Mark Zuckerberg, CEO Facebook, nói với nhân viên rằng sẽ không thay đổi cách tiếp cận với ngôn ngữ thù hằn, bất chấp việc hơn 500 thương hiệu đã tẩy chay mạng xã hội này, The Information đưa tin.
"Chúng ta sẽ không thay đổi chính sách hay cách tiếp cận liên quan đến bất kì thứ gì chỉ vì mối đe dọa đến một phần nhỏ doanh thu, hoặc một tỉ lệ doanh thu nào đi chăng nữa", Mark Zuckerberg nói trong một buổi tương tác từ xa với nhân viên.
"Tôi đoán là tất cả các nhà quảng cáo đó sẽ quay lại sớm thôi", Zuckerberg nhấn mạnh. Theo Mark Zuckerberg, chiến dịch tẩy chay chỉ là vấn đề "danh tiếng và đối tác", thay vì là một vấn đề tài chính. Phần lớn doanh thu quảng cáo của Facebook đến từ nhóm doanh nghiệp nhỏ.
Hồi đầu tuần, Facebook chứng kiến 60 tỉ USD vốn hóa "bốc hơi" chỉ trong 2 ngày khi nhiều thương hiệu lớn gia nhập chiến dịch tẩy chay quảng cáo. Dù vậy, giá cổ phiếu của Facebook đang bật tăng trở lại.
Đầu tháng này, một tổ chức đã lên tiếng kêu gọi các nhà quảng cáo tẩy chay Facebook, sau khi mạng xã hội có động thái "làm ngơ" trước các bài đăng mang nội dung thù hằn hoặc thông tin sai lệch.
Kể từ khi triển khai, chiến dịch đã thu hút sự tham gia của trên dưới 500 công ty, có cả các thương hiệu lớn như Coca-Cola, Ford, Starbucks, Verizon, Adidas, và Unilever.
Hôm 26/6, Facebook nói sẽ gắn nhán đánh dấu các bài đăng đến từ các chính trị gia vi phạm nguyên tắc về ngôn ngữ thù hằn, đồng thời thắt chặt quy định nội dung cho các nhà quảng cáo.
Theo Reuters, nhân sự của Facebook đã cố gắng thực hiện nhiều vòng đàm phán để giải quyết quan ngại của các nhà quảng cáo, song nhiều công ty vẫn cho rằng Facebook "không có gì thay đổi". Họ đồng thời yêu cầu Mark Zuckerberg phải đích thân tham gia, vì anh là người "có quyền lực cao nhất". Business Insider nói Mark Zuckerberg đã chấp thuận yêu cầu.
Về phần mình, đại diện của Facebook nói "đang rất quan tâm đến vấn đề và tôn trọng ý kiến của đối tác".
Người đại diện này khẳng định Facebook đang nỗ lực để loại bỏ ngôn ngữ thù hằn và "không hưởng lợi" từ loại nội dung này, nhưng chính sách thay đổi dựa trên nguyên tắc, không phải từ áp lực doanh thu.