Giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ: Ðừng để quá muộn | |
Ở nước ngoài, trẻ em được giáo dục giới tính như thế nào? |
Khi những vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang ngày càng gia tăng, chính các em, những người có nguy cơ trở thành nạn nhân đã trở nên mạnh mẽ và sống với đầy trách nhiệm của mình với cộng đồng. Cô bé Trần Lê Thảo Nhi, hiện đang là học sinh lớp 4 trường Tiểu học Chu Văn An, Quận Bình Thạnh (TP.HCM) tự thấy mình cần tạo ra một môi trường an toàn, để bảo vệ bản thân cũng như giúp bạn bè hiểu hơn về giới tính. Vì vậy, cô bé đã không ngần ngại tự lên giáo trình để tạo nên những buổi thuyết trình đầy ấn tượng và hiệu quả dành cho chính các bạn của mình.
Cùng trò chuyện với Thảo Nhi để biết thêm về việc làm đầy ý nghĩa của em:
- Chào Thảo Nhi, mọi người khá bất ngờ khi biết một cô bé 10 tuổi rất tự tin trong những buổi thuyết trình về Giáo dục giới tính, em nghĩ gì về việc làm của mình?
- Em nghĩ rằng việc làm của em cũng bình thường giống như mấy lần em giúp các bạn học bài theo sơ đồ tư duy. Tuy nhiên, theo em nghĩ việc em tuyên truyền lại khá hiệu quả trong việc Phòng chống XHTD trẻ em bởi vì em cùng độ tuổi với các bạn nên em hiểu tâm lý các bạn và phần nào biết được các bạn cần những gì. Hơn nữa, vì em cùng tuổi các bạn nên các bạn có thể mạnh dạn chia sẻ với em hơn là người lớn.
Thảo Nhi là cô bé tự tin, sống có trách nhiệm. (Ảnh NVCC) |
Cô bé rất thích chia sẻ kiến thức mình biết cho bạn bè. (Ảnh NVCC) |
- Em có lý do đặc biệt gì khi chọn cách tổ chức các buổi thuyết trình về giáo dục giới tính (GDGT)?
- Em quan tâm vấn đề này hơn cả bạo lực học đường vì khi đứa trẻ bị XHTD sẽ gây tổn thương về tinh thần suốt cả cuộc đời hoặc thậm chí có thể tự tự như cô bạn ở Cà Mau.
- Để có một buổi thuyết trình tự tin, bài bản như vậy, em đã chuẩn bị trong bao lâu? Em có nhờ sự giúp đỡ của ai để hoàn thành “đề cương” thuyết trình không?
- Thường thì em chuẩn bị trong 1 tuần. Tuy nhiên để giải đáp trọn vẹn cho các bạn em phải đọc sách rất nhiều, thậm chí còn có sách luật của mẹ em, cả những cuốn cẩm nang phương pháp sư phạm của mẹ để rèn luyện kỹ năng thuyết trình. Lúc đầu mọi thứ em tự chuẩn bị bằng viết tay (ba, mẹ và thầy cô hoàn toàn không biết), sau này khi đi thuyết trình ở nhiều nơi thì mẹ em là “thư ký” ạ.
- Kỷ niệm về buổi thuyết trình đầu tiên của em là gì?
- Em nhớ kỷ niệm về buổi thuyết trình đầu tiên, đó là bạn Ngân khánh nghe nhầm câu “Không cho ai chạm vào vùng kín. Không cho ai ôm hôn ngoại trừ bố, mẹ, ông, bà anh, chị ruột” thành “không cho ai chạm vào vùng kín ngoại trừ bố mẹ, ông bà, anh chị ruột”. (Cười).
Thảo Nhi còn tham gia viết sách chống Xâm hại tình dục. (Ảnh NVCC) |
Cô bé tự tin trong buổi thuyết trình. (Ảnh NVCC) |
Cô bé tự lên đề cương để thuyết trình. (Ảnh NVCC) |
- Em đã thuyết trình được bao nhiêu buổi như vậy rồi? Em đã chuẩn bị như thế nào?
- Em đã thuyết trình được khoảng 10 buổi như vậy rồi. Trước khi bắt đầu thuyết trình, các bạn tự xuống nhà ăn xếp thành vòng tròn và em ngồi ở giữa để nói. Để có bài thuyết trình, em đã đọc sách, tham khảo các thông tin trên mạng. Em chia sẻ với các bạn về các vụ án và tác hại của việc XHTD. Sau đó là đưa ra giải pháp làm thế nào để bảo vệ mình. Đó là những kiến thức và kỹ năng để giúp các bạn như em có thể đề phòng.
- Việc làm của em có nhận được sự ủng hộ của ba mẹ không?
- Buổi thuyết trình đầu tiên ba, mẹ không biết nhưng đến những lần sau, khi em tâm sự với mẹ về sự cần thiết của việc làm này thì ba, mẹ và cô chủ nhiệm đã đồng hành và được sự ủng hộ của rất nhiều bố, mẹ khác.
Thảo Nhi bên mẹ của mình. (Ảnh NVCC) |
- Việc tự tin và hiểu biết về giới tính chắc hẳn do mẹ dạy em?
- Hoàn toàn không phải, hầu hết các kiến thức đều do em đọc được từ trong sách. Ba mẹ chẳng dạy em gì cả. Thậm chí tò mò còn bị mắng vì người Việt Nam thường có tâm lý… ngại. Trong khi ai trò giáo dục giới tính đáng ra là do cha mẹ cần dạy con cái. Tuy nhiên, hiện tại ba mẹ em đã bớt… ngại và đồng hành, thoải mái chia sẻ, giải đáp những thắc mắc của con gái.
- Các bạn trong lớp phản ứng như thế nào khi nghe bạn của mình thuyết trình về chủ đề nhạy cảm này?
- Trước khi tập hợp mời các bạn đến buổi tuyên truyền, em đã nói với các bạn việc làm này là bảo vệ sự an toàn, tương lai của các bạn, nếu các bạn thấy cần thiết thì đến. Tuy nhiên, không bạn nào vắng mặt và rất hào hứng. Điều này làm em rất vui và cũng cảm thấy có động lực hơn trong việc thuyết trình, chia sẻ hiểu biết của mình với các bạn.
- Theo em, độ tuổi nào sẽ cảm thấy sẵn sàng khi được phổ biến về giáo dục giới tính?
- Khoảng 3-4 tuổi, nhưng từng độ tuổi có từng cách giáo dục riêng. Ví dụ khi bắt đầu giáo dục giới tính chỉ cần chỉ cho trẻ sự khác nhau giữa cơ thể bố và mẹ. Cách gọi chính xác từng bộ phận cơ thể. Sau đó 5 tuổi thì giải thích em bé được sinh ra từ đâu và tạo ra như thế nào...
Cô bé còn tham gia viết sách về giáo dục giới tính, chống xâm hại tình dục trẻ em. (Ảnh NVCC) |
- Em có dự định gì cho kế hoạch thuyết trình của mình trong tương lai?
- Em mong muốn nhân rộng mô hình này để tất cả trẻ em đều được giáo dục giới tính và cách phòng chống XHTD để không còn những vụ án đau lòng xảy ra như hiện nay.
Em cũng rất vui vì sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức buổi sinh hoạt với quy mô toàn trường để em có cơ hội được chia sẻ nhiều hơn với các bạn. Em cũng sẽ tự tổ chức thêm những buổi chia sẻ, còn rất nhiều đề tài hữu ích mà em muốn nói với các bạn.
- Cảm ơn em đã dành thời gian trò chuyện với chuyên mục. Chúc em có thật nhiều bài thuyết trình ý nghĩa và thành công để giúp ích cho xã hội.
Cùng xem một số clip Thảo Nhi thuyết trình về giáo dục giới tính, chống xâm hại tình dục trẻ em:
Cận cảnh một tiết học phòng chống xâm hại tình dục trẻ em
“Trước đây, tâm lý người lớn thường hay e ngại việc dạy cho con những kiến thức về giáo dục giới tính. Hiện nay, vấn ... |
Cần đưa Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục vào chương trình giáo dục
Các chuyên gia tâm lý và giáo dục cho rằng cần đưa giáo dục giới tính và Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục ... |