30 năm trước, nhà đồng sáng lập Walkman cũng như Sony, Akio Morita, từng nói rằng một ngành công nghiệp xuất sắc có thể được thành lập từ kiến thức về các công nghệ cơ bản và các ý tưởng lắp ráp chúng thành các sản phẩm mới.
Và ngày nay, một ngành công nghiệp tương tự đang được đặt tại Thâm Quyến, nơi còn được biết đến với tên gọi "Thung lũng Silicon của Trung Quốc".
Nhưng biệt danh này không hoàn toàn chính xác. Không giống như Thung lũng Silicon, nơi các phần mềm và các công nghệ mới khác được phát minh ra nối tiếp nhau, Thâm Quyến là nơi những người trẻ có xu hướng tập hợp để thử nghiệm các công nghệ mới.
Trong khi Thung lũng Silicon bùng nổ nhờ một phát hiện rất cơ bản là chất bán dẫn, sự phát triển của Thâm Quyến lại dựa trên câu chuyện nghe có vẻ đơn giản hơn: lắp đặt điện thoại thông minh. Tại nơi này, mỗi người có thể tự tạo ra một chiếc điện thoại thông minh cho riêng mình.
Một góc của 'Chợ công nghệ' nằm tại Thâm Quyến. (Ảnh: Nikkei).
Bạn có thể cầm một chiếc giỏ xách như đi chợ, mua chipset của một hãng, màn hình của một hãng, bo mạch của hãng khác, sau đó lắp chúng lại với nhau thành 1 khối thống nhất. Với sự phong phú của các bộ phận điện thoại thông minh rẻ tiền, Thâm Quyến trở thành nơi thử nghiệm tối ưu để giới thiệu với thị trường các Starups.
Thành phố này là trụ sở của nhiều công ty phần cứng, bao gồm các nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei Technologies và ZTE, hay cả những hãng xe điện như BYD Auto cho đến nhà sản xuất máy bay không người lái như DJI.
Trụ sở chính của một trong 3 ông trùm công nghệ của Trung Quốc - Tencent Holdings cũng được đặt tại đây.
Đây là những công nghệ nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số. Tuy Trung Quốc đang chịu nhiều ảnh hưởng từ sự căng thẳng của cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, song Thâm Quyến vẫn được kì vọng sẽ có thể phát triển độc lập và vượt qua được "cơn bão" khó khăn.
Nơi đây không chỉ là "một ngôi nhà của nhiều nhà máy". Độ tuổi trung bình của các cư dân tại đây là 32. Chủ yếu là những người trong độ tuổi 20 đến 30. Những người lớn tuổi hơn, từ 50 và 60 hiếm khi được nhìn thấy tại thành phố này. Văn hóa 996 (làm từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày trong tuần) dường như không dành cho những người muốn có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Nhưng đây là một đặc điểm dễ dàng nhận thấy của chính sách công nghiệp tại Trung Quốc.
Silicon Valley được biết đến như một khu vực thu hút nhân tài về công nghệ từ khắp nơi trên thế giới.
Người nhập cư hiện chiếm khoảng một nửa số người quản lí tại Thung lũng kì lân này, và các công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên.
Sự phát triển của Thâm Quyến cho đến ngày hôm nay bắt đầu sau khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc năm 1980 chỉ định đây là một đặc khu kinh tế. Hơn hai thập kỉ sau, vào giữa những năm 2000, Thâm Quyến đã đạt được danh tiếng một cách đầy bất ngờ khi mọi loại điện thoại di động giả từ tất cả các hãng đều từng được bán ở đó.
Khoảng năm 2009, Thâm Quyến đã trở nên bùng nổ, nhờ vào nguồn cung dồi dào của các bộ phận điện thoại thông minh. Thêm vào đó, thành phố còn có thêm nhiều nhân tố tài năng khi những sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp tại Stanford trở về đây và thành lập doanh nghiệp. Nhiều người trẻ trong nước cũng đi theo bước tiến này.
Những tập đoàn lớn về công nghệ như Tencent có trụ sở chính tại Thâm Quyến. (Ảnh: Nikkei).
Cơ sở hạ tầng hiện đại cũng là một điểm khác biệt.
Thâm Quyến ở sát Hong Kong, một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Theo các chuyên gia của Nikkei, "mối quan hệ cộng sinh" giữa Hong Kong và Thâm Quyến có thể so sánh với mối quan hệ giữa New York và Thung lũng Silicon.
Chính sự phát triển của Thâm Quyến giúp cho những "bộ não hàng đầu" đã đăng kí vào Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh. Điều này tạo ra sự độc lập về văn hóa với Thung lũng Silicon, khi những người Trung Quốc, được đào tạo tại Trung Quốc, làm việc trong "Thung lũng Silicon của Trung Quốc".
Ngày nay, sự phát triển của Thâm Quyến đang trở thành "chính sách quốc gia". Nơi đây được ưu tiên đưa các công nghệ mới vào việc theo đuổi các ý tưởng đột phá, qua đó thúc đẩy năng lực sản xuất khổng lồ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.