Đã thành thông lệ, ngày 13 tháng Giêng hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội Rước lợn nhằm tưởng nhớ công ơn của Đức Thành hoàng là Tĩnh Quốc Tam Lang có công dẹp giặc dưới thời Vua Hùng thứ 6.
Theo truyền thuyết, trước khi lên đường đánh giặc để giữ yên bờ cõi, Ngài thường ra lệnh mổ lợn để khao quân. Từ đó đến nay, người dân xã La Phù vẫn giữ nguyên truyền thống đó như một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của địa phương.
"Ông lợn" của xóm Hoa Thám 2 được người dân trang điểm khá kỹ lưỡng (Ảnh: Đình Tuệ). |
Quý "Ông lợn" như người nhà
Là một người có thâm niên được nuôi lợn lễ, ông Ngô Văn Như ở thôn Thống Nhất cho biết: “Không phải bất cứ ai cũng có vinh dự được dân làng tín nhiệm để nuôi “Ông lợn” dùng để tế Thánh ngày hôm nay đâu. Ngoài điều kiện gia đình hòa thuận, con cháu đầy đàn, phải không có ai mắc tang cớ gì thì mới được ủy nhiệm. Còn một khi đã có vấn đề gì thì quyền nuôi lợn lễ lại phải trao cho gia đình khác”.
Cũng theo ông Như, việc nuôi lợn để lễ không hề là chuyện đơn giản, thậm chí còn rất vất vả gấp nhiều lần nuôi lợn thương phẩm. Năm nay ông vinh dự khi nuôi được lợn cho cả 3 thôn trong xã nên nhiệm vụ càng nặng nề. Chế độ chăm sóc cho các “Ông lợn” cũng rất đặc biệt.
Ông Ngô Văn Như ở thôn Thống Nhất, xã La Phù chia sẻ về cách nuôi lợn lễ Thánh (Ảnh: Đình Tuệ). |
Ông Như kể: “Vì theo cách gọi truyền thống từ xưa gọi là “Ông lợn” đã thể hiện sự tôn trọng lợn như là một thành viên trong gia đình. Lợn nuôi là lợn Đại Bạch, chế độ ăn uống, chăm sóc cho lợn cũng khá kỳ công. Điều kiện chuồng nuôi phải đảm bảo kín đáo, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Tuyệt đối không để lợn bị rét vào mùa đông, nóng vào mùa hè, nên ở chuồng bố trí cả quạt điện, che chắn bạt phủ.
Thức ăn cho lợn tuyệt đối không sử dụng các chất tăng trọng hay cám công nghiệp. Thay vào đó chỉ là cám gạo, gạo nếp, gạo tẻ, cám mỳ, rau xanh. Đến khoảng rằm tháng Chạp năm ngoái đến tận sáng ngày 13 tháng Giêng, lợn sẽ được cho ăn cháo hoàn toàn. Thậm chí, còn được ăn thêm cả chè, xôi, bánh chưng như là một thành viên trong gia đình. Điều này thể hiện tình yêu thương và tôn trọng của gia chủ đối với “Ông lợn” trước khi được đem đi lễ Thánh”.
"Ông lợn" do gia đình anh Nguyễn Duy Sơn ở Xóm Minh Khai 1 chuẩn bị được đưa đi mổ (Ảnh: Đình Tuệ). |
Bên cạnh đó, ông Như cho hay mỗi “Ông lợn” đem đi lễ Thánh phải được nuôi đạt khối lượng từ 1,6 – 2, 5 tạ cân móc hàm. Trong quá trình nuôi, nếu lợn có biểu hiện kém ăn hay ăn ít, chủ nuôi thậm chí còn phải sửa lễ ra Đình để xin Đức Thành hoàng độ cho lợn chóng khỏe lại.
Độc đáo chiếc “áo choàng” cho “Ông lợn”
Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Như, năm nay toàn xã có 17 lễ (tức 17 lợn lễ) từ 11 thôn, xóm trong xã cùng dâng tế Thánh. Ngay từ chiều 13 tháng Giêng, công tác chuẩn bị của các xóm và các gia đình chủ nuôi đã được chuẩn bị khá chu đáo.
Ông Nguyễn Công Tầm – Phó Ban khánh tiết Đình La Phù chia sẻ: “Việc của các cụ cao niên trong ban chúng tôi và lãnh đạo địa phương là đi kiểm tra công tác chuẩn bị cũng như chấm điểm cho các “Ông lợn” của các thôn tham gia lễ hội rước lợn. Điều kiện để đánh giá một “Ông lợn” đạt tiêu chuẩn đẹp về thẩm mỹ là phải có mình dài, mõm dài, tai to, mặt lớn, tươi, thân mình cao, da phải trắng không có vết. Trung bình khối lương đạt từ 1,8 – 2 tạ móc hàm.
Tấm "áo choàng" của "Ông lợn" tại thôn Thống Nhất 2 (Ảnh: Đình Tuệ). |
Bên cạnh đó, chiếc “áo choàng” cho “Ông lợn” cũng là một trong số điểm nhấn nhằm tạo vẻ đẹp thẩm mỹ cho lợn tham gia tế Thánh. Đó thực chất là một lớp mỡ mỏng vốn bao phía ngoài của dạ dày lợn. Người bóc phải thật cẩn thận, khéo léo mới gỡ thành công cả mảng mỡ mỏng này ra. Tấm màng mỡ này càng lớn thì khi che phủ lên lưng “Ông lợn” nằm trên kiệu càng đẹp. Những “Ông lợn” của thôn nào được chấm điểm cao và giành được cờ hiệu thì sẽ được đưa vào trong hậu cung để tế Thánh”.
Và "Ông lợn" bắt đầu mang trên mình tấm "áo choàng" tại Xóm Hoa Thám 2 (Ảnh: Đình Tuệ). |
Có lẽ vì lẽ trên, tất cả các thôn đều rất cố gắng tạo hình cho “Ông lợn” của mình và choàng lên tấm “áo choàng” thể hiện sự tôn kính đối với Đức Thành hoàng trước giờ rước kiệu.
Ông Tạ Tương Hùng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã La Phù cho biết, hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được hoàn tất. Lợn của các thôn, xóm đều đã được tạo hình đẹp mắt hứa hẹn sẽ có một mùa lễ hội rước lợn mang đúng tính chất của một nét văn hóa truyền thống lâu đời của quê hương La Phù.