Cô Margot Krasojević, Nhà sáng lập của Margot Krasojević Architecture - một công ty kiến trúc nổi tiếng có trụ sở tại Anh, đã chia sẻ với CNN Style về ý tưởng xây dựng resort 75 phòng trên một hòn đảo nổi được hình thành từ rác thải nhựa đại dương.
Dự án khách sạn này sẽ được đặt ở khu vực quần đảo Cocos của Australia - một chuỗi các đảo nằm cách thành phố Perth, Tây Australia khoảng 2.750km về phía Tây Bắc.
Lấy cảm hứng từ Great Pacific Garbage Patch (khu vực tích tụ nhựa ngoài khơi lớn nhất trong các đại dương trên thế giới), “đảo rác” bên dưới resort sẽ được tạo thành từ những chiếc túi lớn chứa đầy nhựa được đan lại với nhau và sau đó neo xuống đáy đại dương.
Cô Kasojević nhấn mạnh, các túi sẽ được cân bằng phù sa và cát để đảm bảo cấu trúc ổn định cho không gian resort bên trên.
"Rễ" nhân tạo - được thiết kế với mục đích mô phỏng rừng ngập mặn, sẽ được định vị xung quanh cấu trúc để giữ lớp trầm tích, đồng thời hoạt động như một biện pháp phòng chống lũ lụt bằng cách hút nước để thổi phồng lên khi cần thiết.
Song song đó, các cấu trúc giống như xúc tu sẽ đóng vai trò là “áo phao cứu sinh của hòn đảo trong trường hợp khẩn cấp, khi chúng có thể mở rộng lớp trầm tích bị mắc kẹt để tạo ra vùng đất được thiết kế nhân tạo gần giống như một đường băng bơm hơi”.
Cô Krasojević cho biết, kế hoạch triển khai xây dựng đảo làm từ rác cũng như khách sạn mới chỉ nằm ở giai đoạn đầu và có thể mất vài năm để thực hiện, nhưng cô hy vọng nó sẽ mở cửa đón khách vào năm 2025.
Đây được đánh giá là một giải pháp thay thế cực kỳ sáng tạo, giúp giải quyết vấn đề rác thải một cách hữu hiệu, đặc biệt là ở những vùng đại dương rộng lớn.
Cô chia sẻ: “Nguồn cảm hứng đưa tôi đến ý tưởng kiến trúc độc lạ này là khi tôi nhìn thấy các khối nhựa ở Thái Bình Dương, một khu vực có diện tích gấp đôi nước Pháp, đang trôi tại vị trí do bị tác động của các dòng chảy”.
“Du lịch đang thay đổi, nhiều người muốn hòa hợp với môi trường thiên nhiên ngay cả trong thời gian đi nghỉ mát. Nhựa là vật liệu dẻo, dễ uốn nên có thể tái chế và chia nhỏ để phục vụ cho mục đích xây dựng. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là một giải pháp thay thế tốt hơn việc cho nó ra bãi rác”.
Ảnh: CNN Style
Cô Claire Barlow, một giảng viên cao cấp về kỹ thuật từ Đại học Cambridge của Anh và là một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất bền vững, hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm loại bỏ nhựa ra khỏi đại dương.
Tuy nhiên, cô cũng đưa ra cảnh báo rằng bất kỳ loại hình xây dựng nào cũng phải được thực hiện một cách "cân bằng" để tránh những tác động ngoài ý muốn đến môi trường.
Đánh giá về ý tưởng “đảo rác”, cô nhận định: “Đây là một ‘mảnh ghép’ thú vị trong ‘trò chơi ghép hình’ tìm ra cách xử lý rác thải biển. Đại dương bao la luôn là một nơi nhạy cảm của thế giới bị tàn phá bởi nhựa, vì vậy bất cứ điều gì có thể làm để giảm thiểu rác thải đều thực sự cần thiết”.
Song, cô thận trọng nói rằng: “Thực sự sẽ có những vấn đề về môi trường xuất hiện nếu xây dựng một resort với cơ sở hạ tầng, giao thông hoàn chỉnh. Do vậy, resort sẽ cần phải quản lý thật cẩn thận những thứ như chất thải phát sinh trên đảo”.
Ảnh: CNN Style