Bé nôn ọe vì cha mẹ bắt học ngày học đêm trước khi vào lớp 1

Con vào lớp 1, sợ con không bằng bạn bằng bè nên nhiều phụ huynh lo lắng, thậm chí gây áp lực sang con trẻ, bắt con học ngày học đêm khiến nhiều trẻ sợ hãi.

Bé nôn ọe vì học, cha mẹ vẫn gồng mình "không còn cách nào khác"

Thông tin trên báo Phụ Nữ Online, tâm lý các bậc phụ huynh có con chuẩn bị bước vào năm đầu đời đi học với "nỗi sợ" muôn trùng: Sợ con học dốt, sợ con không theo kịp, sợ con thua kém bạn bè, sợ sau này con không được vào trường chuyên, lớp chọn như đúng khát vọng của cha mẹ... Vì vậy, ngay trước ngưỡng cửa vào lớp 1, nhiều bé đã được cha mẹ chính thức cho "nhập cuộc" bằng hàng loạt những hình thức học thêm đến phờ phạc cả tinh thần lẫn thể trạng.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi, mẹ bé Châu) chia sẻ: "Mình năm nay mới có con vào lớp 1, thú thực rất hoang mang, không định nhồi nhét kiến thức cho con học thêm, học nếm nhiều như vậy đâu, nhưng các bạn trong lớp bạn nào cũng 3-4 gia sư tận nhà khiến mình cũng bù đầu với con. Nếu không học thêm, sợ cháu bước vào lớp 1 lại không theo kịp bạn bè thì hỏng".

Xuất phát từ tâm lý chung của hầu hết các bậc cha mẹ như vậy, chị Trang đã thuê hẳn cho bé Châu một đội ngũ gia sư gồm 3 cô: Toán, Tập viết, Tiếng Anh... ngay từ đầu tháng 5 (sau khi kết thúc chương trình mầm non), luân phiên ép con học trước kiến thức khiến bé bị sốc, nản và lúc nào cũng trong tình trạng... cầu cứu.

Cùng hoàn cảnh của chị Trang, gia đình anh Nguyễn Văn Minh (35 tuổi) cũng gian nan không kém vì con chuẩn bị vào lớp 1: "Chủ nhật tuần trước, có lúc đang học trên phòng, bé mệt quá có xin cô xuống nhà nằm thở và kêu đau đầu, hôm nào cũng nức nở khóc. Nhiều lúc con lười khóc giả nhưng nhiều lúc thấy con nôn ọe mới biết con đang căng thẳng và mệt thật, những lúc đó mình cũng xót con lắm, đành cho con nghỉ mấy buổi tối đi chơi công viên thư giãn", anh Minh chia sẻ.

Những phụ huynh này cho hay, dù biết các bé tuổi còn quá nhỏ không nên ép học quá nhiều có thể gây lên tác dụng phụ không mong muốn, thế nhưng họ lý giải "cực chẳng đã...".

be non oe vi cha me bat hoc ngay hoc dem truoc khi vao lop 1
Ép học sớm trước khi vào lớp 1 có thể gây tổn hại tâm lý cho trẻ. (Ảnh minh họa)

Đừng gây sức ép cho con!

Trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM, GS. Văn Như Cương nhận định: Mặc dù, Bộ GD đã đề nghị không nên làm như thế, tuy nhiên các cha mẹ vẫn thuê gia sư về nhà dạy cho con, các bé học đủ mọi thứ trên đời và đây là điều chúng ta cần sửa đổi.

"Người ta nói có hạnh phúc là trẻ con được đi học, thì đây là bất hạnh vì trẻ phải học quá nhiều!", GS. Cương nhìn nhận.

Theo GS. Cương "Xuất phát từ tâm lý của cha mẹ là: Con tôi mà không đi học thì con tôi dốt hơn con người khác. Rồi lại sợ rằng con sau này lên cấp 2 không được vào lớp tốt, cấp 3 cũng không được vào trường tốt...", với tâm lý chạy đuổi leo lên như thế thì khổ lắm.

Việc học ấy khiến cho trẻ vô cùng áp lực, phụ huynh không hề biết rằng kiến thức của bọn trẻ phải học nặng như thế nào? Không chỉ những kiến thức cơ bản mà còn Toán nâng cao, Tiếng Việt nâng cao... Học ở trường, học ở nhà đã làm mất đi thời gian vui chơi của trẻ thơ.

Ngày trước đâu có học khổ như bây giờ, vừa học vừa chơi đùa, nhảy nhót... chứ đâu đến mức học kinh hoàng mọi lúc, mọi nơi như vậy?", GS đặt câu hỏi.

Trao đổi trên VOV, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết: "Đối với trẻ lớp 1, vai trò của gia đình là cần thiết, gia đình chỉ tạo điều kiện cho con em mình đi học như đừng bắt trẻ nghỉ học (như miền núi). Để đạt được yêu cầu chuẩn thì vai trò của nhà trường là đủ. Để trẻ phát triển năng khiếu cá nhân thì mới cần vai trò hỗ trợ của gia đình.

Nhưng hiện nay, sự quan tâm thái quá của cha mẹ, cha mẹ quá kỳ vọng vào con đang trở thành một hiện tượng. Cho nên, có nhiều giáo viên cho biết không giao bài tập về nhà lập tức được phụ huynh gọi điện đến “hỏi thăm” lý do. Hay nhiều khi phụ huynh muốn con mình giỏi hơn, thông minh hơn, viết chữ đẹp hơn. Sự quan tâm của phụ huynh đến con là tốt nhưng nếu thái quá thì lại gây sức ép và quá tải cho học sinh.

Trong khi đó, một số giáo viên, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh họ lại thấy có lợi. Cung và cầu gặp nhau là lí do để có học trước, học thêm. Trong lớp có 35 học sinh, có 30 phụ huynh tự nguyện cho con học thêm, còn 5 phụ huynh không tự nguyện. Và 5 người này phản ứng quyết liệt. Vấn nạn dạy thêm phức tạp ở chỗ đó.

Ngay cả chuyện tự nguyện, với tư cách là nhà giáo dục, chúng tôi vẫn cho rằng không nên và không cần thiết. Bởi để trẻ con học ít, yêu cầu vừa phải là có lý của các chuyên gia xây dựng chương trình. Không phải học quá nhiều là tốt mà là có hại cho sự phát triển của trẻ em. Trẻ chỉ cần học đúng thời lượng để phát triển bền vững chứ không phải nhồi cho nhanh. Giống như nông dân bón thúc phân nhiều quá, lúa sẽ bị “lốp” dẫn đến tốt lá nhưng không có bông. Chúng ta không cần thần đồng lớp 1, do học sớm, học trước. Ta cần những trẻ em khỏe mạnh, hoạt bát, thông minh với một thời khóa biểu hợp lý, khoa học. Tôi rất đau đớn khi nhìn thấy những đứa trẻ bị bắt đi học sớm. Học thêm, học sớm là vấn đề của xã hội.

Ngành giáo dục như cái đòn gánh ở giữa phải chịu sức ép ở hai đầu, phải gồng mình lên huy động trẻ em miền núi đến trường, không bỏ học, đồng thời lại phải chống học sớm, học thêm ở thành phố".

be non oe vi cha me bat hoc ngay hoc dem truoc khi vao lop 1
Sự quan tâm thái quá của cha mẹ, cha mẹ quá kỳ vọng vào con đang trở thành một hiện tượng.. (Ảnh minh họa).

Khổ con mình, khổ cả giáo viên

Thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, qua khảo sát của một số giáo viên lớp 1, hầu như tất cả các trẻ đều biết viết, đánh vần trước khi vào học. Tuy nhiên, theo cô Dương Thu Hằng, giáo viên lớp 1 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu thì các em dù đều học trước, biết trước nhưng trình độ không đồng đều. Tuy nhiên điều đó không nghiêm trọng bằng việc kỹ năng biết trước thường không chuẩn so với quy định của chương trình giáo dục tiểu học hiện hành. Việc uốn nắn các em có lúc còn khó khăn hơn dạy từ đầu.

Cô Hằng cho biết, học sinh thường viết sai từ các nét cơ bản cho đến độ rộng, độ cao và khoảng cách các con chữ vì mỗi nơi các con học đưa ra một loại hình vở ô ly khác nhau, nơi 4 ô ly to, nơi 5 ô ly nhỏ. Cách đánh vần, trẻ cũng thường được dạy theo kiểu cũ, không còn phù hợp. Ngoài ra, nhiều học sinh còn ngồi sai tư thế dẫn đến cách cầm bút, khó sửa và dễ thành tật…

Còn cô Nguyễn Thu Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Yên khẳng định: Việc học trước sẽ lợi bất cập hại. Bởi khi trẻ đã biết chút ít, khi vào lớp, cô giáo dạy lại từ đầu nên trẻ không tập trung, ít hăng hái học tập, thậm chí trẻ thấy mọi việc đơn giản nên thiếu tinh thần phấn đấu, thi đua. Trên thực tế, giáo viên thích dạy một lớp các em đều chưa đi học trước hơn vì được đi đúng chương trình quy định, học từ dễ đến khó với những học sinh đang tràn đầy trí tò mò và lòng ham học.

Đa số các giáo viên đều cho rằng do quá nôn nóng, nhiều cha mẹ không tìm đúng cô giáo đang dạy lớp 1 mà lại cho trẻ học với gia sư hoặc là những những giáo viên lớn tuổi, đã về hưu từ lâu không cập nhật những phương pháp đổi mới nên dẫn đến dạy trẻ sai. Đáng ngại hơn là trẻ học ở những trung tâm không có uy tín thường sai một cách tổng thể.

Trao đổi với báo chí về băn khoăn này, TS Vũ Thu Hương- giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, chương trình tiểu học của chúng ta được sắp xếp thống nhất trên cả nước theo từng tuần học. Như vậy, không có chuyện trẻ nếu không học trước sẽ khó theo kịp tiến độ mà việc học trước này thực chất là hoàn toàn là vô ích.

Phụ huynh cần kiên trì, không được nôn nóng đốt cháy giai, không nên lấy ý muốn chủ quan của mình áp đặt cho trẻ. Sự kỳ vọng quá lớn của các vị phụ huynh vào kết quả học tập, nhất là chỉ quan tâm đến điểm số học tập của con khi con học lớp 1 cũng là một áp lực lớn làm cho trẻ chán học. Vì thế, việc dạy con học trước không những không giúp ích được gì mà có khi còn phá hỏng niềm vui học tập của con cái ngay từ giai đoạn đầu tiên.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.