Bến xe cóc 'khủng' ngang nhiên tồn tại giữa thủ đô: Điểm mặt những nhà xe

Không phải những chiếc xe Limousine hay những xe “dù” thường xuyên ra vào đón trả khách, tại bến cóc “khủng” này, đa số các xe “ở bến” đều là những nhà xe chạy tuyến cố định từ Hà Nội đi các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế…
ben xe coc khung ngang nhien ton tai giua thu do diem mat nhung nha xe
Bến cóc ngang nhiên tồn tại nhiều năm là nơi đón, trả khách của các nhà xe chạy tuyến cố định nhưng không có cơ quan chức năng nào xử lý (ảnh cắt từ clip).

Không phải những chiếc xe Limousine hay những xe “dù” thường xuyên ra vào đón trả khách, tại bến cóc “khủng” này, đa số các xe “ở bến” đều là những nhà xe chạy tuyến cố định từ Hà Nội đi các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế…

Những nhà xe “bất hảo”

Gần một tháng theo dõi di biến động của bến xe cóc “khủng” giữa lòng thủ đô, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi các xe ra vào bắt khách chủ yếu chạy tuyến cố định Hà Nội đi các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế… Tiếp tục trong vai hành khách có nhu cầu đi xe về thành phố Vinh (Nghệ An), khoảng 18h15 ngày 6.11, nhóm PV chúng tôi lại ra bến cóc “khủng” này đợi xe.

Vừa nhìn thấy khách quen, quản lý bến nhanh nhảu hỏi thăm, anh chị lại về Vinh ạ? Nhận thấy quản lý bến không một chút nghi ngờ, chúng tôi tỏ ra gấp gáp hỏi xem có xe nào chuẩn bị xuất bến không? - anh này - cho biết: “Xe Nhật Tuấn vừa mới chạy lúc 6h (18h tối - PV), anh chị ra muộn quá, sớm chút nữa là kịp, thôi đằng nào cũng muộn, anh chị vào đây ngồi chờ, khoảng 22h xe H&N xuất bến rồi đi xe đó cũng được”.

Trong lúc chờ đợi, chúng tôi dạo quanh một vòng bến xe khách trái phép này, điểm nhanh cũng thấy hàng chục con xe đang đậu đỗ ở đây, chờ giờ xuất bến. Quan sát qua, bến cóc được tổ chức khá tinh vi khi có đội ngũ chó nuôi để canh gác, bốn xung quanh quây tôn kín mít đến nỗi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, duy chỉ có một lối đi là cổng vào.

Người quản lý thấy chúng tôi tự do đi lại thì bất giác nhắc ngay: “Anh chị vào đây ngồi, đừng đi lại như vậy, bao giờ có xe thì lên”. Bị nhắc nhở, chúng tôi như những vị khách ngoan ngoãn quay đầu về lán, ngồi uống nước chờ xe. Bất chợt có tiếng ôtô và đèn pha rọi ngoài cổng, thì ra chiếc xe H&N mang BKS 29B-1xx.57 chở khách từ Vinh (Nghệ An) đi Hà Nội đã về đến bến.

Chiếc xe này là của Cty CP vận tải Thanh Xuân, xe vừa mở cửa cũng là lúc khách ùn ùn bước ra ngoài. Hơn 30 vị khách nháo nhác, mỗi người một câu như ong vỡ tổ, nào là cầm hộ tôi cái túi ở thùng xe, nào là lấy chiếc hộp carton ra hộ tôi với… cảnh tượng nhộn nhịp đến bất ngờ.

Riêng anh Nguyễn Văn H, vừa bước xuống xe bỗng thấy giật mình, liên tục hỏi phụ xe: “Đây là đâu vậy, có phải bến Mỹ Đình không?”. Sau giây phút im lặng, phụ xe cũng lên tiếng: “Đây là Hà Nội rồi, từ đây ra Mỹ Đình chỉ mất 20 nghìn đồng tiền xe ôm, chú bắt xe ôm ra đó giúp cháu với ạ, xe cháu không đỗ ở đó”.

Khách thì lo lắng, còn cánh xe ôm và taxi thì hả hê, tha hồ kiếm tiền bởi xe không về bến đồng nghĩa với các vị khách bắt buộc phải đi xe ôm, hoặc taxi về nhà. Số lượng xe ôm, xe taxi bị nhà bến “hạn chế”, do vậy cánh lái xe tha hồ chặt chém, còn người quản lý chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”, ngửa tay ra nhận những đồng tiền được cho là đóng phí khi chở khách ở bến cóc này...

Tiếp tục tìm hiểu về bến xe và những nhà xe chạy tuyến cố định chuyên đón trả khách ở bến cóc này, khoảng 17h, chúng tôi trong vai khách quen bắt xe vào Thừa Thiên - Huế. Quản lý bến cóc cho biết, xe Nhật Tuấn chuẩn bị xuất bến.

Quyết tâm đi một chuyến cùng nhà xe Nhật Tuấn, chúng tôi lên chiếc xe BKS 74B-0xx35, xe xuất bến khi khách đã quá nửa, nhưng nhà xe vẫn chạy lòng vòng trong nội thành đón khách rồi mới thẳng tiến Miền Trung. Lúc này nhà xe bắt đầu thu tiền vé, 250 nghìn đồng cho một vé vào đến Thừa Thiên-Huế. Trả tiền xong xuôi, xe chạy đến Ninh Bình, chúng tôi cáo lỗi có việc đột xuất nên đành xuống xe giữa đường.

Trưa hôm sau, theo tấm card trước đó xin được của nhà xe Thủy Cường, chúng tôi đón xe BKS 35B-0xx77 đi từ Ninh Bình về Hà Nội, sau quãng thời gian di chuyển trên đường, khoảng 15h30 chiếc xe này cũng dừng đỗ trả khách ngay trong bến cóc và lại tiếp tục mời mọc khách có nhu cầu di chuyển từ Hà Nội về Ninh Bình. Ngoài ra, trong những lần tác nghiệp tại bến cóc, chúng tôi còn bắt gặp rất nhiều xe khách chạy tuyến cố định đón trả khách trong bến, điển hình như xe BKS 36B-0xx57, 74B-0xx79…

Và lý lịch “khủng” của ông trùm bến cóc

Một bến cóc “khủng” mọc giữa thủ đô, hoạt động công khai trên diện tích đất đã được quy hoạch, tuy nhiên hơn 3 năm nay không hề bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý. Vậy nguyên nhân nào khiến các bến cóc xe dù khác trên địa bàn Hà Nội liên tục bị “đánh dập đầu”, còn riêng bến cóc này vẫn “trơ trơ cùng tuế nguyệt”.

Để trả lời câu hỏi đó, nhóm PV chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu, được biết bến cóc này do một người tên Dũng làm chủ. Tuy nhiên, thực chất Dũng cũng chỉ là bức bình phong, còn người đứng sau lại là một lãnh đạo của phường Mỹ Đình 1. Trao đổi với một nhà xe có kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh vận tải được biết, toàn bộ khu vực đó đã có quy hoạch, không phải tự nhiên là có thể mở bến cóc được, đặc biệt lại là các bến cóc dành cho các xe chạy tuyến cố định.

Người này giải thích, trước tiên phải có sự tiếp tay của lãnh đạo phường, bởi khu đất này được quy hoạch là đất công cộng, mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên khu đất đó chính quyền sở tại đương nhiên phải nắm rõ hơn ai hết.

Trong khi đó, hoạt động của bến cóc này diễn ra công khai, nhiều năm liền nhưng chưa một lần bị cơ quan chức năng sờ gáy. Vậy mà các chiến dịch ra quân dẹp xe dù bến cóc vẫn thường xuyên được thành phố Hà Nội triển khai, biết bao nhiêu bến cóc xe dù bị dẹp bỏ, nhưng riêng bến cóc “khủng” nhất Hà Nội này lại bị bỏ qua.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn bộ hoạt động của các xe chạy tuyến Hà Nội - các tỉnh phía Bắc và Hà Nội - các tỉnh Bắc Trung Bộ, sau khi xuất bến đều tìm kiếm khách, nhận hàng ký gửi tại khu vực quán nước ở trước cửa lối vào bến xe cóc này.

Người đứng ra nhận hàng và thu tiền chính là chủ quán nước tên Dũng. Những hoạt động này diễn ra công khai, nhiều khi xe khách đậu đỗ bắt khách, nhận hàng gây tắc cả một đoạn đường nhưng không hề có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý. Cơ quan chức năng sẽ nói gì về việc này, mời độc giả đọc tiếp kỳ sau…

ben xe coc khung ngang nhien ton tai giua thu do diem mat nhung nha xe Bến xe tiền tỷ chỉ để hợp thức cho xe dù

Đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng nhưng các bến xe huyện hoành tráng luôn trong cảnh ế khách, dường như chỉ còn mỗi ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.