Bị tai nạn lao động được hưởng những trợ cấp gì?

Ngoài việc được hưởng bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Anh trai tôi 46 tuổi, bị tai nạn ở công trường. Hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Vậy anh tôi có được hưởng chế độ gì không?

Độc giả: Phương Nga

Vụ sập giàn giáo khiến 2 người tử vong, 4 người khác bị thương ở Hà Nội - Ảnh: Công Phương

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Người sử dụng lao động bồi thường

Người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ được người sử dụng lao động bồi thường hoặc trợ cấp tương ứng với quy định của pháp luật.

Bồi thường tai nạn lao động:

Người lao động được bồi sẽ được bồi thường tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp khi xảy ra một trong các trường hợp như sau:

Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết trừ trường hợp tai nạn lao động mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động (kể cả trường hợp người lao động bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi doanh nghiệp cho dù do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn;

Người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa hoặc của cơ quan pháp y có thẩm quyền, thì được bồi thường trong các trường hợp sau:

Bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển làm công việc khác, trước khi thôi việc, trước khi mất việc, trước khi nghỉ hưu; Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bệnh nghề nghiệp theo kết quả thực hiện khám giám định bệnh nghề nghiệp định kỳ.

Người sử dụng lao động bồi thường từng lần đối với người lao động bị tai nạn lao động. Tai nạn lao động lần nào thì thực hiện bồi thường lần đó. Người sử dụng lao động không được cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó. Người sử dụng lao động bồi thường đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp theo từng lần và theo nguyên tắc sau: lần thứ nhất thì căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động trong lần khám đầu. Từ lần thứ hai trở đi thì căn cứ vào mức suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.

Mức bồi thường được tính như sau: Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:ít nhất bằng 30 tháng tiền lương; Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương; Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương. Người sử dụng lao động có thể tra bảng tính mức bồi thường hoặc tính theo công thức sau:

Tbt = 1,5 + {(a - 10) x 0,4}

Trong đó:

Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;

a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.

Trợ cấp tai nạn lao động:

Người lao động bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết thì được trợ cấp khi xảy ra một trong những trường hợp sau: Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động; Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (kể cả trường hợp do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn).

Trợ cấp tai nạn lao động được thực hiện từng lần. Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.

Mức trợ cấp được tính như sau: Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động: ít nhất bằng 12 tháng tiền lương; Đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương; Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%: thì tra bảng tính mức bồi thường từ người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định hoặc tính theo công thức dưới đây:

Ttc = Tbt x 0,4

Trong đó:

Ttc: Mức trợ cấp cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).

Được biết, các mức bồi thường, trợ cấp như nêu trên là mức tối thiểu.Việc người sử dụng lao động bồi thường, trợ cấp cho người lao động ở mức cao hơn luật định được Nhà nước khuyến khích thực hiện. Ngoài việc được hưởng bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (nếu có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).

Chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động

Trợ cấp 1 lần: (tính theo tỷ lệ thương tật và theo số năm đóng BHXH):

- Tính theo tỷ lệ thương tật:

+ Suy giảm 5%: Hưởng bằng 5 tháng lương tối thiểu chung.

+ Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu chung.

- Tính theo số năm đóng BHXH: Tham gia BHXH từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5 tháng tiền lương tiền công đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương tiền công đóng tháng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị.

Trợ cấp hàng tháng: (tính theo tỷ lệ thương tật và theo số năm đóng BHXH):

- Tính theo tỷ lệ thương tật:

+ Suy giảm 31%: Hưởng bằng 30% tháng lương tối thiểu chung.

+ Sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% tháng lương tối thiểu chung.

- Tính theo số năm đóng BHXH: Tham gia BHXH từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5 % tiền lương tiền công đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% tiền lương tiền công đóng tháng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc điều trị.

Lưu ý: Người được hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng nghỉ việc được hưởng BHYT do quỹ BHXH đảm bảo.

Trợ cấp phục vụ:

- Ngoài mức hưởng quy định tại trợ cấp hàng tháng, hàng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương tối thiểu chung.

Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương tối thiểu chung.

Cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình: Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được trợ giúp phương tiện sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn.

Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị tai nạn lao động:

Điều kiện: Trong khoảng thời gian 60 ngày, tính từ ngày có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa mà sức khoẻ còn yếu thì người lao động được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ.

Thời gian nghỉ:

- Nghỉ 10 ngày/năm nếu suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên.

- Nghỉ 7 ngày/năm nếu suy giảm khả năng lao động từ 31% - 50%.

- Nghỉ 5 ngày/năm nếu suy giảm khả năng lao động từ 15% - 30%.

Mức hưởng:

- 25% lương tối thiểu chung/ngày (nếu nghỉ tại nhà).

- 40% lương tối thiểu chung/ngày (nếu nghỉ tập trung).

Hồ sơ giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động:

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người sử dụng lao động (mẫu số 05A-HSB).

3. Biên bản điều tra tai nạn lao động theo quy định.

4. Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản chụp) sau khi đã điều trị thương tật tai nạn lao động ổn định đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú.

5. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.

6. Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm một trong các giấy tờ sau:

- Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông (bản sao có chứng thực).

- Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội (bản sao có chứng thực).

Lưu ý: trường hợp nộp bản chụp, đề nghị mang theo bản chính để đối chiếu.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Cận cảnh cây cầu dẫn vào nút giao An Phú sắp đến hẹn hoàn thành
Cầu Giồng Ông Tố mới nằm trên tuyến đường Đồng Văn Cống, TP Thủ Đức. Đây là một trong những hạng mục quan trọng của nút giao An Phú, vốn được xem là nút giao đẹp nhất TP HCM khi hoàn thành.