Phân lô tách thửa theo Quyết định 33/2014 đã giúp người dân có nhu cầu thực tiếp cận được với nhà ở với giá vừa túi tiền. Tuy nhiên, việc đầu nậu lợi dụng kẽ hở để phân lô bán nền đang đặt ra nhiều thách thức.
Nhiều bất cập nảy sinh
Trong kiến nghị giải quyết tình trạng “sốt ảo” đất nền mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, Quyết định 33/2014 của UBND TP.HCM, đã bị giới đầu nậu, cò đất lợi dụng để thực hiện tách thửa, phân lô đất nền tràn lan, tại một số quận ven và huyện ngoại thành. Đồng thời nhóm này đã thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này. Đây là một nguyên nhân dẫn tới cơn “sốt ảo”, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị và tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
“Bát nháo” phân lô bán nền vùng ven
Theo ông Phan Công Chánh, Tổng Giám đốc Phu Vinh Investment, tình trạng phân lô bán nền thời gian qua, không chỉ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, mà còn có nguy cơ phá nát quy hoạch. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, những khu cân cư thiếu đồng bộ, hạ tầng không đáp ứng được sẽ tạo nên những khu ổ chuột kiểu mới.
Cũng theo ông Chánh, hiện đã có quy định diện tích đất trên 2.000m2 phái xin phép dự án chứ không được áp dụng quyết định về tách thửa. Tuy nhiên, thực tế, đầu nậu “né” được hết, quan trọng là phải kiểm soát được hạ tầng đúng chuẩn. Khi đó dù có tách theo dạng nào vẫn đảm bảo hạ tầng đô thị.
Ông Đoàn Thiên Việt, Tổng Giám đốc Dataland, nhận định, không thể phủ nhận mặt tích cực của Quyết định 33/2014, giúp người dân có nhu cầu thực tiếp cận được với nhà ở với giá vừa túi tiền. Đồng thời, giải quyết được bài toán về áp lực gia tăng dân số và tốc độ đô thị hoá.
“Tuy nhiên, mặt trái hiện nay là tình trạng phân lô bán nền nhỏ lẻ, tràn lan, không đúng quy hoạch, hạ tầng không đủ chuẩn, kết nối không đồng bộ… Điều này tạo sức ép và gánh nặng cho địa phương về hạ tầng xã hội, chất lượng sống của người dân kém, con cái không có trường học, thiếu không gian công cộng…” - ông Việt nói.
Cần siết chặt quản lý
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, từ đầu năm 2017, 22 quận, huyện và 6 sở, ngành đã đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Quyết định 33/2014. Theo dự thảo mới, diện tích tối thiểu tách thửa tương tự nhưng điều chỉnh câu chữ để không gây hiểu nhầm. Trong đó, chỉ cho tách thửa đất khu dân cư hiện hữu và đất chỉnh trang, tránh tách thửa tràn lan.
Ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng Giám đốc Bản Việt Land, cho rằng, các cơ quan chức năng cần rà soát, bổ sung các tiêu chí, điều kiện phù hợp để vừa đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở, vừa tránh tạo khe hở cho việc phân lô bán nền trái phép. Nên có quy định về diện tích tối thiểu, ví dụ quy mô dự án phải từ bao nhiêu m2 trở lên mới được phép phân lô hộ lẻ để đảm bảo mỹ quan đô thị và không phá nát quy hoạch.
Mặt khác, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với trách nhiệm của chủ đầu tư về chất lượng hạ tầng và hồ sơ pháp lý. Nên có quy định cụ thể về việc đầu tư hạ tầng bài bản như phải có điện âm, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo sinh hoạt, bắt buộc phải có các tiện ích và mảng xanh như công viên nội khu, điểm sinh hoạt cộng đồng… Để tránh tình trạng “bát nháo”, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, khi nhiều chủ đầu tư dễ dàng xin chuyển mục đích, đầu tư hạ tầng sơ sài, rồi tách thửa bán.
“Việc kiểm soát chặt chẽ sẽ giúp phát huy những mặt tích cực của Quyết định trong việc góp phần “giãn dân”, giảm bớt sức ép dân số, đồng thời hạn chế những trường hợp sai phạm, song song đó còn tạo điều kiện để các tổ chức,cá nhân uy tín mạnh dạn đầu tư, góp phần phát triển hạ tầng xã hội” - ông Vũ nhận định.