Người dân ở chung cư Carina Plaza bơ vơ sau khi căn hộ bị cháy. Ảnh: Tùng Tin. |
Sáng 23/3, lối đi nhỏ hẹp giữa các căn hộ Carina Plaza tối đen, dây điện vương vãi trên mặt sàn sũng nước. Không khí ngột ngạt vẫn vương mùi khét của cao su. Chẳng còn chút bóng dáng nào của khu căn hộ cao cấp.
Ở sảnh chung cư, có một chiếc dép trẻ em nửa xanh lá nửa cam nằm chỏng chơ giữa gạch đá. Đôi dép ấy nguyên vẹn, có vẻ như của em bé nào đó đánh rơi trong cuộc chạy lửa.
Theo thông tin từ Cảnh sát PCCC TP.HCM, trong 13 nạn nhân tử vong do vụ cháy tại chung cư Carina Plaza trên đường Võ Văn Kiệt (quận 8) vào rạng sáng 23/3, có 3 trẻ em và 10 người lớn.
Người dân chung cư Carina ngồi la liệt dọc lối đi, khuôn mặt vẫn chưa hết ám khói, hoảng loạn. Không khí đặc quánh, trơ trọi như đá. Đôi mắt ai cũng thất thần; chỉ vài giờ trước đó, mọi người còn chạy hoảng loạn trong cầu thang đặc khói mà tối om.
Sự im lặng chỉ bị phá vỡ khi hai cô gái trẻ ôm nhau khóc thành tiếng, báo cho nhau biết người này người kia chết rồi. Cánh phóng viên xộc tới, nhưng chưa kịp hỏi câu nào thì hai cô gái đã bỏ đi.
Rạng sáng 23/3, tầng hầm chung cư Carina bốc cháy. Ngọn lửa xuất phát từ tầng hầm block A chung cư rồi nhanh chóng lan rộng. Khói bốc cao nghi ngút cả phía ban công lẫn cầu thang thoát hiểm. Nhiều người tìm cách thoát thân trong hoảng loạn.
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, nguyên nhân phát cháy từ một xe ở tầng hầm, chưa xác định được khả năng cháy hệ thống điện của xe, tuy nhiên, cũng không loại trừ việc cài đặt để gây nổ.
150 xe máy bị thiêu rụi cùng nhiều ôtô. Ảnh: Lê Quân. |
Nguyên nhân gây ra hậu quả lớn là hệ thống cửa ngăn cháy đã bị che lại nên không đóng, dẫn đến lối thoát hiểm là cầu thang bộ lại là lối theo hiệu ứng lò cao, khí độc và hơi nóng từ tầng hầm bốc lên tới tầng 14.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, quyền Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết thời điểm cháy, chuông báo cháy chung cư bị “tê liệt”, hệ thống loa thông báo cháy cũng không hoạt động. Công an sẽ làm rõ những vấn đề này cũng như làm rõ quá trình lắp đặt vận hành hệ thống PCCC của chung cư xảy ra hỏa hoạn.
Thứ duy nhất để cảnh báo cho người dân ở Carina về tai họa sắp giáng xuống đầu họ là tiếng kêu thất thanh: "Bà con ơi, cháy rồi, chạy đi". Sau tiếng kêu đó, những đoàn người chủ yếu phụ nữ và trẻ em dồn ra thang thoát hiểm chạy náo loạn. Lúc đó, những cột khói đen khổng lồ đã theo lối này bốc lên tận lầu 14.
"Chúng tôi như chuột chạy trên chảo lửa", một nạn nhân bình luận.
Hoảng loạn trong đám cháy, chẳng ai kịp cứu ai. "Tôi nhìn thấy nhiều người ngạt khói ngã quỵ xuống. Nhưng lúc đó thân mình còn chẳng lo nổi thì giúp được ai", chị Hiền chua xót kể lại.
Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận những ca nặng của vụ cháy. Hai nạn nhân lớn tuổi nằm băng ca cạnh nhau. Đây là hai ca bị ngạt khí cho thiếu oxy quá lâu, chân tay ai cũng đều lem luốc, xạm đen vì khói.
Người phụ nữ tên Đào Thị Kim Long. Người đàn ông nằm cạnh bà không thể nói chuyện. Cũng không thấy thân nhân của ông.
Hai tay, hai chân ông đều được buộc chặt vào băng ca phòng trường hợp ông giật mạnh khi tiêm thuốc giảm đau. Từ chối trò chuyện với phóng viên vì kiệt sức, nhưng khi thấy bà Long nằm cạnh đang rên la vì đau, ông giở ống thở ra, nhìn qua và nói: “Cố lên chị!”.
Cư dân Carina nằm ngủ tạm trên sàn nhà. Ảnh: Tùng Tin. |
Có trên 90 nạn nhân đang cấp cứu ở các Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện quận 6... Đây là vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong vòng 15 năm trở lại đây trên địa bàn TP.HCM, chỉ sau vụ hỏa hoạn trung tâm quốc tế ITC vào tháng 10/2002.
Anh Đỗ Quang Bảo Long (37 tuổi) vẫn đang nằm hồi sức tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Anh là người mất ba người thân trong vụ cháy: Mẹ vợ, vợ và con gái 2 tuổi.
Thân thể anh vẫn còn bám đầy khói đen, anh Long chỉ quay mặt vào tường, im lặng khi có người lạ đến. Anh Long đang được mẹ ruột của mình là bà Diễm chăm sóc. Mũi của anh vẫn đặt ống thở.
Khi có điện thoại reo, anh Long đưa mẹ nghe máy rồi lại quay mặt vào tường, gác tay lên trán, ánh mắt vô hồn. Thi thể người thân anh Long đã được đưa về quê ở Bình Phước.
Bà Diễm kể khi biết tin ba người thân đều tử nạn, anh Long toan chạy qua Nhà tang lễ để nhìn mặt vợ con lần cuối nhưng cũng không đủ sức để đi. Nhà tang lễ Bệnh viện An Bình cách giường anh Long nằm khoảng 300 m. Nhưng với anh Long, đó là khoảng cách xa vời vợi của sinh ly tử biệt.
Khi bà Diễm cho phóng viên xem hình cháu ngoại và được khen “Bé dễ thương quá”, anh Long quay sang nhìn chúng tôi. Rồi rất nhanh, anh lại quay mặt vào tường.
Những ngày tới, anh sẽ về nhà một mình, không còn nghe tiếng bi bô ngọng nghịu của con gái, tiếng vợ, tiếng mẹ vợ. Chỉ còn căn nhà trống không ám khói và sự im lặng chết chóc. Chỉ vài giờ trước khi căn hầm bốc cháy, anh vẫn còn một gia đình hạnh phúc. Giờ anh chỉ còn lại một mình.
Khoảng hơn 1h sáng, chung cư Carina đột nhiên mất điện, những tiếng hô hoán: “Cháy, cháy bà con ơi” náo loạn giữa đêm. Ngay lập tức, mẹ vợ của anh Long ôm cháu gái; còn anh thì nắm tay vợ và mẹ kéo nhau tháo chạy.
“Khói càng lúc càng nhiều, tay tôi tuột mất mẹ và vợ. Lúc đó tôi không nghĩ gì được, ai nấy đều lo tìm cách thoát thân. Lúc sau, một bé gái té choàng qua chân tôi, không kịp nhìn thấy mặt, tôi nghĩ đó là con gái mình nên ôm cháu chạy thật nhanh. Khi thoát ra được bên ngoài mới phát hiện không phải con mình”, anh Long kể.
Cảnh tượng kinh hoàng nhất khi xuống sân chung cư là từng thi thể người cháy đen được đưa xuống. Anh Long bối rối chạy đi khắp nơi hỏi thông tin người thân nhưng vô vọng.
“Đến gần sáng, nó mới nghe tin cả mẹ vợ, vợ và con gái đều tử vong sau vụ cháy. Nó như người vô hồn”, bà Diễm, mẹ ruột anh Long chia sẻ.
Khi người trong cuộc bắt đầu thu dọn tàn tích để lại từ cơn hoả hoạn, sự ra đi của những người xung quanh họ bắt đầu được cảm nhận rõ hơn bao giờ hết.
Minh Tiến, sinh viên Sư phạm Toán, vừa cùng 4 người bạn chuyển vào khu chung cư này 2 ngày trước vụ hoả hoạn. Trước đó mấy ngày, phụ huynh của một em học sinh ở cùng chung cư tên là Lộc tới tìm Tiến nhờ làm gia sư ôn thi Đại học cho con trai. Trong số người chết có Lộc, đang học lớp 11. Lộc chưa kịp học Tiến buổi nào.
Người em trai của nhân viên bảo vệ tầng trệt, ngồi đúng vị trí cầu thang nơi lửa bốc lên, nơi chỉ 24 giờ trước đó hàng chục con người đang vô vọng chạy trốn đám cháy. Ông gục đầu khóc vì anh trai mất tích; ai cũng ngầm hiểu anh trai của ông lành ít dữ nhiều.
Ông già bảo vệ chung cư cũng rơi nước mắt khi nhắc tới gia đình 5 người sống ở lầu 5 đã chết cả nhà. Mấy đứa trẻ con nhà ấy rất ngoan và lễ phép, thường vẫy tay chào ông mỗi khi gặp mặt.
Lời kết: Người viết đã trở đi trở lại nhiều lần để tìm chủ nhân của chiếc dép trẻ em trên sảnh chung cư. Cả một ngày trời, nó vẫn nằm đó giữa gạch đá, giữa mùi săm lốp cháy khét lẹt như chứng nhân lặng im của đêm kinh hoàng tại Carina Plaza. Đó có thể là chiếc dép cuối cùng của một trong những đứa trẻ rất ngoan và lễ phép trong ký ức ông già bảo vệ chung cư. Cũng có thể, may mắn hơn, em bé chỉ lỡ làm rơi nó khi chạy thoát thân ra ngoài. Dù là ai, chỉ mong em bình an.
Chiếc dép bị lạc trong vụ cháy. Ảnh: Hà Hương. |
Thời sự 10:07 | 29/10/2018
Thời sự 09:20 | 29/06/2018
Thời sự 11:30 | 01/06/2018
Thời sự 11:40 | 25/05/2018
Lối sống 04:08 | 23/04/2018
Thời sự 23:10 | 02/04/2018
Thời sự 03:10 | 02/04/2018
Thời sự 12:00 | 01/04/2018