến động chung. Tuy nhiên tỷ lệ phục hồi sẽ khác nhau giữa các khu vực, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, chiến lược ngăn chặn dịch bệnh và sự thành công của chương trình tiêm chủng tại khu vực đó.

Cụ thể, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhóm dẫn đầu về phục hồi bất động sản bán lẻ chủ yếu bao gồm các thành phố của Việt Nam và Trung Quốc - nơi hoạt động kinh doanh ổn định. 

Trong hai năm qua, tỷ lệ tăng trưởng giá thuê của các thành phố tại hai quốc gia này khá khiêm tốn: Bắc Kinh tăng 3,4%, Thượng Hải tăng 13,1%, Quảng Châu tăng 10,5%, Hà Nội tăng 4,3% và TP HCM tăng 0,4%.

Tuy nhiên, tại các khu vực khác thậm chí còn sụt giảm về giá thuê như Singapore giảm 28,4%, Hồng Kông giảm 26,3%, Seoul giảm 19,5% và Tokyo giảm 16,1%. Đáng mừng là kể từ nửa sau năm 2021, giá thuê bất động sản tại các khu vực này đã vượt đáy nhờ tâm lý khách hàng được cải thiện.

Giá thuê BĐS bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM vẫn tăng trong đại dịch, lọt top tăng trưởng dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Hà Nội và TP HCM của Việt Nam là một trong số ít thành phố trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự tăng trưởng về giá thuê trong giai đoạn 2019 - 2021. (Ảnh: Savills).

Theo Savills, tiêu thụ nội địa đã hỗ trợ cho các thị trường này, đặc biệt là phân khúc bán lẻ ở ngoại thành. Trong khi đó, sự tăng trưởng cho thuê các bất động sản khu vực trung tâm vẫn còn ở mức yếu. 

Tại các thị trường ghi nhận sự tăng trưởng, nhu cầu được thúc đẩy bởi tiêu dùng từ người dân và khách nội địa.

Tiêu dùng nội địa hỗ trợ thị trường

Đối với nhiều thị trường bán lẻ trong khu vực, chi tiêu của khách du lịch từ lâu đã trở thành một phần thiết yếu đóng góp vào doanh thu. Savills cho biết, có một mối tương quan chặt chẽ giữa lượng khách du lịch và doanh số của ngành bán lẻ. Các thị trường giảm từ 30 - 50% lượng khách du lịch sẽ thường ghi nhận giảm 0 - 5% doanh số bán hàng.

Trong đại dịch, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực đầu tiên chịu tác động của đại dịch đã cho thấy mức giảm mạnh của ngành này.

Hồng Kông và Singapore đã ghi nhận mức giảm kỷ lục về lượng khách du lịch và doanh số bán lẻ trong năm 2020. Thượng Hải, Jakarta, Hà Nội và TP HCM là một trong số ít các thị trường ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong chi tiêu bán lẻ trong năm 2020.

Báo cáo của Savills cũng chỉ ra, các thị trường có tỷ lệ khách du lịch nội địa cao hơn khách quốc tế sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn: "Đi qua các thành phố bán lẻ mà chúng tôi theo dõi, những thành phố có lượng khách du lịch trong nước chiếm ít hơn 80% đã có mức điều chỉnh giá thuê giảm từ 5 - 28%. Trong khi đó, Thượng Hải, Quảng Châu và Hà Nội -  nơi có tỷ lệ khách du lịch nội địa từ 87 - 99%, có mức tăng trưởng cho thuê mạnh nhất".

Khả năng phục hồi này cũng dẫn đến việc thị trường bán lẻ phục hồi nhanh hơn tại các "điểm nóng" du lịch trong nước như Hải Nam (Trung Quốc), Jeju (Hàn Quốc), Karuizawa (Nhật Bản) và Phú Quốc (Việt Nam). 

Ông Simon Smith cho rằng, chính sách của các chính phủ đang đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi này. Các chiến dịch cấp quốc gia và cấp thành phố bắt đầu xuất hiện, đơn cử như Hàn Quốc và Đài Loan đều phát hành "phiếu tiêu dùng" có thể sử dụng để ăn uống, mua sắm và đi du lịch trong nước.

Nhận định về thị trường bất động sản bán lẻ tương lai, chuyên gia Savills cho biết, dù có phần không chắc chắn do đại dịch nhưng vẫn có triển vọng cho thấy các thị trường bán lẻ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục cải thiện vào năm 2022. 

Tuy nhiên, làn sóng các ca nhiễm chủng Omicron và tiến độ tiêm chủng có thể cản trở đáng kể việc bình thường hóa bán lẻ và hoạt động du lịch, dẫn đến sự chênh lệch giữa các khu vực.

Bên cạnh đó, du lịch nội địa vẫn giữa vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành bán lẻ trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn trước năm 2024. Theo Oxford Economics, trong năm 2022, tất cả 15 điểm đến chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Ấn Độ, dự kiến sẽ có lượng du khách trong nước tăng trở lại mức của năm 2019. New Zealand, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Úc sẽ dẫn đầu xu hướng với tốc độ tăng trưởng trên 20%. Xét trên toàn khu vực, du lịch nội địa sẽ không phục hồi cho đến năm 2024.

Mặc dù rủi ro vẫn tồn tại nhưng hầu hết các thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục hưởng lợi từ sự phục hồi thương mại toàn cầu và các nền kinh tế trong khu vực, cũng như từ các chương trình hỗ trợ của chính phủ.

"Nhìn chung, việc phục hồi đã bị trì hoãn nhưng không "trật bánh" và chúng tôi vẫn hy vọng sẽ cải thiện trong năm nay", chuyên gia Savills cho biết.

chọn
'Dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít'
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong thời điểm này, khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi rõ rệt thì dòng tiền đổ về bất động sản chưa có hoặc rất ít.