Trong báo cáo cập nhật về CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL), Chứng khoán CSI nhận định doanh số bán hàng và lợi nhuận của Novaland được thúc đẩy nhờ các dự án lót tay. Riêng quý III giá trị hợp đồng đạt 620 triệu USD (khoảng 14.500 tỷ đồng), tăng 57% so với cùng kỳ, trong đó 62% từ các dự án nhà ở và 38% từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.
Giá trị người mua trả tiền trước ngắn hạn vào cuối quý III là gần 14.900 tỷ đồng tăng gần 95% so với quý quý III/2021 trong đó đóng góp chính là Aqua City và NovaWorld Phan Thiết và Hồ Tràm. Ban lãnh đạo đã chia sẻ rằng công tác xây dựng hiện đang đúng tiến độ và nhiều căn trong số này sẽ được bàn giao vào cuối năm 2022.
Cũng trong quý vừa qua, Novaland giới thiệu dự án Marina City tại Mũi Né, Phan Thiết có tổng diện tích 682 ha, hơn 11.000 sản phẩm cùng 80 ha bến du thuyền. CSI cho rằng các dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng cao cấp với quy mô lớn trở thành động lực tăng trưởng lợi nhuận của Novaland trong trung và dài hạn. Cụ thể, BĐS nghỉ dưỡng của Novaland tập trung vào các khu vực có tiềm năng phát triển tốt và giá đất rẻ.
CSI dự phóng bàn giao từ BĐS nghỉ dưỡng sẽ đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của Novaland trong giai đoạn 2022 – 2027. Hai dòng sản phẩm doanh nghiệp đang tập trung triển khai từ 2018 đến nay gồm BĐS Đô thị vệ tinh (Aquacity) và BĐS du lịch (Nova World Phan Thiết và Nova World Ho Tram). Quy mô tại 3 dự án đều hơn 1.000 ha, với tổng giá trị phát triển sản phẩm 8 tỷ USD (Aquacity ), No va Phan Thiet (7,7 tỷ USD)…
Sản phẩm BĐS của Novaland tập trung vào phân khúc trung và cận cao cấp, phân khúc này chiếm 88% nhu cầu nhà ở tại thị trường Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Hiện tại, Novaland đang tập chung mở rộng quỹ đất và phát triển mạnh mẽ các đại đô thị tại các khu vực: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Đà lạt, Long An,…
Cũng theo CSI, BĐS nghỉ dưỡng dự kiến sôi động hơn kể từ các năm sau bởi du lịch trong nước hồi phục và các hãng hàng không tại Việt Nam đã chuyển hướng khai thác sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ và mở rộng đường bay tại các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Các thị trường nghỉ dưỡng ven biển có tỷ lệ lấp đầy cao, đặc biệt là đối với phân khúc hạng sang.
Về nguồn vốn, CSI cho rằng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc việc là lĩnh vực bất động sản sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới. Cùng với đó, tín dụng vào lĩnh vực BĐS đang thắt chặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực BĐS và hạn chế tín dụng đối với đầu tư BĐS cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng và đầu cơ BĐS. Ngoài ra, lãi suất vay mua nhà gia tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trở lại.
CSI nhận thấy điểm sáng duy nhất trong bối cảnh ảm đạm là giá vật liệu xây dựng hạ nhiệt trong quý III. CSI kỳ vọng giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm nay và năm 2023, giúp giảm áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp xây dựng và phát triển BĐS, từ đó đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công cũng như giúp kìm hãm đà tăng của giá nhà.
Dù BĐS nghỉ dưỡng kỳ vọng kởi sắc hơn kể từ các năm sau, các dự án lớn nhưng có vị trí không đẹp đã gặp khó khăn. Thị trường sẽ được phân hóa rõ rệt, với sự chú trọng vào chất lượng hơn số lượng cùng với ngành du lịch vẫn đang đứng trước một số hạn chế để có những bước tiến nổi bật.
Bên cạnh các vấn đề toàn cầu như lạm phát, sự sụt giảm của du khách Trung Quốc và căng thẳng chính trị, một thách thức lớn mà du lịch nước nhà đang phải đối mặt là sự dư thừa nguồn cung. Thêm vào đó, giữa bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, các chủ đầu tư có tâm lý thận trọng hơn trong việc chào bán sản phẩm khiến nguồn cung trong quý sụt giảm rõ rệt, giảm hơn 30% so với quý trước.
Sức cầu thị trường ở mức thấp do động thái tăng cường kiểm soát tín dụng trong thời gian vừa qua vẫn chưa được tháo gỡ. Việc khách hàng khó tiếp cận vốn vay khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh.
Điểm tích cực là, những khu vực phát triển mạnh về nghỉ dưỡng như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc tiếp tục là khu vực đóng góp tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn cung và lượng tiêu thụ cả nước - chiếm hơn 80%. Những đơn vị vận hành quốc tế 4 – 5 sao vẫn là điểm sáng thu hút sự quan tâm của khách hàng. Các dự án do đơn vị vận hành quốc tế khai thác có tỷ lệ bán hàng tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường
Bởi những yếu tố trên, CSI cho rằng thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm nay sẽ chưa thể tăng trưởng quá mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, sức cầu thị trường trong quý IV này có thể giảm so với quý III bởi động thái kiểm soát tín dụng vẫn đang khá căng thẳng. Các giao dịch sẽ tập trung chủ yếu vào những khu nghỉ dưỡng phức hợp quy mô lớn được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, có thương hiệu trên thị trường.