Vừa qua, Scott Brownrigg đã tiết lộ kế hoạch thi công và cải tạo một hầm đường sắt thời Victoria bị bỏ hoang thành phòng trưng bày nghệ thuật và không gian biểu diễn dài nhất thế giới.
Đề án hướng đến việc biến đường hầm Rhondda 132 năm tuổi ở phía Nam xứ Wales, với tổng chiều dài hơn 3km, thành một “tọa độ” hút khách, từ đó có thể “đặt” Wales ở vị trí rõ nét hơn trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Theo lịch sử ghi lại, đường hầm này mở cửa vào năm 1890, đóng vai trò quan trọng trong việc nối liền giao thông giữa hai thung lũng Rhondda và Afan.
Tuy nhiên, đến năm 1970, chính quyền địa phương đã buộc phải đóng cửa đường hầm này do lo ngại về độ an toàn của hầm sau khi quá trình khai thác than trong khu vực gây ra biến dạng cấu trúc.
Trong thập niên 2010, Hiệp hội Đường hầm Rhondda - được hình thành từ nhóm những người dân địa phương, bắt đầu nỗ lực gây quỹ với mục đích mở lại đường hầm như một tuyến đường dành cho xe đạp.
Dự án đã được thúc đẩy vào tháng 12 năm ngoái khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải khi đó là Grant Shapps đồng ý chuyển quyền sở hữu đường hầm từ đường cao tốc quốc gia cho chính phủ xứ Wales.
Kể từ đó, kế hoạch đã mở rộng đáng kể về quy mô. Nếu đơn xin quy hoạch - dự kiến sẽ được nộp vào cuối năm nay, được phê duyệt, đường hầm này sẽ trở thành tuyến đường thú vị dành cho người đi bộ và đi xe đạp trong tương lai không xa.
Đồng thời, đây hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân của nhiều du khách với các tòa nhà mới được xây dựng ở hai đầu cùng với nhiều hoạt động đặc sắc.
Cụ thể, một khách sạn sẽ được xây dựng ở lối vào phía Đông, được hình thành từ các khung sườn gỗ dựng bằng kỹ thuật số. Thiết kế này xuất phát từ ý tưởng tái hiện lại hình ảnh chuyển động của một đoàn tàu khi nó biến mất trong đường hầm.
Trong khi đó, lối vào phía Tây sẽ dành cho mục đích xây dựng trung tâm dành cho du khách với các phòng trưng bày nghệ thuật, quán cà phê, không gian biểu diễn bên ngoài và nhà hát kỹ thuật số, đáp ứng tất cả các nhu cầu giải trí cho những ai ghé đến đây.
Điểm nhấn của dự án cải tạo công trình này phải kể đến tòa nhà ở cuối đường hầm có thiết kế như một khối than khổng lồ, với những tấm gỗ đen mô phỏng độ "cháy xém" được nâng lên trên sườn đồi trên những chiếc cột vững chắc.
Đặc biệt, đường hầm cũng sẽ được bố trí một tháp quan sát có chiều cao khoảng 40m, nhô ra khỏi đỉnh của trục thông gió hơn 18m, tạo cơ hội cho du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ xung quanh.
Để không gian đường hầm thêm sinh động, Scott Brownrigg đã hợp tác với Công ty Tư vấn Nghệ thuật Kỹ thuật số Lumen Art Projects nhằm cho ra đời các tác phẩm trưng bày mang tính thẩm mỹ cao, lấy ý tưởng từ những câu chuyện trong quá khứ của đường hầm quan trọng một thời này.
Scott Brownrigg hy vọng rằng, sau khi hoàn tất quá trình cải tạo và cho đi vào hoạt động, đường hầm sẽ thu hút hơn 40.000 lượt lưu trú qua đêm và 150.000 lượt du khách trong ngày mỗi năm, theo trang Building Design.